Bỏ ra số tiền "khổng lồ" để đầu tư khiến nhiều người tò mò, liệu rằng chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết có đang thực hiện tham vọng gì đó lớn?
Trong khuôn khổ họp báo Giải Golf Bamboo Airways Tournament năm 2019, chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã bày tỏ thiện chí sẵn sàng tài trợ cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam nếu các nhà tài trợ rút lui. Cư dân mạng bắt đầu đào lại chuyện FLC mua 20 máy bay với số tiền 130.000 tỷ đồng vào năm 2018. Một tập đoàn mới nổi, triển khai nhiều dự án với giá cả chục tỷ đô đang ngổn ngang trăm mối,do đâu ông Quyết "bạo chi"?
Đây là câu hỏi chung đối với các tập đoàn kinh tế mới nổi ở Việt Nam. Người tích cực thì ca ngợi, còn người tiêu cực thì kiếm chuyện xoi mói. Năm 2018, FLC Group công bố mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner với tổng trị giá hợp đồng xấp xỉ 5,6 tỷ USD ( khoảng 130.000 tỷ đồng). Trong khi trước đó, FLC đã ký biên bản ghi nhớ mua 24 máy bay A321 NEO của Airbus với tổng trị giá 3 tỷ USD (khoảng 71.000 tỷ đồng). Nghĩa là chưa kể những khoản chi, tài trợ, dự án khác, chỉ với 2 hợp đồng mua máy bay FLC đã “ngốn” hết hơn 200.000 tỷ đồng.
Để giải mã nguồn tiền khổng lổ mà FLC phải bỏ ra, trước hết cần hiểu rõ được dù đây là số tiền lớn, thậm chí rất lớn nhưng không phải cứ ai ký xong là rút ra chừng ấy tiền để trả. Ví dụ như khi ký hợp đồng với Boeing, đây là Hợp đồng nguyên tắc, có đặt cọc. Số lượng máy bay gồm 20 chiếc sẽ được bàn giao bắt đầu từ tháng 4/2020 và kéo dài trong khoảng 2 năm. Với các hãng hàng không, các hợp đồng bán máy bay thường có các tập đoàn tài chính đứng ở phía sau bảo lãnh. Những tập đoàn này “sống” bằng phí bảo lãnh. Do đó, với sự bảo lãnh của các tập đoàn tài chính, bên mua chỉ phải trả số trên dưới 10% số tiền “khổng lồ” trong hợp đồng.
Việc này đã từng xảy ra ở Việt Nam trong phân khúc nhỏ hơn là mua ôtô. Khách hàng có khoản tiền vài trăm triệu đồng đều có thể ra showroom mang một con xe tầm trung với điều kiện là tình hình tài chính lành mạnh, không dính dáng đến các khoản nợ xấu. Khi đó, hãng sẽ gọi các ngân hàng đến để bảo lãnh dưới dạng cho vay trả góp.
Trở lại việc FLC bỏ 130.000 tỷ mua 20 máy bay, sau khi nhận hàng và cho máy bay đi vào khai thác, lợi nhuận sinh ra sẽ được trích một phần để trả gốc và lãi hàng tháng. Việt Nam là một thị trường đang phát triển nhanh, khách đi máy bay ngày càng đông nên vấn đề máy bay sinh lãi không khó. Với kinh nghiệm và sự khôn ngoan, phía bảo lãnh tài chính thừa sức định giá cho loại hình dịch vụ này.
Theo: News4