Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông ở huyện miền núi Nghệ An, chàng trai người Thổ Trương Văn Giang (SN 1994) luôn ấp ủ ước mơ phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Giang vào Nam làm thuê đủ nghề. Đến năm 2018, khi có chút ít vốn, anh quyết định về quê lập nghiệp.
Trong suy nghĩ của chàng trai bấy giờ hình thành nhiều ý tưởng, mô hình nuôi con gì, trồng cây gì để có hiệu quả kinh tế mang tính bền vững trên mảnh đất nghèo, cằn cỗi. Nhận thấy ốc bươu đen phù hợp với thời tiết, sinh sản tốt trên đất ruộng. Trong khi ở quê còn nhiều diện tích ruộng phải bỏ hoang, anh đã mạnh dạn đề xuất với chính quyền địa phương thuê lại 1ha đất để đào ao thả ốc.
Chàng trai tìm tòi, đi học tập kinh nghiệm từ các mô hình nuôi ốc bươu đen thành công ở các tỉnh khác. Có kinh nghiệm, kỹ năng, anh bắt đầu thả lứa ốc giống đầu tiên xuống ao. Lần thả đầu tiên, anh gặp không ít khó khăn về nguồn vốn, ốc nuôi phát triển chậm, có những thời điểm nổi chết đầy mặt nước, tỉ lệ trứng nở đạt thấp.
Không bỏ cuộc, Giang tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm, tìm nguyên nhân ốc chết. Ở lần thả nuôi thứ 2, tỉ lệ ốc chết giảm hẳn, tốc độ sinh trưởng khá cao. “Thời điểm đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tôi quyết không bỏ cuộc. Được mọi người động viên, Huyện đoàn quan tâm giúp đỡ, tôi đã vượt qua”, Giang cho biết.
Anh Trương Văn Giang chuẩn bị trứng ốc vào khay để ấp
Dẫn chúng tôi thăm quan ao nuôi ốc, Giang cho biết, ốc tuy là loài sống dưới bùn đất nhưng rất ưa sạch. Điều quan trọng nhất phải có nguồn nước sạch. Nếu ao nước bẩn, nước tù đọng ốc dễ bị bệnh chết. Vì thế phải thường xuyên vệ sinh ao, thay nước, xử lý môi trường bằng vôi, men vi sinh.
“Thời gian sinh sản của ốc bắt đầu từ tháng 3 kéo dài đến hết tháng 10 âm lịch. Sau khi ốc sinh sản, cần phải gom trứng về nhà cho ấp để trứng nở từ từ. Thông thường sau 15 - 20 ngày ấp, trứng ốc sẽ nở hoàn toàn và thoát ra khỏi buồng trứng. Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm nên số lượng trứng đem vào nhà ấp nở đạt thấp. Nhưng sau khi tìm tòi, nghiên cứu, số lượng trứng ốc nở đạt trên 90% như môi trường ngoài tự nhiên”, anh Giang nói.
Thức ăn của ốc bươu đơn giản, chủ yếu là lá khoai, lá sắn,...
Khi được hỏi về nguồn thức ăn cho ốc bươu, anh Giang "bật mí", thức ăn chủ yếu là lá khoai, lá sắn, bí ngô,... là những thứ dễ tìm và có thể tự trồng xung quanh ao nuôi, không mất nhiều chi phí. Ngày cho ốc ăn 1 lần, vào thời điểm chiều tối.
Theo anh Trương Văn Giang, hiện giá ốc thương phẩm dao động từ 70-80 nghìn đồng/kg; còn giá ốc giống từ 350-500 trăm đồng/con. Với mô hình kinh tế nuôi ốc này, mỗi năm anh “bỏ túi” hơn 200 triệu đồng.
Một góc diện tích nuôi ốc trên cánh đồng hoang của chàng trai 9x
Anh Nguyễn Mạnh Phong – Phó Bí thư Huyện đoàn Tân Kỳ chia sẻ: “Mô hình nuôi ốc bươu đen của Trương Văn Giang là một trong những mô hình thanh niên phát triển kinh tế thành công. Anh rất tích cực trong hoạt động của địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho những người có nhu cầu”.