Sốc: Facebook cho hơn 150 công ty xem tin nhắn của người dùng

Tờ New York Times vừa công bố một tài liệu dài hơn 200 trang, được tổng hợp từ các nguồn thông tin khác nhau có liên quan đến Facebook, cho thấy mạng xã hội lớn nhất hành tinh đang cho phép hơn 150 công ty trên thế giới xem nội dung tin nhắn của người dùng mà không hề có sự đồng ý.
Một tài liệu dài hơn 200 trang, do tờ New York Times tổng hợp từ các nguồn thông tin như phát ngôn của những cựu nhân viên Facebook, hay đối tác Facebook,… đã cho thấy, mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook đang cho phép tới hơn 150 công ty khác nhau trên thế giới được quyền truy cập trái phép vào nội dung tin nhắn của người dùng mà không hề có sự đồng ý của họ.
 
Đáp lại những cáo buộc của New York Times, đại diện của Facebook cho rằng, việc hãng cho phép hơn 150 công ty, ví dụ như Spotify hay Netflix có thể truy cập vào nội dung tin nhắn riêng tư và nhiều dữ liệu khác của người dùng là nhằm "giúp chính người dùng".
Netflit - một trong những đối tác được Facebook trao quyền khai thác dữ liệu người dùng.
Điều này thật sự là "một sự mỉa mai", coi người dùng như "một món hàng", được Facebook sử dụng để thu lợi nhuận riêng cho mình khi các thông tin cá nhân của người dùng bị sử dụng và khai thác tràn lan. Trong khi đó, hãng luôn mạnh miệng cho rằng họ "vì người dùng", vì cộng đồng,... nhưng thật sự bên trong không phảy vậy.
 
Cụ thể, các tài liệu nội bộ của Facebook đã chỉ ra, công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft có thể truy cập vào danh sách bạn bè mà không cần có sự đồng ý của người dùng mạng. Thêm vào đó, hãng cũng cho phép Netflix và Spotify được đọc tin nhắn riêng tư của người dùng, hay Facebook còn cho phép Amazon thu thập tên tuổi, thông tin liên lạc. Riêng Yahoo có thể đọc bài đăng người dùng, còn Sony, Microsoft, Amazon lại có quyền lấy địa chỉ email của bạn...
 
Nói chung, đây là những "cái bắt tay dưới gầm bàn" của Facebook với các công ty đối tác, nhằm chia sẻ dữ liệu cá nhân của người dùng mạng xã hội Facebook theo cách này hay cách khác, tức cách mà công ty đối tác của Facebook muốn là loại dữ liệu gì. 
 
Bởi vậy, nếu so sánh về quy mô và mức độ nghiêm trọng của báo cáo này, vụ rò rỉ dữ liệu người dùng Cambridge Analytica dường như chỉ ở mức không đáng kể. Thậm chí thỏa thuận chia sẻ dữ liệu trên đã được thực hiện trong suốt năm 2017 và một trong số đó vẫn còn hiệu lực tính tới nay.
 
Tiết lộ mới nhất này của New York Times đã khiến giới công nghệ không khỏi giật mình. Bởi lẽ Facebook từng ký thỏa thuận với Ủy ban thương mại Liên bang Mỹ hồi năm 2011 về việc cấm chia sẻ dữ liệu người dùng khi chưa có sự cho phép.
 
Trong một diễn biến mới nhất, Facebook đã trả lời cáo buộc của New York Times. Công ty thừa nhận họ còn nhiều việc phải làm để lấy lại được lòng tin của cộng đồng 2 tỷ người dùng. Nhưng Facebook cũng nhấn mạnh việc họ sở hữu và chia sẻ dữ liệu sẽ giúp "tăng trải nghiệm cá nhân" trên các trang web của hãng và các dịch vụ đang liên kết với Facebook.
 
"Các đối tác của Facebook không bao giờ lờ các thiết lập quyền riêng tư và sẽ thật sai lầm khi cho rằng họ đã làm điều đó. Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã hợp tác với nhiều công ty bởi vậy mọi người có thể sử dụng Facebook trên các thiết bị và nền tảng mà chúng tôi không hỗ trợ. Không giống như trò chơi, dịch vụ phát nhạc trực tuyến hoặc ứng dụng bên thứ ba khác luôn cung cấp trải nghiệm độc lập với Facebook, các đối tác của chúng tôi chỉ có thể cung cấp các tính năng cụ thể trên Facebook và không thể sử dụng thông tin cho mục đích riêng.", Steve Satterfield, giám đốc Chính sách công và Quyền riêng tư tại Facebook cho biết như thế.
 
