Thời gian qua, hàng loạt chiếc điện thoại cấu hình khủng, hiệu năng cao được tung ra thị trường để đón đầu xu thế eSports mobile. Các hãng liên tục cạnh tranh với những mẫu bắt mắt như Xiaomi Black Shark, Razer Phone, Asus ROG Phone, Samsung S10+, Vivo V17 Pro... So với các model phổ thông, những chiếc di động này sở hữu cấu hình mạnh mẽ, pin khủng kèm tần số quét cao.
Hơn nữa, một số mẫu còn được hãng trang bị nhiều tính năng riêng biệt, hỗ trợ tối đa cho trải nghiệm chơi game của người dùng. Ví dụ như tản nhiệt chất lỏng, chế độ gaming kích hoạt bằng một phím bấm, hệ thống rung phản hồi xúc giác hay nhiều phụ kiện đi kèm.
Những tưởng với sự đầu tư hầm hố như vậy, các mẫu điện thoại trên sẽ chiếm được lòng tin game thủ và sử dụng rộng rãi trong nhiều bộ môn mobile ở nhiều giải đấu eSports. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn trái ngược.
"Ông hoàng" của eSports trên điện thoại.
iPhone mới là mẫu điện thoại phổ biến nhất được sử dụng trong thi đấu chuyên nghiệp. Cụ thể, chiếc iPhone 8 Plus luôn được game thủ tin dùng.
Ra đời cách đây 3 năm, iPhone 8 Plus vẫn được đánh giá là một trong những chiếc điện thoại có hiệu năng top đầu thế giới. Tại các giải Đấu trường Danh Vọng hay chung kết AWC 2019, AIC 2019, model này vẫn được sử dụng để thi đấu.
Ngoài ra, trong kỳ SEA Games 30 tại Philippines, iPhone 8 Plus vẫn được tin dùng ở các bộ môn Liên Quân Mobile, Mobile Legends: Bang Bang.
Cao thủ dùng iPhone 8 Plus để thi đấu tại SEA Games 30.
Tại sao iPhone 8 Plus lại được ưa chuộng trong eSports Mobile như vậy?
Đầu tiên, có thể kể đến hệ điều hành. iOS luôn được đánh giá nhanh và ổn định hơn Android. Trong những giải đấu chuyên nghiệp vốn yêu cầu tính ổn định cao thì iOS là lựa chọn tất yếu. Lag, tụt fps, mất kết nối hay văng khỏi game là những tình huống không được phép xảy ra.
Màn hình 16:9 của iPhone 8 Plus được coi là "tỉ lệ vàng" dành cho game.
Màn hình tràn viền, vô cực đang là xu thế của các dòng điện thoại hiện nay. Với thiết kế này, các mẫu điện thoại đó tuy đẹp nhưng sẽ gây khó khăn trong việc thi đấu. Bởi nó không có điểm tựa cũng như dễ bị chạm nhầm khi chơi game.
Thiết kế của iPhone 8 Plus trên dưới cân đối. Máy có khối lượng nhẹ (200 g), cạnh bo cong mềm mại, viền đủ dày để làm thành chiếu nghỉ cho các vận động viên phải thi đấu trong thời gian dài.
Thiết bị cũng không nóng lên nhanh hay có hiện tượng quá nhiệt khi sử dụng lâu. Hơn nữa, máy sở hữu màn hình 16:9 (tỉ lệ vàng hiển thị nội dung số), đặc biệt là video hay game mobile trên smartphone.
Lý do cuối cùng chính vi xử lý Apple A11 Bionic trên iPhone 8 Plus. Mặc dù con chip này không phải mạnh nhất nhưng nó lại ổn định và tương thích tốt với hệ điều hành iOS. Qua đó, nó tối ưu cho game mobile hơn. Thậm chí, A11 Bionic giúp iPhone 8 Plus trở nên mượt mà và nhanh hơn những mẫu điện thoại Android có cấu hình khủng.
Thật vậy, đương kim vô địch Liên Quân mobile - Team Flash cũng chia sẻ với Kenh14.vn rằng họ đã thử luyện tập bằng các hệ máy khác Oppo, Samsung, Vivo hay Asus… nhưng kết quả đều không tốt.
Đội thống trị Liên Quân Mobile Việt Nam - Team Flash tại AWC 2019. Ảnh: VED.
Bởi vì đa phần các model trên đều có màn hình to, khó để sử dụng combo skill 4 ngón tay và thường bị tụt fps khi máy nóng... Tất cả vấn đề trên đều không tồn tại ở iPhone 8 Plus.
Hơn nữa, mẫu smartphone này hỗ trợ AirServer và nó không gây ảnh hưởng đến chất lượng game lẫn máy. Đội tuyển Sai Gon Phantom cũng có lần chia sẻ với báo chí rằng họ thích sử dụng iPhone 8 Plus để luyện tập và thi đấu vì những lý do trên.
Tóm lại, tính ổn định cao, không bị giật, tụt khung hình và thời lượng pin khủng là những gì tạo nên sự khác biệt của iPhone 8 Plus cho tuyển thủ mobile.
Cho dù Xiaomi, Samsung, Oppo hay Vivo đã đầu tư nhiều tiền bạc và chất xám vào các mẫu smartphone gaming nhưng "ông hoàng" iPhone vẫn tỏ ra vô đối. Những ông lớn ngành điện thoại nên có các điều chỉnh phù hợp về thiết kế, hiệu năng và cả phần mềm hệ thống nếu muốn bắt kịp Apple.