MỤC LỤC [Hiện]
Ở tập mới đây của Shark Tank mùa 4 là cô nàng Tôn Nữ Xuân Quyên đi gọi vốn đầu tư cho startup BLUSaigon. Hôm nay cô diện bộ áo dài truyền thống, thuyết trình về món quà tặng ý nghĩa cho những tầng lớp trí thức thượng lưu - những chiếc bút khảm ngọc trai.
Đi cùng cô đến chương trình là ông Tôn Thạnh Nghĩa (Tổng Giám đốc công ty TNHH Nút áo Tôn Văn), được người đời gọi với cái tên đầy ngưỡng vọng: ông vua cúc áo và cũng chính là ba cô.
Dù sinh ra đã là một đại tiểu thư, chẳng những thế cô lại là người sắp thừa kế sản nghiệp triệu đô nhưng cô vẫn luôn cố gắng để thực hiện ước mơ, sự nghiệp của riêng mình.
Xuân Quyên chia sẻ BLUSaigon là startup riêng của cô. Cái thứ 3 sau 2 lần khởi nghiệp thất bại trước đó (lần đầu khi cô đang học ĐH, lần thứ 2 là một startup kéo dài đến 7 năm vẫn lỗ vốn). Nhưng cô không nhụt chí, cô muốn đưa sản phẩm mang thương hiệu Việt bay cao bay xa ra nước ngoài.
Đứng trên sân khấu của chương trình gọi vốn hai cha con ông "vua cúc áo" thảo luận rất sôi nổi, họ dễ thương đến mức chẳng ai nghĩ đó là một vị đại gia nổi tiếng và một ái nữ sắp kế thừa sản nghiệp triệu đô.
Có rất nhiều câu hỏi đặt ra cho Xuân Quyên và đã được cô giải đáp, cùng xem những chia sẻ của ái nữ nhà ông vua cúc áo nhé!
Vì sao Quyên không đi tiếp con đường của ba, mà lại mở ra 1 startup của riêng mình sau khi tốt nghiệp Đại học? Chị có áp lực phải tạo nét riêng trong gia đình?
Công ty nút áo của ba tôi đã có thị phần ổn định trên thị trường trong 25 năm trở lại đây. Tôi không cần có cổ phần trong công ty của ba, và tôi nghĩ trách nhiệm kế thừa phát triển công ty của chính gia đình mình là điều hiển nhiên.
Khác với công ty mẹ tập trung gia công và chỉ có một sản phẩm cúc áo, startup riêng mà tôi mở có định hướng phát triển nhiều dòng sản phẩm từ vỏ ngọc trai và trở thành một thương hiệu quốc gia (BLUSaigon). Việc ba mẹ gầy dựng sự nghiệp từ con số 0 là một động lực và sự thúc đẩy cho tôi trong bước đầu tạo dựng công ty của riêng mình.
Tôi không chịu áp lực nào từ ba mẹ, đa số toàn tự tạo ra kiểu: Nếu ba mẹ đã nỗ lực từ số 0 lên số 1 thì mình phải nỗ lực từ số 1 lên số 2, số 3. Đó là sự thúc đẩy bản thân, bởi nếu tôi không tiến thì ắt sẽ lùi.
Là con gái của ông vua cúc áo, Quyên đã có cuộc sống tuyệt vời như thế nào?
(Cười) May mắn! Đến khi cưới chồng tôi mới biết anh lớn lên trong một hoàn cảnh khác tôi. Nếu anh thích một thứ quà bánh nào đó, phải chờ đợi rất lâu mới có. Mọi thứ đều trở nên quý giá. Còn tôi, từ nhỏ đến lớn ít phải lo nghĩ về món ngon của lạ. Tôi học cấp 2 là trường chuyên Trần Đại Nghĩa, cấp 3 trường chuyên Lê Hồng Phong - các bạn có cái gì tôi đều có cái đó, đồng đều nhau.
Tôi nghĩ rằng, các bạn khi đó cũng lớn lên trong những gia đình kinh doanh, nếu khác thì đó là việc kinh doanh những mặt hàng khác. Riêng tôi, ba mẹ không tạo áp lực hay phải lựa chọn. Nhiều khi tôi đi cả ngày ba mẹ còn không biết tôi đi đâu, đến chiều tối mới hỏi lại. Tôi đã có một tuổi thơ đẹp khi được sống với những người bạn giản dị.
Ba mẹ đưa tôi đi qua khắp các tỉnh của Việt Nam, ăn ngủ trên xe, bây giờ người ta gọi là đi phượt đó. Vậy nên dù cho có đi du học tôi vẫn muốn quay về nước vì cảnh đẹp đất nước lúc nào cũng ở trong tim mình.
Ông vua cúc áo khi ở nhà khác gì với lúc lên truyền hình?
