Cục An toàn thông tin (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa phát thông tin cảnh báo: Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều đối tượng giả mạo sử dụng tên, hình ảnh của các doanh nghiệp nổi tiếng để lừa đảo thông qua quảng cáo khuyến mãi sản phẩm.
Thủ thuật chung của những kẻ lừa đảo là gửi đường dẫn có nội dung khuyến mãi, tặng quà hấp dẫn và yêu cầu người dùng nhập thông tin đăng nhập trang Facebook cá nhân, hay nguy hiểm hơn là mật khẩu tài khoản ngân hàng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản Facebook/tài khoản ngân hàng.
"Đối với các tài khoản Facebook cá nhân, thủ phạm sẽ lần lượt nhắn tin danh sách bạn bè để nhờ nạp tiền, chuyển khoản. Đối với các tài khoản ngân hàng, thủ phạm sẽ thực hiện chuyển tiền hoặc rút tiền", Cục An toàn thông tin cảnh báo.
Cụ thể, Cục An toàn thông tin cho biết: Trong tuần vừa qua, đơn vị này phát hiện trên Facebook xuất hiện quảng cáo (được tài trợ) fanpage SamCenter Việt Nam với nội dung khai trương cơ sở mới, đồng thời bán giảm giá 5.000 chiếc tai nghe Buds 2 Pro lên tới 70% chỉ còn 599.000 đồng/chiếc (giá gốc 4.990.000 đồng). Đi kèm là hình ảnh cửa hàng SamCenter với cảnh dòng người xếp hàng đang mua sản phẩm tại đây.
Tiếp những ngày sau đó, cũng chính fanpage này lại xuất hiện quảng cáo: "Được sự ủng hộ nhiệt tình của khách hàng, chỉ sau 2 giờ lượt bán đã chạm mốc 5.000 chiếc, chính thức phá kỷ lục của hãng từ trước đến nay". Trên website giả mạo này có nội dung giới thiệu rất chi tiết về chiếc tai nghe Galaxy Buds 2 Pro với hình ảnh, âm thanh và màu sắc rất sinh động, thậm chí có thể nói là thiết kế rất chuyên nghiệp.
Thậm chí, phía cuối trang là chương trình "flash sale" với nội dung "đặt ngay nhận ưu đãi, số lượng có hạn" cùng thời gian đếm ngược chương trình sẽ diễn ra sắp tới. Ngoài ra, để nâng cao uy tín, bên dưới các bài đăng của trang fanpage giả mạo còn xuất hiện hàng loạt các bình luận "seeding" với nội dung "đã nhận được hàng" và đánh giá chất lượng sản phẩm.
Đại diện Công ty điện tử Samsung Vina cho biết, các website trên không phải là trang chính thức của Samsung và chương trình giảm giá này cũng không tồn tại.
Chỉ vài ngày trước đó, một số người dung mạng xã hội nhận được tin nhắn với nội dung "nhận quà từ Adidas nhân kỷ niệm 70 năm thành lập công ty" kèm theo đường link để người dùng đăng nhập. Tương tự trong những ngày đầu tháng 6, hàng loạt tin nhắn đã được kẻ gian phát đi với nội dung tham gia quỹ phúc lợi Coca-Cola để nhận quà, nhận thưởng từ đồng hồ Rolex nhân ngày thành lập,...
Nếu ai mở đường link đính kèm, làm theo hướng dẫn thì Facebook sẽ bị chiếm đoạt ngay. Sau đó, tin nhắn lừa đảo tiếp tục được phát tán tự động theo danh bạ người quen. Ngoài ra, hàng loạt fanpage như Galaxy Brandstore, SamStore Việt Nam, Có Tin Nóng, Tin tức 365 New… cũng chạy quảng cáo bán tai nghe giả mạo Buds 2 Pro và đều liên kết về website giả mạo ở trên.
Trước thực trạng trên, Cục An toàn thông tin đưa ra 5 khuyến cáo:
- Người dùng cần tỉnh táo khi lựa mua các sản phẩm giảm giá của các hãng công nghệ được quảng cáo trên Facebook. Nếu có chương trình giảm giá thì phải có thông báo trên website chính thức của hãng.
- Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về tính xác thực của chương trình khuyến mãi, cần liên hệ trực tiếp với bộ phận chăm sóc khách hàng của thương hiệu để xác minh. Các chương trình khuyến mãi hời quá sức tưởng tượng thường là dấu hiệu của lừa đảo.
- Không truy cập vào các liên kết được gửi qua tin nhắn, email, hoặc mạng xã hội nếu không chắc chắn về tính xác thực để tránh việc bị chiếm quyền kiểm soát thiết bị và chiếm đoạt tài sản.
- Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài chính: Các thương hiệu uy tín sẽ không bao giờ yêu cầu người dùng cung cấp các thông tin nhạy cảm như mật khẩu, số thẻ tín dụng, hoặc mã OTP thông qua khuyến mãi.
- Nếu gặp phải tình huống nghi ngờ là lừa đảo, hãy báo cáo ngay cho cơ quan chức năng hoặc thương hiệu bị giả mạo để họ có thể có biện pháp xử lý kịp thời.