Bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tương tác thường xuyên với các thiết bị thông minh sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng nhận thức của não bộ trẻ nhỏ so với các thế hệ trước, khi mà công nghệ còn chưa phổ biến.
Dù chỉ mới 6 tuổi nhưng bé Arissa Yan đã sử dụng thành thạo điện thoại thông minh. Cô bé bắt đầu sử dụng điện thoại thông minh khi mới 4 tuổi và thường dành nhiều thời gian xem các video hài trên mạng xã hội Douyin của Trung Quốc.
Cô Val Yan, mẹ của bé Arissa hiểu rằng, việc sử dụng điện thoại là một phần quan trọng và tất yếu của xã hội hiện đại. Nhưng cũng giống như nhiều bậc phụ huynh khác ở Trung Quốc, cô Val Yan cũng rất lo ngại về tình trạng nghiện thiết bị thông minh ở trẻ em. "Tất nhiên là tôi cảm thấy lo lắng. Trẻ em sử dụng điện thoại thông minh một phần là để học, nhưng khi xem nhiều video trên điện thoại, trẻ rất dễ bị nghiện".
Tháng 8 năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã soạn thảo các quy định giới hạn trẻ vị thành niên nước này sử dụng thiết bị thông minh tối đa 2 giờ mỗi ngày, trẻ em dưới 8 tuổi tối đa 40 phút mỗi ngày. Còn thanh niên dưới 18 tuổi cũng sẽ bị hạn chế truy cập Internet trên thiết bị thông minh từ 22 giờ tối đến 6 giờ sáng. Khi vượt quá thời gian sử dụng hàng ngày, thiết bị thông minh sẽ "tự động đóng tất cả các ứng dụng".
Tuy nhiên, Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc chưa thông báo cụ thể khi nào những quy định này sẽ chính thức có hiệu lực.
Bên cạnh việc hạn chế thời gian sử dụng điện thoại thông minh, theo nhà tâm lý học trẻ em Sharon Yen, các gia đình nên tập trung vào nỗ lực tăng cường kết nối tình cảm giữa cha mẹ và các con.
Cô Sharon Yen - Nhà tâm lý học trẻ em: "Hiện nay rất nhiều bậc phụ huynh quá bận rộn với công việc nên có thể không có thời gian để kết nối với con cái. Con họ không có việc gì để làm nên các con chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh. Vì vậy, tôi cho rằng các bậc phụ huynh cần cố gắng kết nối nhiều hơn với con mình về mặt cảm xúc".