Thế giới công nghệ thay đổi từng phút, từng giây, và không ai trong chúng ta có thể đoán trước được tương lai của nó. Không ai ngờ được rằng Apple, một trong những gã khổng lồ đang là trụ cột của thị trường smartphone hiện nay, trong một thập kỷ trước đó đã đứng trên bờ vực phá sản nếu không nhờ khoản đầu tư trị giá 150 triệu USD từ Microsoft chỉ để duy trì sự sống.
Sự ra đời của iPhone thế hệ đầu vào năm 2007 đã gây tiếng vang trên toàn thế giới, định nghĩa lại hoàn toàn khái niệm về một chiếc điện thoại di động cảm ứng. Những năm tiếp theo, nhiều thiết bị Apple lần lượt xuất hiện, và giờ đây cùng với smartphone Android, chúng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của chúng ta – không chỉ ở hiện tại, mà còn trong tương lai.
Đó là lý do tại sao tất cả những cái tên được đề xướng trong danh sách các sản phẩm công nghệ quan trọng nhất và mang tính xu hướng từ những năm 2010 dưới đây đều sẽ có mối liên hệ mật thiết với cuộc cách mạng thiết bị di động – dù trực tiếp hay gián tiếp. Và đồng thời, ba trong số chúng sẽ liên quan trực tiếp đến Apple và iPhone.
10. Uber, Lyft và Airbnb
Xếp thứ 10 trong danh sách này là các loại dịch vụ đã giúp định hình rõ hơn lợi ích thực tế của một chiếc điện thoại thông minh – bên cạnh nghe, gọi, lướt web và các tác vụ cơ bản khác. Uber, Lyft và Airbnb đã làm cho việc tìm kiếm phương tiện đi lại và nơi nghỉ chân trở nên dễ dàng với mức giá phải chăng hơn bao giờ hết. Một thống kê trong năm nay cho thấy Airbnb có hệ thống số lượng buồng phòng nhiều hơn tất cả những gì mà 5 chuỗi khách sạn hàng đầu thế giới cộng lại, trong khi Uber và Lyft có lượng khách đặt xe trung bình nhiều hơn 65% so với taxi truyền thống, chỉ tính trong thành phố New York.
Và tất nhiên, đi kèm với danh tiếng sẽ là nhiều tai tiếng, Uber nhiều lần bị cáo buộc gây nguy hiểm cho hành khách, và Airbnb bị phàn nàn bởi những đoạn quảng cáo gây điếc tai người dùng. Tuy nhiên, trong kinh doanh, đặc biệt là với hoạt động dịch vụ thì những bê bối như vậy là không thể tránh khỏi, thậm chí sẽ mang tính định kỳ, và điều duy nhất họ có thể làm là tiếp tục hoạt động và phát triển.
9. Airpod và cái chết được dự báo trước của cổng kết nối âm thanh 3.5mm
Một trong những bước tiến gây nhiều tranh cãi nhất trong thập kỷ qua là quyết định 'khai tử' cổng âm thanh 3.5mm truyền thống bởi Apple, bắt đầu với iPhone 7 vào năm 2016. Động lực của công ty là tạo ra một thế giới mới với các thiết bị hoàn toàn 'không dây', và AirPod là minh chứng rõ ràng nhất cho quyết tâm của họ. Trong khoảng thời gian AirPod mới xuất hiện trên thị trường, nó đã phải chịu một làn sóng chê bai và cười nhạo trên toàn thế giới, về thiết kế, chất âm… và mọi thứ khác. Tuy vậy, bỏ qua mọi lời khinh bỉ, tai nghe không dây của Apple đã mau chóng trở thành thiết bị dẫn đầu trên thị trường true wireless đa dạng như hiện nay, với doanh số bán ra trong năm 2019 ước tính lên đến 50 triệu sản phẩm và là biểu tượng của giới thượng lưu ngày nay.