Ba tôi rất giản dị, ở đâu cũng vậy thôi. Nếu buộc phải tìm ra điểm khác thì đó có lẽ là trang phục. Lúc lên truyền hình với đi phỏng vấn thì mặc vest, còn ở nhà thì… mặc đồ ở nhà. (Cười)
Ngoài việc làm ba, ba chị có ảnh hưởng như thế nào trong cuộc đời chị?
Khi bạn giảng đạo đức bạn phải cần tấm gương. Ba tôi thì không cần phải giảng vì mọi thứ tốt đẹp từ ba đến theo cách tự nhiên. Từ nhỏ đến lớn, tôi đã nhìn cách ba cư xử với đối tác, đối xử với nhân viên, với mẹ hay người trong gia đình. Nó ngấm dần và tác động đến tôi từ bên trong.
Tôi có thể giống ba nhất là ở khoản không biết ngại, không sợ bị khách hàng từ chối, cũng không sợ khi thử một cái mới hay bị người khác chê. Ba tôi năm 30 tuổi mới bắt đầu đi phiên dịch tiếng Nhật và nuôi sống gia đình 2 đứa con. Và đó mới là thời điểm ông khởi nghiệp. Ba cũng chưa từng học tiếng Anh, nhưng gặp người nước ngoài là nói tới luôn, sai ngữ pháp cũng được.
Tôi chơi chân thành với bạn bè nhưng không để họ tác động tới mình, không ngại khi nghe nhận xét tiêu cực, nếu người khác nhận xét về mình là cơ hội để phát triển. Mọi người trong gia đình nói vui là không biết nhục đấy. Thế nên tôi đâu ngại khi chia sẻ về 2 lần startup thất bại. Đây cũng chỉ là thử thách và trải nghiệm trong cuộc đời mà thôi.
Vì sao lỗ 7 năm với startup thứ 2, Quyên vẫn lạc quan như vậy? Vì chị biết mình vẫn còn điểm tựa để làm lại?
Những người lạc quan thật sự là người từng trải qua nhiều đau khổ. Suốt 7 năm, tôi tập tính lạc quan và tập trung vào điều quan trọng. Tiền thì cứ ra và phải trả cho những bài học rất “ngu". Tôi phải học cách liên tục đổi góc nhìn trước khó khăn để giữ sự lạc quan lại với mình lâu hơn. Mặt khác, tôi cũng tập trung nhìn vào những điều tốt đẹp khác như tôi vẫn còn gia đình, con cái - 2 tài sản quý giá nhất.
Và nếu bạn nói tôi vẫn còn điểm tựa thì đúng, đó là tôi còn có con cái, vợ chồng, ba mẹ còn có 1 cơ thể khoẻ mạnh với trí óc minh tuệ để làm lại từ những thất bại. Tôi nghĩ, startup là một hành trình thiên về tinh thần nhiều hơn vật chất vì ở đó chúng ta nỗ lực tìm thấy chính mình.
Khi người ta đi làm không vì tiền, không vì áp lực phải thành công để báo hiếu ba mẹ… thì sẽ dễ tìm thấy đam mê hơn?
Không. Đã đi làm thì phải có áp lực. Với tôi, đó là áp lực tự tạo ra. Đi làm ở nhà, làm kinh doanh đôi khi còn khó hơn đi làm ở ngoài.
Thời điểm tôi nghỉ làm công ty để khởi nghiệp tôi có một công việc đang rất tốt, dễ dàng hơn nhiều so với lúc kinh doanh. Chính vì nó dễ dàng nên mình mới thích tìm kiếm cảm giác mạnh, nhiều rủi ro hơn trong startup.
Nhiều người nghĩ khởi nghiệp sẽ sướng hơn làm thuê. Nhưng như tôi đây, tôi đang thức tới 1 giờ đêm để làm việc, sáng thứ dậy lúc 7h coi như không có thời gian nghỉ. Một người có thể làm việc của 2-3 người. Còn phải suy nghĩ làm sao để trả lương, tìm kiếm khách hàng, sản xuất, đặt máy móc…. Khởi nghiệp đau đầu hơn nhiều.
Xem Shark Tank ai cũng bảo ba mang con gái đi gửi Shark như “gửi con gái cho nhà chồng”, Quyên thấy sao về lời nhận xét đó?
Đây là một sự so sánh rất thú vị. Chồng hay Shark thì cũng đều là đối tác. Một bên là đối tác hôn nhân, một bên là công việc. Dù trong trường hợp nào, mình cũng nên có 1 cách tiếp nhận: Kiên nhẫn, cố gắng dung hoà, biết cách làm việc nhóm, qua thử thách gian nan cùng nhau thì mới hái được trái ngọt. Khi mình muốn một cái deal win - win thì phải khiến người khác tốt hơn. Như với chồng, bạn nên đối xử với chồng theo cách mà bạn muốn mình được đối xử. Với đối tác làm ăn cũng vậy. Mình muốn được làm ăn công bằng, được trân trọng thì mình cũng phải làm vậy thì mới tạo được thế win - win.
