Bệnh viện tận thu giường dịch vụ?

Tận dụng tối đa

Thực tế đang diễn ra ở nhiều bệnh viện công, dẫn đến lo ngại phòng dịch vụ được “ưu ái” tăng cường trong khi giường phục vụ số đông người bệnh còn khó khăn thì bị bó hẹp, bỏ bê.

Ghi nhận thực tế mới đây, ở Khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 (TP.HCM), bệnh nhân (BN) đông nghẹt, ở các phòng, BN nằm san sát, hành lang vẫn không còn chỗ. Trong số BN nhằm ngoài hành lang có ông P.T.Đ (48 tuổi) bị bệnh xơ gan. Bà Thu - chị gái ông Đ. chỉ vào chiếc “giường bệnh” em trai mình nằm và nói “giá 200.000 đồng/ngày”. Đây thực ra là cái ghế gấp bằng bố, cao cách mặt đất tầm 40 cm, được trải tấm drap. Với phí 200.000 đồng/ngày, vài BN nằm 1 ngày là có thể mua được cái “giường” này.

Tôi nghĩ giường dịch vụ chừng dưới 500.000 đồng là phù hợp với người lao động thu nhập bình thường, chứ giường 2 - 4 triệu đồng/ngày thì chỉ có đại gia nằm thôi

Bệnh nhân Biện Ngọc Q. (55 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM)

“Nằm giá đó còn không đủ tiền chứ nói gì giường vài triệu đồng. Bữa đầu tôi đưa em từ Phú Yên vào Sài Gòn, đến một BV lớn lắm, khi chưa nhập viện họ hỏi thăm dò “gia đình đủ khả năng không thì cho ở lại. Họ bảo giá giường bệnh đến 1,4 triệu đồng/ngày. Tôi nói không đủ khả năng nên xin chuyển em tôi qua BV Nhân dân 115”, bà Thu nói.

Bệnh viện tận thu giường dịch vụ ?

"Giường" này 200.000 đồng/ngày ở BV Nhân dân 115

Ảnh: Duy Tính

BN tên H.P.K (23 tuổi) bị tai nạn dập ở tay trái vào Khoa Chấn thương chỉnh hình BV Nhân dân 115, nằm phòng có 7 giường, mỗi giường 350.000 đồng/ngày. Bà H., mẹ bệnh nhân, cho hay thấy con không ngủ được, bà xin chuyển phòng có 1 - 2 giường, nhưng không còn. Mà phòng 2 giường, mỗi giường 1,5 triệu đồng/ngày. “Tiền đâu mà nằm phòng giá cao dữ vậy, bệnh này nằm 3 tuần, sao chịu nổi”, bà Hồng nói.
Với giường 350.000 đồng/giường nói trên, có 2 máy lạnh, 2 quạt trần, 1 nhà vệ sinh, tường sơn và nền gạch đều rất cũ. Ở mỗi giường có một tủ inox để đựng đồ. La phông trần nhà hoen ố. Còn phòng dịch vụ 1,5 triệu đồng/ngày/giường khá chật, có 2 chiếc giường kê sát nhau. Phòng có ghế bố, 1 tủ lạnh, 1 máy lạnh, ti vi LCD, nhà vệ sinh, tuy nhỏ nhưng sạch sẽ.
Tại BV Phụ sản Hà Nội, khu điều trị nhà A dành cho BN có bảo hiểm y tế (BHYT) với phòng cho các sản phụ rất hẹp và được tận dụng kê đến 3 giường/phòng, chỉ chừa lối đi nhỏ. Vì chật chội, nhiều người thân đứng thăm hỏi hoặc đưa đồ dùng cho sản phụ qua cửa sổ, hình ảnh khá nhếch nhác và không đảm bảo vệ sinh phòng bệnh. Những ngày mưa gió ẩm ướt thiếu ánh sáng. Dù chật chội như vậy nhưng BV này vẫn cho tận dụng một khu nhỏ để kê giường dịch vụ, giá 500.000 đồng/giường/ngày. Trong khi BV đã có một tòa nhà riêng (nhà D) dành cho các ca sinh, mổ dịch vụ.
“Chúng tôi thấy chưa hợp lý vì BV này đã xây một tòa nhà riêng trong đó dành các khu có phòng dịch vụ (D3, D4, D5) nhưng vẫn dành diện tích ít ỏi của khu điều trị cho BN BHYT để thu tiền giường dịch vụ. Đáng ra BV nên để dành tối đa diện tích cho giường BHYT. Còn bên khoa dịch vụ nhà D nên có các mức giá phù hợp hơn với nhu cầu chi trả”, một sản phụ vừa sinh con tại BV này chia sẻ.

Đủ giá

Bệnh viện tận thu giường dịch vụ ?