8. Amazon Echo và Alexa
Trái ngược với AirPod, chiếc loa Echo đầu tiên của Amazon đã gây được sự chú ý tích cực từ cộng đồng công nghệ thời bấy giờ, và nhận được khá nhiều khen ngợi từ người dùng. Đó là một chiếc loa Bluetooth với vẻ ngoài tầm thường, tuy nhiên có khả năng nghe, trả lời và thực hiện một số lệnh thoại cơ bản từ người sử dụng. Các phiên bản ra mắt sau đó ngày càng nhỏ gọn và giá thành hợp lý hơn, đồng thời mở rộng tính năng cho các nhà phát triển tùy biến nhiều câu lệnh mở rộng hơn. Kể từ đó, người dùng thích sử dụng giọng nói của mình để thiết lập giờ nấu ăn trong nhà bếp, chơi nhạc hay kiểm tra thời tiết, tin tức và thể thao. "Alexa" (trợ lý ảo trên các thiết bị Amazon) đã trở thành một từ cửa miệng phổ biến vào lúc đó, khiến các ông lớn Google và Apple phải gấp rút chạy đua nhằm bắt kịp 'cô nàng' này. Amazon đồng thời cũng đã mở rộng khả năng hoạt động của Alexa bằng việc tích hợp nó vào nhiều loại thiết bị khác nhau, dẫn đến các mối lo ngại về quyền riêng tư của người dùng ngày càng gia tăng – vấn đề mà công ty đã và đang tìm mọi cách để khắc phục.
7. Sự bùng nổ của Apple Watch cùng các thiết bị đeo tay
Trở lại vào mùa hè năm 2015, khi Apple giới thiệu thiết bị đeo tay đầu tiên của mình – Apple Watch, nhiều người cho rằng đó chỉ là một chiếc Fitbit và có lẽ, thông minh hơn một chút mà thôi. Nhưng điều đó đã đủ để làm cho nó trở thành chiếc đồng hồ bán chạy nhất trên thế giới trong vòng hai năm sau đó. Fitbit, Garmin vẫn trung thành với hướng đi của mình đã đặt ra, là tạo ra những dòng sản phẩm theo dõi vận động và sức khỏe chuyên sâu, giúp đỡ mọi người thúc đẩy vận động hằng ngày bằng mục tiêu số bước đi, số dặm trong ngày và nhiều phương pháp đo lường khác, biến những hoạt động thể chất đầy mệt mỏi thành trò chơi vui vẻ và khiến người dùng hứng thú. Những thiết bị đeo tay này đồng thời cũng hỗ trợ chúng ta đơn giản hơn trong việc kiểm tra thông báo, tin nhắn, cuộc gọi đến thay vì nhìn vào điện thoại nhiều lần mỗi ngày.
Tuy nhiên trong tương lai, không chỉ thiết bị đeo tay thông minh đóng vai trò là 'màn hình thứ 2' cho điện thoại, mà sẽ còn có kính thông minh, với Google Glass được ra mắt lần đầu vào 2013. Các chuyên gia dự đoán xu hướng thiết bị tăng cường thực tế ảo như Google Glass sẽ bùng nổ trong năm 2020, và Google, Facebook cùng với Apple dự kiến cũng sẽ đặt chân sâu hơn vào thị trường tiềm năng này trong thời gian đến.
6. Chế độ tự lái Tesla và nâng cấp đáng kể
Tesla xứng đáng có một cái tên trong danh sách này, bởi cho dù doanh số của công ty có phần khiêm tốn so với các đối thủ khác trên thị trường, tuy nhiên những gì mà họ đã đóng góp cho thế giới là vô cùng lớn, khi là cái tên dẫn đầu và góp phần thúc đẩy sự phát triển của xe ô tô chạy hoàn toàn bằng điện và chế độ tự lái – công nghệ từng được cho là chỉ có trong những bộ phim viễn tưởng.
