Báo quốc tế nhận định VinFast sẽ giúp Việt Nam sẽ soán ngôi vua sản xuất ô tô ĐNA từ tay Thái Lan

Ô tô gắn thương hiệu Việt Nam VinFast vừa được bán ra trên thị trường, đây là bước đầu tiên trong kế hoạch để trở thành một trung tâm sản xuất ô tô mới của quốc gia hình chữ S.

VinFast, một công ty con của VinGroup - tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, tháng trước đã tung ra mẫu xe sản xuất trong nước đầu tiên. Đó là một chiếc hatchback động cơ đốt trong với giá khoảng 19.000 USD, cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Công ty hy vọng sẽ tung ra 12 mẫu ô tô khác nhau trong tương lai gần, bao gồm cả xe điện vào năm 2020, hướng tới mục tiêu sản xuất 250.000 xe/năm trong giai đoạn đầu tiên. Nhà máy có diện tích 335 ha được xây dựng ở một thị trấn ven biển phía Bắc Hải Phòng với khoản đầu tư 3,5 tỷ USD.

Công ty đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 500.000 xe/năm từ năm 2025.

"Đây là bước đi đầu tiên để tiến vào ngành công nghiệp nặng", bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast nói tại Bangkok. "Chúng tôi sẽ bắt đầu với thị trường nội địa, nhưng mục tiêu là biến Việt Nam thành một trung tâm sản xuất ô tô".

Những từ này có thể được hiểu là Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh với ngành công nghiệp ô tô Thái Lan, nơi từ lâu được coi là Detroit của châu Á, đóng vai trò quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu xứ chùa Vàng.

Thật vậy, sự thần tốc của VinFast (khởi công dự án sản xuất ô tô vào tháng 9/2017) đã gây ra mối lo ngại cho chính quyền Thái Lan.

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Thái Lan dự kiến tăng dưới 3,5% trong năm nay, trong khi Việt Nam được dự đoán tăng thêm 6,7%. GDP bình quân đầu người mỗi năm của Thái Lan là 7.200 USD, trong khi Việt Nam hiện là 2.600 USD. Tuy nhiên, con số sẽ là 6.000 USD đối với hai thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Các nhà kinh tế thường coi thu nhập 3.000 USD/người/năm là điểm bắt đầu cho sự bùng nổ của người tiêu dùng ở các thị trường mới nổi. Việt Nam có 98 triệu người tiêu dùng tiềm năng, so với 69 triệu của Thái Lan, nhưng nhiều trong số đó đã già hoặc thậm chí đang chìm sâu trong nợ nần.

"Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang ở điểm bùng phát của việc tiêu thụ ô tô", bà Thủy nói. "Số người sở hữu ô tô ở Việt Nam rất thấp, cứ 1.000 người mới có 20 chiếc xe. Trong khi con số ở Thái Lan gấp 10 lần. Việc tăng số lượng người sở hữu ô tô ở Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian".

Ngành công nghiệp ô tô Thái Lan có lý do để lo lắng, đặc biệt Việt Nam gần đây đã tham gia 2 hiệp định thương mại tư do (FTA) lớn, bao gồm cả Liên minh châu Âu mà Thái Lan đã bỏ lỡ. Điều đó một phần do tình trạng đất nước Thái Lan liên tục đối mặt với các cuộc đảo chính trong 5 năm qua.

Ngày 30/6, Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), hứa hẹn sẽ giảm thuế theo cả hai chiều, kể cả đối với ô tô do Việt Nam sản xuất xuất khẩu ra các quốc gia châu Âu.

Năm ngoái, Việt Nam cũng tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPATPP), một nhánh của TPP do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng, nhưng bị Tổng thống đương nhiệm Donald Trump từ chối. CPATPP sẽ hạ thuế quan đối hàng xuất khẩu của Việt Nam sang 11 quốc gia, ví dụ Úc, Canada, Nhật Bản, New Zealand và Singapore.

Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại của Thái Lan đã cảnh báo rằng, Thái Lan không phải thành viên của một số Hiệp định thương mại tự do, các nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện ô tô ở Thái Lan nên chuẩn bị tinh thần trước việc nhiều nhà sản xuất ô tô nước ngoài sẽ chuyển đến Việt Nam để tận dụng các thỏa thuận trong Hiệp định và chi phí lao động rẻ hơn.
Điều này có thể đặt ra một số câu hỏi về tham vọng của VinFast khi ra mắt một số mẫu xe điện tại Việt Nam, nơi thu nhập bình quân đầu người vẫn còn tương đối thấp, mặc dù thu nhập bình quân trên đầu người đang tăng nhanh.

Các nhà phân tích cho rằng VinFast có thể gặp "may mắn" hơn khi tập trung vào xe máy điện, sản phẩm đã được tung ra thị trường nội địa vào tháng 12 năm ngoái. Nhu cầu xe máy hàng năm của Việt Nam là gần 3,5 triệu.

Triển vọng VinFast giúp Việt Nam đánh bại Thái Lan để trở thành trung tâm sản xuất ô tô Đông Nam Á hiện mới ở giai đoạn đầu. Tập đoạn VinGroup hiện có cổ phiếu niêm yết lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong khi người sáng lập Phạm Nhật Vượng được cho là có tài sản ròng 6,7 tỷ USD.

Doanh thu của VinGroup chủ yếu đến từ đầu tư bất động sản (năm 2017 tổng doanh thu là 4 tỷ USD, với lợi nhuận ròng 254 triệu USD). Vào tháng 12/2018, họ cũng khánh thành nhà máy sản xuất điện thoại thông minh đầu tiên của Việt Nam.

Công ty này dường như được hỗ trợ rất nhiều từ chính phủ, vì Việt Nam muốn tạo ra các doanh nghiệp dẫn đầu trong nước để cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.

Theo Trí thức trẻ