Thế giới ngày nay xoay quanh sự biến chuyển của công nghệ nói chung cũng như các tác động len lỏi của thời đại 4.0 vào cuộc sống hàng ngày. Những cái tên đứng đầu thương hiệu như Tim Cook (CEO Apple), Mark Zuckerberg (CEO Facebook), Jeff Bezos (CEO Amazon)... đều nắm giữ những vị trí đình đám nhất định trong lòng hàng triệu người trên thế giới. Dừng lại một chút và ngẫm nghĩ, bạn có nhận ra một điều rằng hầu như tất cả các lãnh đạo này đều là đàn ông, vậy bóng dáng của phái nữ liệu có xuất hiện trên chiến trường công nghệ?
Câu trả lời tất nhiên là CÓ, và họ cũng đứng ra đảm nhận nhiều vị trí không thể thiếu hụt trong các tập đoàn lớn top đầu hành tinh này, xóa tan định kiến "nghề nghiệp IT vốn dĩ chỉ dành cho phái mạnh". Dựa theo số liệu thống kê từ danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất 2019 của Forbes, sau đây là 5 gương mặt tiêu biểu trong giới công nghệ xứng đáng được tôn vinh của năm qua.
1. Ginni Rometty - CEO IBM
Ginni là đầu tàu dẫn dắt IBM với nhiều chức vụ đảm nhận trong tay, bao gồm CEO và Chủ tịch. Bà là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử phát triển của IBM làm được điều này, nắm giữ cùng lúc cả 2 vị trí như vậy.
Kể từ năm 1991, Ginni đã tỏ rõ năng lực của mình trong công việc với năng suất và hiệu quả khác biệt hơn người. Tới năm 2011, bà được chỉ định và chọn lọc trở thành cả CEO lẫn Chủ tịch của IBM. Tính tới nay, đây đã là năm thứ 10 liên tiếp Ginni được chọn làm gương mặt lọt vào danh sách "Top 50 Phụ nữ Quyền lực nhất trong kinh doanh" của Forbes, trong đó có năm 2012-2013-2014 đứng ở vị trí đầu tiên.
2. Susan Wojcicki - CEO YouTube
Susan tốt nghiệp Harvard với kết quả xuất sắc vào năm 1990, nhận 2 bằng danh dự cho lịch sử và văn học vốn chỉ dành cho các sinh viên xuất chúng. Ban đầu, bà định học tiếp lên bằng Tiến sỹ về kinh tế nhưng rồi lại thay đổi ý định, đổi hướng sang nghiên cứu và làm việc trong giới công nghệ. Năm 1999, Susan được nhận vào Google với vị trí trường nhóm marketing, dần dần gây dựng danh tiếng và kinh nghiệm chuyên sâu để trở thành Phó chủ tịch mảng Thương mại và Quảng cáo của công ty.
Thời gian đó, bà cũng là một trong số những người đề bạt ý tưởng mua lại YouTube (khi ấy vẫn còn là một thương hiệu nhỏ nhưng tiềm năng) về phát triển. Đúng như những gì dự tính, Susan là nhân tố chủ chốt giúp thương vụ này diễn ra thành công vào năm 2006, hợp đồng thâu tóm trị giá 1,65 tỷ USD. Tới tháng 2/2014, Susan được bổ nhiệm vào vị trí CEO YouTube. Bà là một người được nể trọng vì khả năng làm việc hăng say, đồng thời cân bằng được cuộc sống gia đình cũng như các giá trị tinh thần cần có.
3. Safra Catz - CEO Oracle
Safra đã đồng hành cùng Oracle từ năm 1999, và 2 năm sau đó bà được bổ nhiệm vào làm thành viên ban giám đốc, tiếp tục kiêm giữ thêm chức chủ tịch vào năm 2004. Dường như bấy nhiêu đó là chưa đủ, năm 2005, bà lại được giao phó thêm chức Giám đốc Tài chính (CFO), và năm 2014 nhận nốt chức Giám đốc Điều hành CEO cùng người đồng sự Mark Hurd. Ngoài ra, Safra còn giữ chức và có mặt trong nhiều đoàn thể và tổ chức như Hội đồng Technet, Giám đốc PeopleSoft Inc. và Giám đốc Stellent Inc..
4. Sheryl Sandberg - COO Facebook
Tháng 6/2012, Sheryl trở thành người phụ nữ đầu tiên làm việc trong ban giám đốc của Facebook, giữ chức Giám đốc Điều hành Thứ cấp (chỉ dưới quyền CEO Mark Zuckerberg). Cùng trong năm đó, bà lọt vào danh sách đề cử "100 người có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất" của tạp chí Time. Trước khi gây dựng sự nghiệp tại Facebook, Sheryl đã giữ chức phó chủ tịch Điều hành và Thương mại Trực tuyến tại Google.
Chưa hết, bà còn là tác giả của cuốn sách "Lean In: Women, Work, and the Will to Lead" để nói về các vấn đề nữ quyền và bình đẳng giới trong môi trường công sở, trở thành một trong những tựa sách bán chạy nhất với hơn 1 triệu bản cứng được bán ra.
5. Ruth Porat - CFO Alphabet
Sau nhiều năm làm việc tại Morgan Stanley với chức vụ CFO và Phó chủ tịch điều hành, Ruth Porat chuyển về làm CFO tại Google và công ty mẹ Alphabet vào năm 2015. Trước đó, bà thậm chí còn được cân nhắc làm phó Thư ký của bộ Tài chính Hoa Kỳ nhưng lại từ chối để theo đuổi sự nghiệp hiện tại.
Ruth Porat
(Tổng hợp)