Vào tháng 10/2015, Tesla đã nâng cấp phiên bản Model S thành những chiếc xe có khả năng tự lái chỉ bằng một bản cập nhật Autopilot trị giá 2500 đô la được tải từ trang chủ của hãng. Đó chỉ là một trong những ví dụ điển hình để có thể giải thích tại sao Tesla đã vượt qua đối thủ và hoạt động giống như một công ty công nghệ, hơn là một tập đoàn sản xuất xe hơi. Tuy nhiên, Autopilot vẫn còn đối mặt với nhiều tranh cãi về một số vụ tai nạn chết người, khi người dùng đã dựa dẫm vào nó quá nhiều trong khi khả năng của chế độ tự lái này vẫn còn có hạn.
5. Sử dụng công nghệ để chiến đấu với công nghệ
Ở thời đại kỹ thuật số, sức khoẻ chính là thứ con người đang đánh đổi khi họ phải ngồi làm việc liên tục hàng giờ trước màn hình máy tính và các thiết bị di động. Và khi nhận thức rõ hơn về những rủi ro này, thì nhu cầu về các giải pháp công nghệ giúp theo dõi sức khỏe ngày càng được coi trọng, với ba mảng chính: thể thao, ăn kiêng và ngủ. Các thiết bị đeo tay đa năng như Apple Watch, hay chuyên sâu vào sức khỏe như Fitbit, thiết bị theo dõi bữa ăn và đếm lượng calo như MyFitnessPal, Lose It và tập trung theo dõi giấc ngủ như ứng dụng SleepWatch và giường ngủ thông minh cao cấp SleepNumber….. cùng vô số những cái tên khác đang có mặt trên thị trường sẽ giúp phần nào cải thiện sức khỏe của người dùng. Tất nhiên, các thiết bị nói trên chỉ đóng vai trò là công cụ hỗ trợ, chính người dùng mới có quyền quyết định liệu họ có dám đấu tranh với 'công nghệ' để giành lại sức khỏe của mình hay không.
4. Truyền hình cáp lụi tàn – sự phát triển của video online
Tại Việt Nam, từ những năm 2010 trở về trước, hệ thống dịch vụ truyền hình cáp phát triển khá mạnh mẽ và trở thành một chuẩn mực đối với mỗi hộ gia đình thành thị. Tuy nhiên theo thời gian, với sự xuất hiện của kết nối mạng cáp quang, 3G, 4G, và nhiều thiết bị mới với chất lượng hiển thị tốt hơn, nhiều người trong chúng ta đã dần chuyển sang xem video trên điện thoại và máy tính bảng. Khi các TV dần trở nên 'thông minh' hơn và các hộp phát trực tuyến như Android Box, FPT Play và Apple TV cung cấp nhiều cách tốt hơn để tiếp cận các chương trình và chọn chương trình để xem, giờ đây người dùng chẳng cần đến những sợi cáp lỗi thời đó. Đồng thời, với Netflix, Hulu, Youtube, HBO và các ứng dụng khác cung cấp kho thư viện nội dung khổng lồ trong tầm tay phổ biến như hiện tại, thì những thói quen chuyển kênh và ghi hình lại trên DVR đã không còn nhiều thú vị như trước kia nữa.
3. Cloud, data và AI
Đây là những nhân tố chính đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho sự hình thành và phát triển của các xu hướng công nghệ được đề cập trong bài viết này. Với sự có mặt của điện toán đám mây, big data và trí tuệ nhân tạo, những thiết bị mà con người đang sử dụng hằng ngày được mở rộng khả năng hoạt động của mình, từ trợ lý ảo kỹ thuật số đến công nghệ chụp ảnh thiếu sáng trên smartphone, sao lưu ảnh trên nhiều thiết bị phục vụ cho việc chỉnh sửa và lưu trữ. Dropbox, Apple iCloud, Microsoft OneDrive, Amazon Alexa hay Google Assistant là những gương mặt đại diện cho lĩnh vực 'sân sau' này. Nếu giả sử Cloud, data và AI không tồn tại trong thập kỷ qua, các thiết bị chúng ta đang sử dụng sẽ kém thông minh hơn và kém vui hơn rất nhiều.
