Vì sao Bill Gates nói mọi người nên chuẩn bị tuần làm việc 3 ngày?

Bill Gates bày tỏ sự lạc quan về tác động rộng lớn của AI đối với xã hội và tin nó giúp nâng cao năng suất.

Trong khi thế giới vẫn còn băn khoăn về chế độ làm việc tuần 4 ngày, đồng sáng lập Microsoft Bill Gates lại nhìn về một tương lai, nơi mà mọi người nên xem xét chế độ làm việc tuần 3 ngày. Điều này đạt được nhờ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) trong các nhiệm vụ khác nhau như chuẩn bị thức ăn và làm việc nhà.

Trong cuộc trò chuyện gần đây với diễn viên hài và nhà văn Nam Phi Trevor Noah trên podcast “What Now”, ông Gates đã nêu nhận xét về nỗi lo sợ chung rằng AI sẽ thay thế công việc của con người, đồng thời tuyên bố rằng AI sẽ “thay đổi nó mãi mãi”. Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra lạc quan về tác động rộng lớn hơn của AI đối với xã hội, đặc biệt nêu bật tiềm năng của nó trong việc nâng cao năng suất.

Gates tin rằng nếu quá trình chuyển đổi sang lực lượng lao động tự động hóa diễn ra với tốc độ có thể quản lý được nhờ sự hỗ trợ đầy đủ của chính phủ thì điều đó có thể dẫn đến một xã hội cần ít lao động chân tay hơn, cho phép mọi người có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn.

Gates cũng nhấn mạnh lợi ích tiềm năng của AI trong các lĩnh vực như lập trình, xét nghiệm và chăm sóc sức khỏe, nơi nó có thể hợp lý hóa các quy trình và giảm bớt thủ tục giấy tờ cho các chuyên gia y tế. Tuy nhiên, ông thừa nhận những thách thức với AI liên quan đến khả năng lạm dụng nó, đặc biệt dưới dạng deepfake và tấn công mạng. Ông nhấn mạnh bản chất kép của AI, vừa đóng vai trò là công cụ trao quyền vừa là nguồn phân cực tiềm năng.

Vì sao Bill Gates nói mọi người nên chuẩn bị tuần làm việc 3 ngày? - 2

Sự nhàn nhã cũng khiến nhiều người lo sợ bị mất việc, đặc biệt là lao động chân tay.

Đây không phải là lần đầu tiên Gates thảo luận về quan điểm của mình về AI. Trong một bài đăng blog dài vào tháng 3, ông đã phác thảo quan điểm của mình về giá trị của AI, so sánh tác động lịch sử của chip xử lý và Internet.

Gates nhấn mạnh tiềm năng của AI trong việc giải quyết sự bất bình đẳng toàn cầu trong giáo dục, đồng thời thừa nhận những rủi ro liên quan như thông tin thực tế không chính xác và khả năng sử dụng sai mục đích.