Như khi đi mua hoặc bán hàng, khi điều phối công việc, khi làm việc với các phòng ban nội bộ, hoặc với đối tác... chúng ta đều cần tới kỹ năng đàm phán. Có câu: “Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ”, chính là nói tới những “bậc thầy” trong nghệ thuật đàm phán khi họ luôn biết cách xoay chuyển tình thế, thương thuyết để vừa có lợi cho đôi bên, lại duy trì được mối quan hệ lâu dài. Vậy, những người đàm phán giỏi là do bẩm sinh hay rèn luyện? Câu trả lời là cả hai, tuy nhiên, có những “tuyệt chiêu” mà các nhà thương thuyết thường xuyên luyện tập để nâng cao trình độ đàm phán. Dưới đây là một vài ví dụ bạn có thể tham khảo.
Luôn tìm hiểu tình hình đối phương trước khi đàm phán
Người xưa đúc rút về vấn đề này bằng câu: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” đã chứng tỏ việc “biết” và “hiểu” đối tượng cần đàm phán rất quan trọng. Câu này khuyên rằng trước khi gặp đối phương, chúng ta cần tìm hiểu thông tin về họ càng nhiều càng tốt. Ví dụ, bạn đang bán một dự án cho khách hàng? Trước khi tới cuộc họp thuyết trình, hãy tìm hiểu: ai là người thực sự ra quyết định? Tình hình kinh doanh của họ thế nào? Đâu là chiến lược mà khách hàng sẽ tập trung trong năm tới? Mục tiêu của họ là gì? Trả lời được những câu hỏi này, bạn đã nắm trong tay một phần thắng ngay cả khi thương vụ còn chưa bắt đầu.
Luôn nắm rõ mục tiêu cuộc đàm phán
Có khá nhiều người đi tới bàn đàm phán mà không hề biết mình thực sự cần gì, điều này quả thực tai hại. Khi bán hàng, bạn cần biết giá kỳ vọng, giá chấp nhận được, và ngưỡng giá bán lỗ. Khi tìm việc làm nhanh, bạn cần biết mình muốn mức lương và đãi ngộ ra sao. Trước khi đàm phán hợp đồng, bạn cần nắm được mục tiêu của công ty khi ký hợp đồng này. Đây là những điều rất cơ bản nhưng không phải ai cũng có sự chuẩn bị kỹ càng, để rồi khi thực sự ngồi vào bàn thương thuyết, chúng ta lại “quên” mất, cuối cùng là bị đối phương chiếm lợi thế. Đây là điều tối kỵ đối với một người có kỹ năng đàm phán.
Hãy là người chủ động dẫn dắt cuộc đàm phán
Bạn có khi nào để ý rằng, trong một cuộc đàm phán, thường có một bên nắm thế “trên’", chủ động dẫn dắt, lèo lái đối phương theo mục đích của họ? Thậm chí, họ còn có thể khiến đối phương chủ động đề xuất những điều khoản có lợi cho họ mà không cần lên tiếng - đây chính là sự lợi hại của nghệ thuật giao tiếp trong kinh doanh. Để trở thành bậc thầy trong đàm phán, bạn nên học hỏi kỹ năng này - luôn chủ động nắm bắt và dẫn dắt tình thế, để từ đó xoay chuyển cục diện theo hướng có lợi.
Tránh biểu lộ cảm xúc khi đàm phán
“Cảm xúc” chính là một thứ mà những người có kỹ năng đàm phán ít khi đem vào bàn đàm phán. Bạn cần giữ thái độ bình tĩnh, trung lập, thậm chí, bày tỏ những cảm xúc “giả” để đối phương không đoán ý mình. Đây không phải là sự “giả tạo”, mà là một cách để phòng vệ cho bản thân khi đi thương thuyết. Nếu bạn quá vui mừng đắc ý, hoặc quá buồn rầu khi thương thảo, bạn đã để lộ sơ hở và điểm yếu của mình. Làm chủ cảm xúc chính là một kỹ năng quan trọng trong đàm phán là vậy.
Giữ mối quan hệ với đối phương sau đàm phán
Và tuyệt chiêu cuối cùng mà những người giỏi kỹ năng đàm phán thường tâm niệm, đó chính là đôi bên cùng thắng. Một cuộc đàm phán thành công chỉ khi cả hai bên đều hài lòng và vẫn duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với đối phương sau khi kết thúc giao dịch. Thái độ hơn thua, “giành tất ăn cả” là hạ sách khi đàm phán bạn nên tránh.