Một lưu ý nhỏ khá thú vị là, sau khi Apple trở thành ông hoàng đi đầu trong lĩnh vực điện toán đám mây với iCloud, Microsoft đã tự biến mình thành một công ty đám mây và cuối cùng giành lại vương miện từ tập đoàn công nghệ có giá trị nhất thế giới.
2. iPad, Chromebooks và kỷ nguyên PC mới
Sau gần một thập kỷ phủ nhận sự tồn tại của máy tính bảng Apple. Steve Jobs đã sải bước trên sân khấu vào tháng 1/2010 và công bố sự ra đời của một thiết bị mỏng nhẹ mang tên iPad. Ông khẳng định rằng nó sẽ định nghĩa "một danh mục thiết bị hoàn toàn mới có nhiệm vụ kết nối người dùng với ứng dụng và nội dung của họ theo một phương pháp gần gũi, trực quan và thú vị hơn bao giờ hết". Vào thời điểm đó, các nhà phê bình và người dùng đã thắc mắc liệu iPad có thể hiện tròn vai là một chiếc máy tính hay không. Và giờ đây, câu hỏi đó đã có lời giải đáp, bởi các thiết bị như iPad, Google Chromebook đã chứng minh là những công cụ đủ tốt để hỗ trợ trẻ em, học sinh, các bậc cha mẹ, người cao tuổi và nhiều người khác làm thiết bị sử dụng chính của họ. Thậm chí ở một số quốc gia trên thế giới, chính smartphone hay iPad đã trở thành một chiếc máy tính đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời họ. Trong khi các kỹ sư và những người dùng chuyên sâu phải gắn bó với những bộ máy tính – bàn phím cầu kỳ, thì một số thiết bị giờ đây đã biến đổi bởi các ứng dụng và màn hình cảm ứng tương tự như điện thoại và máy tính bảng. Càng tiến gần đến cuối thập kỷ, những chiếc máy tính của chúng ta ngày càng tiếp nhận nhiều hơn đặc điểm của các thiết bị di động mỗi năm.
1. 4G LTE – đưa cả thế giới vào thiết bị của bạn
Mạng 4G chính thức được thương mại hoá vào năm 2009,tuy nhiên phải mất đến một năm sau đó, HTC mới cho ra mắt smartphone tích hợp công nghệ 4G đầu tiên thế giới với tên gọi HTC EVo 4G, và phiên bản này chỉ dùng chuẩn MobileWiMax đang phổ biến thời bấy giờ. Đến tháng 1/2011, HTC tiếp tục cho ra mắt HTC Thunderbot 4G LTE hoàn chỉnh, và mau chóng được sử dụng phổ biến trên toàn nước Mỹ, với tốc độ duyệt web, load video, tải podcast và gửi video nhanh một cách đáng kinh ngạc so với những thiết bị chạy 3G vào thời điểm đó. Nhờ tốc độ mạng được cải thiện thực sự đáng kể trên 4G, mà chúng ta mới được chứng kiến một loạt các dịch vụ mới ra đời như live stream trên thiết bị di động hay truy cập đến các ứng dụng thời gian thực (sắp ra mắt trên Uber) – những tính năng sẽ không thể hoạt động hoặc rất hạn chế nếu sử dụng chuẩn mạng 3G.
Thập kỷ tiếp theo sẽ là khoảng thời gian của mạng 5G bùng nổ. Mặc dù hiện tại 5G chỉ mới được thử nghiệm ở một vài quốc gia, trong đó có Việt Nam, tuy nhiên với tốc độ trung bình thực tế ước tính đạt mức 600 – 800 Mbps và cải thiện độ trễ từ 10 đến 100 lần so với 4G, 5G sẽ mở đường cho một loạt những công nghệ mới đi vào hoạt động như xe ô tô tự lái sử dụng phân tích dữ liệu đám mây, hay các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, phẫu thuật từ xa qua công nghệ AR, VR và đặc biệt là ước mơ về một thành phố thông minh trong tương lai không xa.