Bi hài trường đại học nâng điểm chuẩn để “đánh trượt” thí sinh

Mùa tuyển sinh 2019, dù điểm đầu vào đã khởi sắc, nhưng nhiều trường sư phạm vẫn rơi vào cảnh khó tuyển sinh. Đặc biệt đã tái diễn tình trạng các trường cố nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh.

Đánh trượt thí sinh bằng cách nâng điểm chuẩn

Đến ngày 10.8, các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã hoàn tất công tác công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường năm 2019 theo phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia. Nhìn chung, điểm chuẩn năm nay tăng ở các nhóm ngành, trong đó Công nghệ thông tin, Y-dược… vẫn giữ được sức hút.

Điểm chuẩn ngành sư phạm cũng có nhiều khởi sắc. Đặc biệt các trường sư phạm ở Hà Nội và TPHCM, điểm chuẩn gần như đều tăng so với năm ngoái, cao ngang ngửa với các trường công an, quân đội. 

Đặc biệt Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các ngành Sư phạm toán, Vật lý bằng tiếng Anh có mức điểm chuẩn khá cao, từ 21-22 điểm (Vật lý) và 26,35-26,4 (Toán).

Tuy vậy, các trường sư phạm ở địa phương lại rơi vào tình hình khá “bi đát”, hoặc là có điểm chuẩn thấp, hoặc là tuyển không đủ chỉ tiêu. Thậm chí, nhiều trường đại học, ở một số ngành sư phạm còn “trắng” thí sinh trúng tuyển.

 

Nhiều ngành sư phạm của Đại học Đồng Nai không tuyển được thí sinh nào. 
 
Tại Trường ĐH Đồng Nai, điều khiến nhiều người bất ngờ dù là trường đại học địa phương nhưng có điểm chuẩn cao chót vót, có ngành lấy điểm chuẩn lên đến 24,7.

Tuy nhiên, sau khi nhà trường cập nhật số lượng và danh sách thí sinh trúng tuyển, thì những ngành có điểm chuẩn cao lại không có thí sinh nào trúng tuyển.

Cụ thể, Sư phạm Vật lý có chỉ tiêu là 40, lấy điểm chuẩn 24,7 (ngành có điểm chuẩn cao nhất trường), nhưng số thí sinh trúng tuyển các nguyện vọng là 0. Sư phạm Lịch sử, có điểm chuẩn là 22,6 và số thí sinh trúng tuyển cũng là 0.

Trong số 8 ngành Cao đẳng sư phạm của trường này, chỉ có ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học có thí sinh trúng tuyển, 5 ngành còn lại đều có điểm chuẩn ở mức rất cao: 16 - 19,8 và không có thí sinh nào trúng tuyển.

Theo PGS-TS Lê Kính Thắng – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đồng Nai, khi họp bàn phương án xác định điểm chuẩn, Hội đồng tuyển sinh nhà trường đã thống nhất nâng điểm chuẩn một số ngành lên mức cao hơn mức điểm cao nhất của thí sinh có thể trúng tuyển.

Lý do nhà trường phải nâng điểm chuẩn là vì những ngành này chỉ có một vài thí sinh trúng tuyển, không đủ để mở lớp. Trường nâng điểm chuẩn, đánh trượt thí sinh (đáng lẽ có thể đỗ vào trường), để các em có cơ hội tham gia xét tuyển các nguyện vọng khác.

Nhiều ngành sư phạm “trắng thí sinh”    

Tương tự như Đại học Đồng Nai, nhiều trường đại học, cao đẳng sư phạm địa phương cũng đang lâm vào cảnh lao đao vì tuyển không đủ chỉ tiêu.

Tại Đại học Phú Yên, ngoại trừ các ngành sư phạm có điểm chuẩn bằng sàn theo quy định (18 điểm), các ngành còn lại đều có điểm chuẩn 14. Dù điểm chuẩn ở mức thấp, nhưng trường mới tuyển được 76 thí sinh trong đợt 1 xét tuyển điểm thi THPT quốc gia.

Trong đó, nhiều ngành chỉ tuyển được một vài thí sinh. Ngành Sư phạm Toán có 2 thí sinh trúng tuyển, Sư phạm Tiếng Anh có 3 thí sinh trúng tuyển, Sư phạm Lịch sử chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển.

Nhiều ngành khác, như Sư phạm tin học, Sư phạm hóa học, Sư phạm sinh học, Sư phạm ngữ văn, Sư phạm lịch sử… không có thí sinh nào trúng tuyển bằng việc xét điểm thi THPT quốc gia.

Còn Trường Đại học Quảng Bình cũng có nhiều ngành số lượng thí sinh trúng tuyển rất ít. Giáo dục chính trị chỉ có 3 thí sinh, sư phạm Lịch sử có 1 thí sinh.

 

Nhiều ngành sư phạm của ĐH Quảng Bình có điểm chuẩn đúng bằng điểm sàn mà Bộ GDĐT đưa ra.
Năm 2018, đã xảy ra tình trạng nhiều trường sư phạm khó tuyển sinh, nhiều ngành sư phạm “trắng” thí sinh như vậy. Đặc biệt, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đã nâng điểm chuẩn lên 23 để loại thí sinh duy nhất đăng ký vào trường làm nhiều người ngỡ ngàng.

Trước mùa tuyển sinh năm nay, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) - lưu ý các trường đào tạo sư phạm, nếu có quá ít thí sinh không đủ mở lớp, trường cần sớm thông tin để thí sinh thay đổi nguyện vọng. Tránh trường hợp không đủ thí sinh mở lớp, đẩy điểm chuẩn lên quá cao để đánh trượt toàn bộ thí sinh như trong kỳ tuyển sinh năm 2018. Đáng buồn, năm nay lại tái diễn tình trạng này.