Từng là "tượng đài" sánh ngang Nokia, thống trị ở Việt Nam trước cả Samsung: Có ai còn nhớ cái tên này?

"Ông lớn" di động một thời thể hiện quyết tâm trở lại thị trường smartphone bằng việc ra mắt sản phẩm mới.

HTC bất ngờ ra mắt smartphone mới

Mặc dù hoạt động kinh doanh của công ty đã thu hẹp đi đáng kể, HTC vẫn không từ bỏ thị trường smartphone.

Theo đó, mẫu điện thoại mới nhất đến từ thương hiệu HTC mang tên U24 Pro vừa được ra mắt tại Đài Loan (Trung Quốc) với giá khởi điểm khoảng 15 triệu đồng.

HTC U24 Pro có hai phiên bản. Phiên bản cơ bản 12GB + 256GB có giá 18.990 Đài tệ (khoảng 14.9 triệu đồng) và phiên bản cao cấp hơn 12GB + 512GB có giá 20.990 Đài tệ (khoảng 16.5 triệu đồng).

HTC U24 Pro sở hữu màn hình OLED kích thước 6.8 inch với những đường bo cong mềm mại ở mặt trước, mặt sau, các cạnh và bốn góc máy. Màn hình của thiết bị có độ phân giải FHD+, tần số quét 120 Hz và được bảo vệ bởi lớp kính cường lực Corning Gorilla Glass.

Từng là tượng đài sánh ngang Nokia, thống trị ở Việt Nam trước cả Samsung: Có ai còn nhớ cái tên này? - Ảnh 1.

Hệ thống camera cũng là một điểm nhấn nổi bật của HTC U24 Pro với cảm biến chính 50 MP hỗ trợ chống rung OIS, camera góc siêu rộng 8 MP và camera tele 50 MP (hỗ trợ zoom quang học 2x).

Bên cạnh đó, hệ thống camera này được cải tiến với các tính năng AI như: Chụp ảnh nhóm được tối ưu hóa bằng AI, tạo ảnh GIF cử chỉ bằng AI, cải thiện ảnh chụp chân dung trong điều kiện ánh sáng yếu bằng AI và hỗ trợ quay video 4K.

Về cấu hình, HTC U24 Pro được trang bị chip xử lý Qualcomm Snapdragon 7 Gen 3 (thuộc dòng chip Snapdragon 7 Gen Series tầm trung của Qualcomm), dung lượng RAM 12 GB và hai tùy chọn bộ nhớ trong 256 GB/512 GB.

Máy cũng được trang bị viên pin 4.600 mAh và hỗ trợ sạc nhanh có dây 60 W, sạc không dây 15 W và sạc ngược không dây 5 W.

Quá khứ huy hoàng

Trước khi biến mất tạm thời khỏi thị trường smartphone, HTC vốn được biết tới như một vị vua của thế giới android với những siêu phẩm “huyền thoại” như HTC Dream (điện thoại Android đầu tiên), HTC One hay HTC DROID DNA (smartphone đầu tiên có độ phân giải FHD).

Đây đều là những mẫu máy mà người dùng Việt Nam rất quen thuộc trong thời kỳ các hãng sản xuất điện thoại Android còn ít trên thị trường.

Cách đây hơn 10 năm, HTC được xem là thế lực trong làng di động. Đây chính là thương hiệu đầu tiên mang smartphone Android tới người dùng, trước khi hệ điều hành Google lớn mạnh như ngày nay.

HTC Dream - chiếc điện thoại chạy Android thương mại hóa đầu tiên trên thế giới vẫn được nhắc đến như một phần lịch sử của hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới.

Từng là tượng đài sánh ngang Nokia, thống trị ở Việt Nam trước cả Samsung: Có ai còn nhớ cái tên này? - Ảnh 2.

HTC One từng nhận nhiều lời khen từ chuyên gia lẫn người dùng. Ảnh: Slashgear.

Năm 2006, chiếc điện thoại đầu tiên mang thương hiệu HTC chính thức được tung ra thị trường. Trong thời kỳ đỉnh cao (2009), HTC phát hành hơn 100 điện thoại các loại.

Chiếc điện thoại chạy hệ điều hành Android đầu tiên của HTC là chiếc HTC Dream với màn hình cảm ứng lớn so với các điện thoại thời điểm đó, thông số kỹ thuật ấn tượng. HTC Dream đã bán được 1 triệu chiếc chỉ trong 6 tháng tại thị trường Mỹ và nhận về phản hồi tích cực.

Năm 2010 là một năm đầy thành công của HTC với chiếc HTC Evo 4G, chiếc điện thoại Android hỗ trợ nền tảng 4G đầu tiên tại Mỹ.

Trong năm 2011, HTC là vua của Android nói riêng và smartphone nói chung. Tháng 5/2011, Best Global Brands trao tặng HTC vị trí số 98 trong danh sách các thương hiệu mạnh nhất thế giới – một bước tiến dài với một công ty trước đó chỉ vài năm vẫn còn phải "núp" sau O2, Vodafone hay Compaq. Doanh số hàng tháng vượt quá 1 tỷ USD.

Vào năm 2011, HTC đã vươn lên và giữ vị trí số 3 trong danh sách các hãng smartphone lớn nhất thế giới, chỉ sau Apple và Samsung. Theo số liệu của Bloomberg, năm 2011, HTC là nhà bán lẻ điện thoại lớn nhất nước Mỹ với 24% thị phần.