BLUSaigon đang có những tín hiệu tích cực nhưng chặng đường vươn tầm thế giới vẫn còn xa, vì sao chị có giấc mơ quốc tế to lớn đến thế?
Người ta làm được, mình cũng làm được - đó là câu ba tôi hay nói. Nhìn vào cơ nghiệp của ba, tôi tin rằng có những thứ sẽ từ không thành có. Điều quan trọng, bạn lập kế hoạch như thế nào và hoài bão các bạn lớn đến đâu. Cũng giống như câu: Muốn sẽ tìm cách, không muốn thì tìm lý do.
Đây là thời điểm để tôi thử và thử thật nhanh để xem cách tiếp cận với thị trường như vậy đã là tốt nhất hay chưa. Khi mình nghĩ rằng có một điều gì đó rất lớn lao hay một người nào đó mình không với tới được - khoảnh khắc lại gần, bạn sẽ nhận ra: Họ cũng giống mình!
Công ty lớn cỡ nào thì cũng đến từ hoài bão con người. Họ không phải thần thánh. Họ có thể hơn mình ở kỹ năng, ở cách chọn con người, ở kế hoạch… chỉ vậy thôi. Những thương hiệu lớn cũng bắt đầu từ những điều nhỏ.
Với một chiếc cúc áo, không ai nghĩ làm nên 1 ông vua. Với một chiếc bút, Quyên có ấp ủ giấc mơ tương tự?
Tôi có. Tôi thấy mình còn có cả 20-30 năm phía trước, mà mình đang bắt đầu bằng con số 1. Từ số 1 lên số 2 chỉ phụ thuộc vào ước mơ, kỹ năng và hoài bão của chính mình. Tôi tin rằng một ngày không xa BLUSaigon sẽ trở thành một trong những món quà tặng quốc gia của Việt Nam. Không chỉ riêng mình, có rất nhiều người trẻ đang mang những thương hiệu Việt vươn tầm thế giới, khi đi cùng nhau, chúng ta sẽ đi được rất xa.
“Tôi không hề mua một chiếc túi nào trong mấy năm"
Quyên thấy mình giống gì và khác gì so với những thế hệ thừa kế mới nổi sau này, mà chị biết trên MXH?
Nếu nói về điểm giống nhau thì thế hệ thứ 2 đều đã và đang làm tại công ty của gia đình, có thể làm từ vị trí thấp lên cao, cũng có chính sách như những thành viên khác trong công ty. Nếu công ty lớn quá, họ sẽ làm như một nhân viên, nếu công ty như mình - khởi nghiệp riêng, thì mình làm full tính năng. Chúng tôi đều được gia đình đầu tư ăn học đàng hoàng. Có thể được ba mẹ định hướng và vun đắp ngay từ nhỏ, ba mẹ cũng là nhà kinh doanh nên có thể hiểu hơn khi định hướng cho con. Con cũng đồng hành với ba mẹ trong quá trình đó, một cách vô thức thôi. Cuối cùng, chúng tôi thấy ba mẹ khởi nghiệp từ nhỏ nên nhìn được và nhớ được từng giai đoạn của việc làm giàu.
Khác biệt của tôi với những thế hệ kinh doanh thứ 2 mới nổi sau này có lẽ là việc tôi khởi nghiệp riêng rồi mới cùng đồng hành với gia đình. Tôi đã trải qua nhiều cam go khi khởi nghiệp từ lúc học đại học và đơn độc trên con đường đó trước khi đi chung với ba mẹ.
Thế hệ F2 có thể lập gia đình hoặc chưa lập gia đình. Nhưng tôi thì đã lập gia đình và có con rất sớm. Khoảng 22 tuổi tôi đã có đứa con đầu lòng. Tôi đã trải qua việc vừa khởi nghiệp một công ty hoàn toàn mới vừa có con. Đó là những cảm xúc lẫn lộn.
Tôi không biết các bạn khác ra sao, nhưng công ty của bố tôi thuộc dạng vừa thôi. Tôi lớn lên với cảm giác bình dị và ít khi thấy khác biệt với những người xung quanh. Thời đại học, tôi làm nhiều công việc, từ rửa chén cho đến làm bánh burger, học đến 2-3 giờ sáng để có học bổng.
Thậm chí, tôi hầu như không có nhu cầu về xe cộ hay ăn mặc (chỉ cần lịch sự khi đi sự kiện). Trong những năm gần đây tôi không hề mua một chiếc túi, bóp nào; cũng chỉ có 3 - 4 đôi giày xài đến mòn. 30 bộ đồ ở nhà tôi đã mặc đến mười mấy hai mươi năm. Tính tôi chỉ mua những gì cần. Son phấn có sale thì tôi cũng không mua nếu chưa cần.