Sau Facebook, Google và Twitter cũng có thể sẽ phải ra điều trần

Sau khi CEO Facebook Mark Zuckerberg ra điều trần trước Quốc hội Mỹ, đến lượt Google và Twitter “vào tầm ngắm” của các nhà lập pháp của nước này, và các CEO Sundar Pichai của Google và Jack Dorsey của Twitter rất có thể sẽ phải tiếp tục điều trần, tương tự.
Nói cách khác, những "gã khổng lồ công nghệ" chuyên sống dựa vào dữ liệu của người dùng hãy "chuẩn bị tinh thần", sẵn sàng ngay đi là vừa, trước khi các nhà lập pháp Mỹ lên tiếng yêu cầu họ.
Facebook không phải là công ty công nghệ duy nhất "sống dựa vào những dữ liệu mà người dùng" mà còn có hàng loạt công ty công nghệ khác.
Theo CNET, sau cả tháng trời gây áp lực từ chính quyền - tức từ các nhà hành pháp tại Mỹ, cuối cùng, các nhà lập pháp Mỹ cũng đạt được điều mình muốn: "Yêu cầu CEO Facebook Mark Zuckerberg có một phiên điều trần công khai" trước các nghị sĩ của hai Viện và trước báo giới. Theo đó, ông chủ của Facebook đã phải trải qua hai phiên điều trần kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ trước cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ trong vòng có 2 ngày liên tiếp.
 
Mặc dù tại hai phiên điều trần này Mark Zuckerberg đã để "lộ, lọt" ra nhiều vấn đề, nhưng sự kiện này vẫn được cho là "một thắng lợi của Mark Zuckerberg và Facebook" khi vị CEO trẻ tuổi này đã có một "màn trình diễn" đầy tự tin, điềm tĩnh trước các Nghị sĩ của Quốc hội Mỹ. Nhờ đó, giá cổ phiếu của công ty Facebook vốn đang trên đà sụt giảm vì bê bối rò rỉ dữ liệu của 87 triệu người dùng bất ngờ tăng giá trở lại, mang về hàng tỷ USD cho Mark Zuckerberg lẫn các nhà đầu tư.
 
Điều này có thể là một tin vui đối với Facebook, nhưng nó cũng mở ra "những ngày đau khổ" mới cho các công ty công nghệ lớn khác, khi những vấn đề về bảo mật dữ liệu cá nhân quá lỏng lẻo, đã hé lộ qua cuộc điền trần của CEO Facebook vừa qua, và những nạn nhân đầu tiên phải hứng chịu chắc chắn sẽ là Google và Twitter, đều là những mạng xã hội lớn nhất hành tinh với hàng triệu người dùng.
 
Trước các nguồn tin này, đại diện của cả hai hãng công nghệ Google và Twitter đều từ chối bình luận việc mình đang "nằm trong tầm ngắm" của Chính phủ cũng như Quốc hội Mỹ.
 
Còn nhớ vào tháng 11 năm ngoái, cả ba công ty Facebook, Google và Twitter đều đã ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về tính minh bạch của nền tảng của mình, nhưng trong vụ việc này, không có CEO nào tham gia cả và thay vào đó, họ cử những luật sư giỏi nhất của mình ra làm việc. Động thái này không giúp các nhà lập pháp Mỹ an lòng, bởi họ muốn có câu trả lời trực tiếp từ những nhân sự cao cấp nhất của công ty, không phải những lời lẽ từ luật sư. Bởi thế, sau khi Mark Zuckerberg ngồi lên chiếc "ghế nóng", chắc chắn Quốc hội Mỹ sẽ có đủ lý do để gây sức ép lên Google và Twitter, yêu cầu CEO Sundar Pichai của Google và Jack Dorsey của Twitter phải trực tiếp điều trần.
 
"Rất nhiều lo ngại dấy lên từ sau vụ điều trần đầu tuần này, liên quan tới các vấn đề riêng tư. Có thể nói đây là chuyện rất lớn và không chỉ Facebook bị vạch tên mà Twitter cũng phải vậy, hay Google, YouTube cũng không thể vô can", Thượng nghị sĩ Mark Warner chia sẻ với CNET sau phiên điều trần với Mark Zuckerberg.
 
Theo CNET, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Chuck Grassley cũng đã mời CEO Google Sundar Pichai và CEO Twitter Jack Dorsey tới phiên điều trần của Thượng viện, nhưng cả hai đều không xuất hiện. Mặc dù đây không phải là hành động đề nghị Pichai và Dorsey đứng ra điều trần giống như Mark Zuckerberg với Thượng viện và việc họ muốn làm là để những công ty này hợp tác với Quốc hội nhiều hơn nhằm bảo vệ người dùng.
 
Liên quan đến vấn đề bảo vệ người dùng, nhiều ngày trước buổi làm việc đầu tiên cùng Thượng viện Mỹ, Mark Zuckerberg đã từng tuyên bố ủng hộ dự thảo "Luật Quảng cáo trung thực", yêu cầu các công ty công nghệ phải công khai các quảng cáo trực tuyến liên quan tới chính trị được đính hướng ra sao và chi phí bao nhiêu. Và không lâu sau khi Facebook tuyên bố hỗ trợ dự thảo luật trên, CEO của Twitter Jack Dorsey cũng có động thái tương tự, chỉ còn Google là vẫn im lặng.
 
Mặt khác, Quốc hội Mỹ cũng đang cần đến sự giúp đỡ của các công ty công nghệ theo nhiều cách khác nhau. Bởi ngay trong phiên điều trần trước Thượng viện, chính Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã "nhờ" Mark Zuckerberg giúp họ soạn thảo "Luật Quảng cáo trung thực", với yêu cầu: "Trình cho chúng tôi một số văn bản dự thảo" có liên quan đến bộ luật mới này. 
 
Và sau buổi làm việc (điều trần), thượng nghị sĩ Mark Warner đã yêu cầu đồng thời Facebook, Google, Twitter phải hợp tác với Quốc hội trong vấn đề an ninh quốc gia. Ông Warner nói: "Quốc hội muốn Mark, Dorsey, Sergey cùng ngồi lại và nói chuyện với ủy ban tình báo về an ninh quốc gia, bởi đây là một vấn đề không thể tự biến mất". Và cái tên Sergey được ông Warner nhắc tới chính là Sergey Brin, đồng sáng lập của Google.
 
Bê bối thu thập dữ liệu cá nhân 87 triệu người dùng của Cambridge Analytica đã tạo điều kiện cho các nhà lập pháp không chỉ riêng nước Mỹ đang chiếm thế thượng phong trong những tranh cãi xoay quanh việc sử dụng dữ liệu của người dùng, và việc chúng dễ dàng bị lạm dụng như thế nào. Cùng với đó, Facebook cũng không phải là công ty công nghệ duy nhất "sống dựa vào những dữ liệu mà người dùng" mà còn có hàng loạt công ty công nghệ khác. Ví như Google lưu trữ các thông tin của người dùng dựa trên những thứ như lịch sử tìm kiếm, các truy vấn trên Gmail và Google Maps,... Rồi cả Google và Twitter trong quá khứ cũng đã không ít lần phải nhận những chỉ trích khi để dữ liệu của người dùng bị lạm dụng.