 
Tại khu N2 (khu dịch vụ) BV Phụ sản Từ Dũ, TP.HCM, chị Thái Diễm V. (Q.10) bế con nhỏ mới sinh. Phòng chị V. đặt rộng chừng 25 m2, trang bị ti vi LCD 32 inch, tủ lạnh, bình đun nước, 2 chiếc giường, nôi em bé, tủ gỗ áp tường đựng quần áo khá lớn. Nhà vệ sinh sạch sẽ, rộng, BV cung cấp xà phòng và giấy vệ sinh. “Với giá phòng 2 triệu đồng/ngày nhưng chỉ ở vài ba ngày là chấp nhận được. Ở phòng này yên tĩnh, mẹ con và gia đình đều có không gian để nghỉ ngơi”, chị V. nói.
Tại một phòng bệnh khác của khu N2 BV Từ Dũ, căn phòng rộng 50 - 60 m2, có 7 giường, 2 nhà vệ sinh, quạt máy. Ở mỗi đầu giường bệnh là một tủ đựng đồ, ghế bố cho người nuôi bệnh, nôi em bé, máy lạnh trung tâm.
“Vợ chồng tôi làm công nhân viên, giá giường bệnh 600.000 đồng/ngày là chấp nhận được. Căn phòng khá sạch, yên tĩnh. Nếu giường 2 - 4 triệu đồng thì tôi không kham nổi”, chị Thái Thị P. (ngụ Q.Bình Tân) vừa cầm hóa đơn tính tiền xuất viện vừa nói.
Ở BV Phụ sản Từ Dũ còn có khu dành cho BN BHYT và không có BHYT nhưng không sử dụng dịch vụ, đó là Khoa Hậu phẫu A. Ở khoa này, hiện quá tải, BN được kê giường nằm ở hành lang và có rèm che chắn lại.
Chúng tôi tiếp tục đến BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM). Tại Khoa Nội tim mạch có rất nhiều phòng dịch vụ, tương đối sạch sẽ. Tại phòng có 14 giường, giá 350.000 đồng/giường/ngày, có máy lạnh, quạt, nhà vệ sinh nam/nữ... Nhưng người nuôi bệnh phải thuê ghế bố 15.000 đồng/ngày.
“Tôi nghĩ giường dịch vụ dưới 500.000 đồng là phù hợp với người lao động thu nhập bình thường, chứ giường 2 - 4 triệu đồng/ngày thì chỉ có đại gia nằm thôi”, BN Biện Ngọc Q. (55 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) nói. Còn con của BN Nguyễn Thị Y. (80 tuổi, ngụ Q.6, nằm ở phòng khác của BV này) nói: “Phải bấm bụng đặt cho mẹ nằm giường dịch vụ 400.000 đồng/ngày, lấy đâu ra tiền nằm giường vài triệu đồng?”.

Có dồn bệnh nhân để làm giường dịch vụ?

Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ, TP.HCM, cho biết BV có 4 khu nhà xây dựng ở 3 thời điểm khác nhau, kinh phí từ nguồn vốn vay kích cầu. Giá thu dịch vụ của BV được thông qua nằm trong dự án vay tiền, trả nợ được UBND TP phê duyệt. Sau khi trả nợ vay xong, nếu BV đảm bảo cân đối được thì tái đầu tư để phục vụ cho nhu cầu của BN.
Theo bác sĩ Hải, các phòng bệnh khác nhau về tiện ích, điều kiện phục vụ, trang thiết bị... Còn về phục vụ chuyên môn là giống nhau. Theo BV Từ Dũ, hiện nay giá dịch vụ chưa có quy định hướng dẫn nào, các BV xây dựng dựa trên luật Giá, quy định về BHYT, quy định không BHYT để kết cấu một số yếu tố theo quy định.
Trả lời câu hỏi: “Có dồn bệnh nhân để lấy giường dịch vụ?”, GS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội, cho biết tại BV này có các mức giá giường bệnh khác nhau; với phòng riêng điều trị theo yêu cầu (dịch vụ - PV) cao nhất 3 triệu đồng/phòng/ngày. Không có chuyện dồn BN BHYT để lấy “đất” cho giường dịch vụ. Các khu phòng của BN BHYT đều được nâng cấp và đảm bảo điều kiện cơ bản, sạch sẽ. Tuy nhiên, GS Giang cũng nhìn nhận, một số khoa quá đông BN như chấn thương chỉnh hình, không gian phòng bệnh chật chội.
Một trưởng phòng của Sở Y tế TP.HCM cho rằng khi làm dịch vụ giường bệnh thì các BV phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp. BV được quyền quyết định xây dựng giá nhưng khi xây dựng xong phải gửi về Sở Y tế để Sở kiểm tra xem giá đó có phù hợp. Việc xây dựng tiền giường dịch vụ dựa trên cơ sở tính toán: tiền lương y bác sĩ; các chi phí phục vụ; chi phí công nghệ thông tin - đào tạo và chi phí khấu hao khác (giá này hiện chưa tính).
“Tôi nghĩ, sau khi Bộ Y tế cho rà soát lại thì giường dịch vụ ở các BV sẽ giảm vì đòi hỏi phần diện tích đủ chuẩn. Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao đủ giường bệnh cho BN dịch vụ và các BN khác? Lúc này khả năng BV sẽ dồn giường vào các phòng khác để làm giường dịch dụ, thay vì phòng 7 giường thì còn 4 giường, số giường dư ra sẽ dồn vào phòng khác”, vị này nói.