Quý 3/2011 chính là thời điểm cực thịnh của HTC. Hãng thông báo khoản lãi sau thuế 625 triệu USD trong khi giá trị công ty khi đó đã vượt mặt Nokia, một huyền thoại trong làng điện thoại di động.

Vang bóng một thời

Chuỗi ngày thăng hoa của HTC chẳng kéo dài lâu khi Samsung bắt đầu chứng tỏ họ mới là thế lực hùng mạnh trên mảnh đất Android.

HTC thông báo lỗ lần đầu tiên vào tháng 10/2013 với khoảng lỗ 101 triệu USD. Đây là điều đã được dự báo trước. Doanh thu ước đạt quý III/2011 là 4,54 tỉ USD cũng giảm xuống chỉ còn 1,6 tỉ USD vào quý trước.

Kỷ lục về thua lỗ của HTC là vào năm 2017 khi doanh thu của hãng đạt khoảng 2,1 tỷ USD nhưng thua lỗ tới 600 triệu USD, lỗ nhiều hơn 20% so với cùng kỳ năm 2016.

Từ một ông lớn trong ngành điện thoại, HTC đã liên tiếp phải sa thải nhân viên để tiết kiệm chí phí. Hàng nghìn nhân viên, bao gồm cả kỹ sư, đã bị hàng cho thôi việc hoặc phải "bán" lại cho Google.

Từng là tượng đài sánh ngang Nokia, thống trị ở Việt Nam trước cả Samsung: Có ai còn nhớ cái tên này? - Ảnh 3.

Sự cạnh tranh khốc liệt đến từ Samsung đã khiến HTC tụt dốc không phanh. Song tất nhiên vẫn còn có những nguyên nhân chủ quan đến từ chính hãng điện thoại này.

Thời hoàng kim, hãng vung tiền mua lại các bằng sáng chế để tự bảo vệ mình tránh xa khỏi các vụ kiện, đặc biệt là các vụ kiện bản quyền đến từ Microsoft và Apple, tuy nhiên cuối cùng HTC vẫn thất bại tại tòa. Hãng phải bằng lòng ký thỏa thuận bản quyền với Microsoft và Apple. Từ đó, với mỗi thiết bị Android bán ra, HTC sẽ phải trả cho 2 hãng trên một khoản tiền bản quyền nhất định.

Bên cạnh đó, hàng loạt các khoản đầu tư từ hàng chục tới hàng trăm triệu USD của HTC đều không sinh lời như dự tính. Điển hình là thương vụ mua lại hãng thiết bị âm thanh lừng danh Beats Electronics.

Thêm nữa, việc HTC ứng dụng công nghệ mới rất sớm, và đôi khi là quá sớm lại trở thành con dao 2 lưỡi. HTC Evo 4G, smartphone hỗ trợ mạng 4G đầu tiên được ra mắt tại Mỹ hay Thunderbolt và Vivid, smartphone LTE đầu tiên từng gây xôn xao thị trường, nhưng do hạ tầng về công nghệ khi đó chưa phát triển, dẫn tới trải nghiệm người dùng không được như mong đợi. Bước đi quá vội vã cuối cùng gần như không đem đến lợi thế gì cho HTC.

HTC còn tỏ ra yếu kém khi không thể cạnh tranh với Apple hay Samsung trong lĩnh vực marketing. Trong 1 năm, HTC tung ra quá nhiều mẫu điện thoại với cách đặt tên khá lộn xộn khiến người dùng như lạc vào ma trận. Trong khi Samsung tập trung vào dòng sản phẩm đem về nhiều doanh thu nhất: Galaxy S và Galaxy Note hay Apple cũng làm điều tương tự với iPhone thì không ai biết đâu mới là sản phẩm "số một" của HTC.

Không chỉ Samsung, Apple... HTC còn phải chiến đấu với các thương hiệu Trung Quốc đang phát triển "thần tốc" như Huawei, Xiaomi.

Dần dần, HTC hụt hơi vì không đủ tiềm lực. Sự sáng tạo, mạo hiểm và dám đổi mới của công ty cũng không còn. Liên tục đổ dốc và đánh mất thị phần là điều không thể tránh khỏi.

Tính đến hết quý 4/2020, HTC đã ghi nhận 11 quý thua lỗ liên tiếp.

Mảng smartphone của HTC liên tục trì trệ, và cho tới nay đã bị ngừng cung cấp ở nhiều quốc gia, khu vực. Điển hình là chi nhánh của HTC tại Brazil đã bị giải thể trong năm tài chính kết thúc vào 31/12/2020.

Trong quá khứ, đã từng có lúc, cái tên HTC là niềm mơ ước của những tín đồ smartphone Android chứ không phải Samsung hay LG. Tuy nhiên giờ đây, khi nhắc tới thương hiệu này, người yêu công nghệ chỉ còn lại sự nuối tiếc về một tượng đài có nguy cơ biến mất khỏi bản đồ smartphone thế giới.

Mặc dù có nhiều nỗ lực để chiếm lĩnh lại thị trường, tuy nhiên con đường trở lại đỉnh cao của HTC thực sự không hề dễ dàng.