Hãy đặt mình vào vị trí của sếp
Hãy dự đoán những câu hỏi mà cấp trên của bạn có thể hỏi về công việc và chuẩn bị trước các câu trả lời hoặc các giải pháp. Việc tự đặt mình vào vị trí của sếp sẽ giúp bạn có thể hiểu được suy nghĩ cũng như vấn đề sếp muốn giải quyết.
Nhân viên thường thể hiện thái độ bực bội với sếp khi gặp vấn đề. Nhưng có rất nhiều công việc hoặc khó khăn mà nếu không ở vị trí của sếp bạn sẽ khó lòng hiểu được. Vậy nên hãy cố gắng đặt mình vào vị trí của sếp khi cần giải quyết vấn đề nào đó.
Cho sếp thấy được giá trị của mình
Sếp thuê bạn là có lý do vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn đem lại giá trị cho công ty. Các ông chủ muốn nhân viên không chỉ đồng ý với họ mà còn sẵn sàng lên tiếng về những thực tế và thách thức trong doanh nghiệp cần phải giải quyết. Hãy là người nói với sự thật và đưa ra những đề xuất hợp lý để mang lại kết quả tốt. Điều này giúp xây dựng lòng tin của sếp đối với bạn.
Không đề cập lỗi sai của sếp trước mặt mọi người
Không có gì tệ hơn đối với một ông chủ là để cấp dưới chỉ ra lỗi sai ngay trước mặt những người khác. Điều này khiến sếp cảm thấy xấu hổ. Tốt hơn hết bạn nên đề cập đến thiếu sót của sếp khi chỉ có hai người.
Biết khi nào và làm thế nào để giao tiếp với sếp
Sếp thích trao đổi qua email hay thích một bản tường trình chi tiết về các công việc? Sếp muốn nhận được bản phác thảo về vị trí dự án của bạn hay cần cung cấp tất cả các chi tiết? Hãy cố gắng hiểu tính cách và phương thức giao tiếp, tiếp nhận thông tin của sếp để có thể bắt nhịp, khiến sếp hài lòng.
Hỏi ý kiến phản hồi của sếp
Đừng ngại hỏi ý kiến phản hồi của sếp. Đừng cho rằng công việc của bạn không được coi trọng vì có thể sếp đang phải giải quyết nhiều công việc khác nên không dành thời gian quan tâm dự án/công việc của bạn. Tốt nhất khi chưa nhận được phản hồi của sếp về công việc, hãy mạnh dạn đề nghị sếp vào thời điểm thích hợp để đảm bảo tiến độ công việc.
Thi thoảng quan tâm đến cuộc sống của sếp
Bạn không cần phải cố gắng làm bạn với sếp hay đi chơi với họ vào cuối tuần. Tuy nhiên, việc hỏi sếp ngày cuối tuần như thế nào hoặc tìm hiểu sở thích và thú vui của sếp sẽ giúp tăng sự cởi mở giữa sếp và nhân viên. Nhưng hãy nhớ giao tiếp cá nhân ở mức độ bình thường, đừng quá quan tâm, tò mò vì nó có thể phản tác dụng.
Đề nghị giúp đỡ sếp
Bạn nên hỏi sếp và đưa ra đề nghị giúp đỡ trong công việc nếu cảm thấy sếp đang khó khăn. Nhiều ông chủ sẽ không lên tiếng về việc mình cần giúp đỡ nhưng nếu bạn tinh tế sẽ nhận ra điều này. Việc chứng minh rằng bạn sẵn sàng và có thể đảm nhận nhiều việc cùng một lúc là cách tốt nhất để giúp bản thân thăng tiến.
Luôn thông báo cho sếp về tiến độ công việc
Không ai thích những điều bất ngờ, vì vậy nếu bạn đang gặp phải thách thức trong công việc, hãy thông báo điều đó cho cấp trên quản lý trực tiếp. Việc này sẽ giúp sếp cảm thấy vui nếu công việc suôn sẻ hoặc đưa ra phương án cải thiện nếu dự án gặp rắc rối. Và nó cũng giúp xây dựng lòng tin của sếp với bạn vì bạn luôn báo cáo tiến độ công việc.
Hoàn thành deadline đúng hạn
Hãy nỗ lực hết mình để vượt qua sự mong đợi của sếp. Ví dụ nếu bạn đang thực hiện một việc, hãy đưa ra deadline và cố gắng hoàn thiện sớm hơn thời gian dự kiến. Điều này cho thấy rằng bạn là người chủ động và có thể quản lý tốt khối lượng công việc của mình.