Richard Liu Qiangdong, founder gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc JD.com, hồi tháng trước đã tuyên bố công ty mình không có chỗ dành cho những nhân viên làm việc kém năng suất. Nếu vận hành không hiệu quả, ai cũng có thể bị sa thải.
“Đối với những người làm việc kém hiệu quả và không chăm chỉ, công ty sẽ không khoan nhượng và sa thải ngay lập tức”, vị doanh nhân 51 tuổi nói trong một video lan truyền trên mạng xã hội và nhấn mạnh những nhân viên làm việc hiệu quả sẽ không cần làm thêm giờ. Những người làm việc ở mức trung bình cũng có thể yên tâm rằng mình không nằm trong diện bị cho thôi việc.
Tuyên bố được cho là một trong những lời cảnh báo mới nhất của founder Richard Liu Qiangdong, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các trang TMĐT ngày càng gay gắt. Năm ngoái, vị lãnh đạo này cũng cảnh báo nhân viên không được ‘nằm thẳng’, tức chỉ làm việc ở mức tối thiểu để tồn tại.
Theo Financial Times, các kỹ sư Trung Quốc chưa bao giờ được hưởng mức phúc lợi như các đồng nghiệp tại Thung lũng Silicon. Jack Ma, người sáng lập công ty thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, từng nói với nhân viên rằng tiêu chuẩn 996 của ngành công nghệ (9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần) là “điều may mắn”.
Pinduoduo, công ty có trụ sở tại Thượng Hải, là ví dụ điển hình của văn hoá 996. Để tạo ra lợi nhuận 6,5 tỷ bảng Anh, nhân viên Pinduoduo đã phải làm việc rất nhiều giờ. Ba năm trước, 2 người thậm chí đã thiệt mại vì cống hiến quá sức.
Một cựu nhân viên cho biết thời gian làm việc ở công ty dài đến nỗi cô ấy về cơ bản đã dừng “các tương tác xã hội, sở thích và thậm chí cả cuộc sống lãng mạn của mình”.
“Sau khi tôi rời đi, tôi giống như được kết nối lại với xã hội”, cô nói.
Để nâng cao hiệu quả, các trụ cột trong ngành là Alibaba và Tencent đã sa thải hàng chục nghìn nhân viên kể từ năm 2021. Nhiều giám đốc điều hành Tencent thừa nhận khi tuyển dụng, họ đã bổ sung thêm chính sách “lao động trẻ” để chiêu mộ những người có thể làm việc linh hoạt.
Điều này là nỗi ám ảnh với bất kỳ ai trên 35 tuổi, những người phải đối mặt với mối đe dọa lớn nhất về tình trạng dư thừa và thị trường việc làm khắc nghiệt. Các ông chủ luôn nghĩ họ không chịu làm việc trong khoảng thời gian dài vì còn gánh vác nhiều trách nhiệm.
Một kỹ sư cơ sở hạ tầng, gần 40 tuổi, vừa bị sa thải khỏi công ty gọi xe DiDi, cho biết: “Tìm việc chưa bao giờ khó đến thế”.
Jenny Chan, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Bách khoa Hồng Kông, nói thêm rằng các công ty công nghệ đang “tìm kiếm những tài năng trẻ, chưa lập gia đình, có thời gian linh hoạt ở các siêu đô thị. “Mâu thuẫn giữa công việc và cuộc sống rất lớn đối với những người đã có gia đình”, ông nói.
Năm ngoái, nền tảng việc làm Lagou và dịch vụ tư vấn Yixinli đã thăm dò 2.200 chuyên gia ở các thành phố lớn nhất Trung Quốc. Cuộc khảo sát cho thấy 60% cảm thấy lo lắng về triển vọng phát triển nghề nghiệp không rõ ràng. 44% lo lắng về việc thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Một nhân viên TikTok có trụ sở tại Trung Quốc cho biết: “Nhiều người trong ngành này bị trầm cảm. Áp lực đối với chúng tôi là rất cao. Tôi thường tham dự các cuộc họp vào lúc nửa đêm”.
Theo lời người đàn ông 31 tuổi này, văn hóa khắt khe tại công ty mẹ ByteDance còn căng thẳng hơn những giờ làm việc kéo dài. Anh gọi nó là ‘neijuan’, một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc nhằm mô tả sự cạnh tranh không ngừng nghỉ để vượt qua các đối thủ.
Đối với nhiều người ở Trung Quốc, những phát ngôn của phó chủ tịch quan hệ công chúng Baidu Qu Jing là minh chứng rõ ràng nhất cho tình trạng ‘neijuan’. Trong một loạt video ngắn được đăng lên mạng, bà Qu nêu bật sự kỳ vọng của mình đối với nhân viên, chẳng hạn như sẵn sàng đi công tác hơn 1 tháng.
“Nếu bạn không muốn đi du lịch cùng tôi trong 50 ngày và muốn về nhà, đừng yêu cầu tôi tăng lương hay thăng chức” bà Qu nói và khẳng định không quan tâm liệu công việc có ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của nhân viên hay không.
Những nhân viên công nghệ nói chuyện với Financial Times cho biết sự tận tâm là điều kiện tiên quyết để thăng tiến. “Ngay cả khi bạn đang nghỉ phép, về cơ bản bạn vẫn phải trả lời tin nhắn. Những cuộc họp phải tham dự thì tốt nhất không nên vắng mặt”.
Một nhà phát triển tại Tencent Games đồng ý rằng công việc thường chiếm hết thời gian của anh. “Bề ngoài, tôi tỏ ra rất bình tĩnh nhưng bên trong thì áp lực rất lớn. Chúng tôi giống như những bánh răng bị mài mòn cho đến khi gãy hỏng vì thiếu dầu bôi trơn. Cuối tuần, nếu không phải làm thêm giờ, tôi nhốt mình trong nhà để không phải nói chuyện”.
Tuy nhiên, đối với nhiều người ở Trung Quốc, công nghệ vẫn là nơi tốt nhất để làm việc. Sinh viên mới tốt nghiệp luôn bị thu hút bởi những chế độ nhân tài khi đây được coi là một trong những công việc được trả lương cao nhất cả nước.
Một nhân viên TikTok cho biết: “Lý do tôi ở lại rất đơn giản – lương cao. “Đó là nơi mà những người bình thường có thể được trao cơ hội thông qua làm việc chăm chỉ. Các công ty thường cung cấp các đặc quyền như bữa ăn miễn phí và phòng tập thể dục tại chỗ”.
Đã có những sự đấu tranh chống lại văn hoá làm việc 996, song đối với các ông chủ đang phải vật lộn sống sót trong một thị trường khắc nghiệt, động lực thúc đẩy nhân viên nhiều hơn vẫn tồn tại.
Li Ming, một nhà sáng lập công nghệ, cho biết anh đang suy nghĩ làm cách nào để khiến nhóm nhỏ của mình làm việc chăm chỉ hơn. Anh không hài lòng khi một số nhân viên rời đi trước anh vào mỗi buổi tối.
“Một mặt, tôi hiểu nhân viên của mình ra về lúc 7h30 tối để lo cho gia đình. Mặt khác, tôi muốn họ làm việc đến 9 hoặc 10 giờ”, anh nói. “Đó là những gì đối thủ cạnh tranh của chúng tôi làm. Làm sao chúng tôi có thể tồn tại nếu không làm giống họ?”.
Theo: Financial Times, The New York Times