Nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Úc cho thấy Trái Đất có 5 lớp cơ bản thay vì 4 lớp như hiểu biết trước đây. Ngoài 4 lớp đã biết: lớp vỏ, lớp phủ (có thể chia thành lớp phủ trong và lớp phủ ngoài), lõi ngoài, lõi trong; họ vừa khám phá ra một cấu trúc nằm sâu nhất: lõi trong cùng.
Theo tiến sĩ Joanne Stepheson, tác giả chính của nghiên cứu, họ đã sử dụng dữ liệu thời gian di chuyển của các sóng địa chấn bên trong Trái Đất do Trung tâm Địa chấn Quốc tế ghi lại, rồi dùng hàng ngàn thuật toán nhằm phát hiện ra các bằng chứng về sự thay đổi trong cấu trúc tở tận lõi Trái Đất. Cuối cùng, họ phát hiện ra hành tinh có đến 2 sự kiện nguội lạnh riêng biệt chứ không phải 1 như đã biết.
Trong đó, sự kiện nguội lạnh chưa từng biết xảy ra tận khi Trái Đất còn sơ sinh, khoảng 4,5 tỉ năm trước. Vì thế, địa cầu có thêm 1 lớp lõi.
Nói trên Daily Mail, các nhà khoa học cho biết công trình của họ chỉ ra lõi trong cùng này có thể đạt nhiệt độ 5.000-5.700 độ C và tương đối nhỏ, chỉ chiếm 1% thể tích Trái Đất và có thể cũng là sắt nóng chảy. Sự tồn tại của nó đã được đề xuất cách đây vài thập kỷ nhưng mới chỉ là giả thuyết. Đây là lần đầu nó được chứng minh. Các tác giả cho biết họ vẫn không ngừng tìm kiếm các bằng chứng rõ ràng hơn cũng như tìm hiểu xem lớp lõi trong cùng này có vai trò, thành phần và đã biến động như thế nào trong lịch sử hành tinh.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Journal of Geographic Research.