Về phía các đối tác, một phát ngôn viên của Netflix cũng lên tiếng khẳng định, họ không truy cập tin nhắn riêng tư của người dùng. Một tính năng tương tự từng được Netflix áp dụng trên Facebook từ năm 2014-2015 với mục đích đơn giản, chỉ là "yêu cầu truy cập danh sách bạn bè". Netflix sẽ cho phép bạn có thể chia sẻ, giới thiệu các chương trình truyền hình, bộ phim trên trang Netflix với bạn bè qua Messenger. Sau đó, Netflix được cho đã tắt tính năng này và cam kết không truy cập vào tin nhắn cá nhân của người dùng Facebook.
Đã đến lúc Facebook cần minh bạch hơn với chính mình và với người dùng về dữ liệu cá nhân.
Hay đại diện Amazon cũng lên tiếng xác nhận, Amazon chỉ sử dụng API do Facebook cung cấp để tăng trải nghiệm cá nhân hóa trên các sản phẩm. Trong khi đó, Microsoft khẳng định, họ đã tuân thủ đầy đủ các bước để đảm bảo dữ liệu Facebook không bị lạm dụng cho mục đích quảng cáo, đồng thời nhấn mạnh hãng luôn tôn trọng sở thích của người dùng.
 
Còn về phía Apple, hãng khẳng định không biết tại sao họ lại có nhiều đặc quyền truy cập như vậy với dữ liệu người dùng, ví dụ như khả năng truy cập danh bạ, lịch ngay cả khi Facebook đã hạn chế chia sẻ dữ liệu. Tuy nhiên, Apple khẳng định không bao giờ lấy bất kỳ dữ liệu nào đi.
 
Nhưng trên tất cả, những giải đáp của Facebook cũng như của các hãng công nghệ - đối tác có liên quan của Facebook, nói trên đều là ngụy biện. Chúng chẳng qua là "ẩn thân" của việc quảng cáo về các sản phẩm của các hãng lên người dùng Facebook - trong khi họ không hề muốn, chưa kể đến việc các đối tác của Facebook có dùng những dữ liệu cá nhân kia vào "những việc mờ ám" không.
 
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là hệ lụy của việc quản lý lỏng lẻo API. Thiết nghĩ Facebook cần có chính sách quản lý chặt chẽ hơn các đối tác trong việc sử dụng API. Nếu không làm tốt việc này, đối tác hoàn toàn có thể lợi dụng lỗ hổng API để thu thập dữ liệu người dùng Facebook bất cứ lúc nào.
 
Hiện có lẽ Facebook chỉ đứng sau Google về số thông tin đã tích lũy được từ cộng đồng người dùng. Nhưng nếu không quản lý chặt chẽ và có biện pháp bảo vệ số thông tin này, Facebook chẳng khác nào đang rao bán và phơi nội dung nhạy cảm của người dùng cho thiên hạ biết, đó là chưa kể chúng sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu của tin tặc và các ứng dụng lừa đảo.
 
Trong khi đó, suốt cả năm nay Facebook đã bị cộng đồng, giới công nghệ hoài nghi về tính trung thực và trách nhiệm. Khởi đầu từ vụ bê bối liên quan đến công ty tư vấn Cambridge Analytica lạm dụng dữ liệu người dùng nhằm phục vụ cho mục đích chính trị trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. CEO Mark Zuckerberg sau đó đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ và gửi lời xin lỗi tới người dùng.
 
Hồi tháng 7/2018, Facebook cũng từng thừa nhận đã ký kết các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với hàng chục công ty công nghệ, thừa nhận đang chia sẻ thông tin với 61 nhà sản xuất phần cứng và phần mềm khác nhau. Và đáng chú ý là, các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu của Facebook với đối tác đều đi kèm với "một thông điệp quen thuộc: Đó là "làm tăng trải nghiệm" người dùng.
 
Bởi vậy trên hết, mạng xã hội hơn 2 tỷ người dùng này cần phải minh bạch hơn với người dùng và với chính mình trước khi nghĩ đến việc đưa ra những cam kết về bảo mật dữ liệu cá nhân.