Đây cũng là sản phẩm mà nhóm tác giả tham gia chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2021.
Tránh lãng phí thức ăn dư thừa
Bạn Nguyễn Văn Hoàng Long (sinh năm 1997), thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trở lại diễn biến phức tạp, lây lan nhanh. Vì vậy, nhờ vào việc xử lý thức ăn thừa và phế phẩm nông nghiệp tạo ra được nguồn thực phẩm sạch giúp lợn phát triển mạnh khỏe hơn.
Theo khảo sát của nhóm, có tới 87% hộ gia đình thải mỗi ngày hai đĩa thức ăn thừa ra môi trường, gây nên tình trạng lãng phí, còn chưa kể đến thức ăn, thực phẩm thừa thải ra không có nơi xử lý làm ô nhiễm.
“Đó là lý do vì sao nhóm chúng mình đã đưa ra ý tưởng thiết kế và chế tạo máy chế biến thực phẩm thừa, từ việc vận dụng kiến thức đã học, để cho ra được một cỗ máy khắc phục những vấn đề trên. Trong nghiên cứu này, chúng mình tìm hiểu, đánh giá khả năng ứng dụng của máy khi đưa vào thực tiễn, vừa đem lại lợi ích kinh tế và xã hội cũng như tạo nên một tương lai tốt hơn”, Hoàng Long cho hay.
Các tác giả nghiên cứu đặt mục tiêu, chiếc máy này sẽ xử lý thức ăn thừa và phế phẩm nông nghiệp thải vào môi trường, tạo ra nguồn thức ăn sạch cho lợn, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho người nông dân. Máy sẽ được lắp đặt thử nghiệm trên các khu vực trang trại, hộ gia đình, từ đó có thể phát triển một cách tối ưu.
Nhóm nghiên cứu sáng chế lắp ráp, hoàn thiện chiếc máy (Ảnh tư liệu)
Theo nhóm, hiện tại trên thị trường, cám lợn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài, giá thành cao. Bởi thế, người nông dân thường sử dụng đồ thừa chưa qua xử lý cho lợn ăn, không đảm bảo được chất lượng dinh dưỡng, cũng như an toàn cho hệ tiêu hóa của lợn.
Vì vậy, thông qua việc xử lý thức ăn thừa của máy chế biến thực phẩm này, tạo ra cám với giá rẻ hơn rất nhiều thông qua việc tính toán nguồn đầu vào. Hạt cám từ máy tạo ra cũng có độ mịn nhất định không quá thô và dễ dàng tiêu hóa trong đường ruột của lợn.
Tạo cám, nguồn thức ăn sạch cho lợn
Phạm Khắc Minh Đức (sinh năm 1999), thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, đây là sản phẩm chế biến thực phẩm thừa đầu tiên ở Việt Nam, trên thế giới thì đã có sản phẩm từ Hàn Quốc nhưng giá khá đắt. Bởi thế, sản phẩm này sẽ đem lại mức giá phù hợp hơn với người dùng.
Mô hình bên trong máy
“Tính sáng tạo, áp dụng các kiến thức về cơ khí cũng như sử dụng các bộ điều khiển, tích hợp linh kiện và bộ phận lại với nhau, tạo nên một máy từ nhiều chức năng riêng lẻ thành một khối chức năng với ứng dụng cao. Sau 10 lần chúng mình cho máy chạy thử, kết quả đạt được 80% như mong đợi.
Vì là version 1.0 nên cần cải thiện hơn về nhiều mặt, để máy đạt được độ tối ưu. Máy tạo ra nhiều lợi ích kinh tế - xã hội, môi trường. Đặc biệt, nếu được đầu tư phát triển theo quy mô công nghiệp sẽ tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân, đem lại thu nhập và giúp phát triển kinh tế đất nước”, Minh Đức chia sẻ.
Chiếc máy hoàn thiện
Máy chế biến thực phẩm thừa được lắp ráp không quá phức tạp. Quy trình hoạt động cũng đơn giản, bắt đầu từ khởi động, đặt thời gian. Người dùng cài đặt từ 4-6 tiếng, máy bắt đầu hoạt động, rồi cho thực phẩm thừa vào trục xoay và nghiền thức ăn, theo cơ chế giống máy xay thịt, thức ăn sẽ được nghiền và đùn xuống phía dưới thông qua các lỗ nhỏ để đi xuống nơi xay mịn.
Khi đến nơi xay mịn, buồng sấy sẽ được bật làm khô lượng thực phẩm thừa đã được nghiền ở nhiệt độ 80 độ C, đồng thời loại bỏ nước theo đường ống. Tiếp đến, bộ phận xay mịn sẽ hoạt động, một lượng vi sinh được đưa vào, bộ phận này sẽ vừa xay, vừa trộn để tạo nên thành phẩm.
Thành phẩm cuối cùng có thể sử dụng làm nguồn thức ăn cho lợn, đảm bảo sạch, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Hệ thống đóng ngắt tự động khi máy hoàn tất quá trình sẽ tự dừng lại... Hiện, nhóm bạn trẻ đang nâng cấp hoàn thiện và phát triển sản phẩm tốt hơn.