Tin giả trên Facebook lũng đoạn bầu cử tại Nigeria

Mạng xã hội Facebook vừa bị tố là đã tiếp tay cho vấn nạn tin giả tại châu Phi, qua đó làm lũng đoạn các cuộc bầu cử tại một số quốc gia trong khu vực.
Trong một cuộc điều tra mới đây của hãng tin Al Jazeera đối với các tin tức trên mạng xã hội - diễn ra trước và trong cuộc bầu cử ở Nigeria, các nhà điều tra đã phát hiện hệ thống phê duyệt quảng cáo tự động của Facebook có thể bị lừa khá dễ dàng, khiến mạng xã hội này tạo ra kẽ hở để truyền bá những thông tin sai lệch và tin tức giả về cuộc bầu cử.
 
Cụ thể, trong một thử nghiệm của hãng Al Jazeera, quảng cáo của hãng tin này đã được Facebook chấp thuận bao gồm một tuyên bố sai rằng: nhóm vũ trang Boko Haram sẽ tham gia cuộc bầu cử.
Các poster tranh cử của các ứng cử viên ở Nigeria.
Ngoài ra, các "tuyên bố giả" khác, bao gồm Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng ủng hộ lãnh đạo phe đối lập Atiku Abubakar, hay thời hạn thu thập thẻ cử tri cá nhân ở Nigeria được kéo dài thêm một tuần và hàng ngàn người tị nạn Nigeria được gia hạn bỏ phiếu sau ngày bầu cử 16/2, dù đều là giả nhưng vẫn được Facebook chấp thuận.
 
Cả bốn "tuyên bố giả" nói trên đã được mạng xã hội Facebook phê duyệt quảng cáo cho các bài viết, được chạy trên nền tảng truyền thông xã hội sau khi Al Jazeera thực hiện một số thay đổi nhỏ - để khắc phục sự từ chối ban đầu của Facebook, và đã đánh lừa được hệ thống phê duyệt của mạng xã hội lớn nhất thế giới một cách dễ dàng.
 
Thực tế cho thấy, trước thềm bầu cử mới, giới chức Nigeria phải vật lộn với "vấn nạn tin giả", đang lan rộng khắp quốc gia này. Theo Nhật báo Phố Wall, tình hình nghiêm trọng tới mức chính phủ Nigeria đã phải phát đi cảnh báo rằng: thông tin sai lệch có thể là mối đe dọa lớn nhất đối với cuộc bầu cử sắp tới. Theo đó, cảnh sát Nigeria đã phải sử dụng các chương trình phát thanh và đường dây điện thoại để chống lại những thông tin sai lệch.
 
Chính phủ Nigeria cho biết, việc chia sẻ hình ảnh giả cùng với lời bình luận không chính xác đã dẫn đến nhiều vụ chết người ở miền Trung nước này. Cũng tương tự như tại Ấn Độ (đã xảy ra), sự phát tán không kiểm soát của tin giả thông qua Facebook và nền tảng nhắn tin WhatsApp đã làm trầm trọng thêm sự chia rẽ căng thẳng về sắc tộc, chính trị, tôn giáo và xã hội ở quốc gia Tây Phi.
 
Liên quan đến việc này, vào tháng trước, Facebook từng cho biết "sẽ tạm thời không cho phép quảng cáo chính trị nhắm mục tiêu đến Nigeria" - vốn được mua từ bên ngoài quốc gia này, trong nỗ lực ngăn chặn ảnh hưởng của nước ngoài trong cuộc bầu cử tại Nigeria vào ngày 16/2 vừa qua.
 
Các biện pháp mới từ Facebook, bao gồm hạn chế chuyển tiếp tin nhắn WhatsApp, cấm quảng cáo nước ngoài và sử dụng công cụ kiểm tra thực tế của bên thứ ba cũng đã được thực hiện, nhưng vẫn  không thể ngăn chặn dòng tin tức giả mạo ở Nigeria.