Chuyện đám cưới không có chú rể vẫn đang nhận được nhiều sự chú ý của độc giả. Đặc biệt đằng sau đó là cả một câu chuyện xúc động.
Đó có lẽ là đám cưới mà những người đến chúc phúc cảm thấy xúc động và rơi nhiều nước mắt nhất từ trước tới nay. Chú rể làm nhiệm vụ ở Trường Sa, theo lịch sẽ về trước ngày cưới 3 ngày, nhưng do bất ngờ gặp sóng to gió lớn không về kịp, nên ngày thành hôn chỉ có 1 mình cô dâu.
Đám cưới không chú rể
Những ngày qua, trên mạng xã hội xôn xao trước hình ảnh một đám cưới diễn ra tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị nhưng chỉ có sự xuất hiện của cô dâu trẻ cùng gia đình 2 bên và không có chú rể.
Lễ cưới đặc biệt này diễn ra vào chiều 13/7, cô dâu là cô giáo mầm non Dương Thị Ly Na (SN 1993, quê ở thôn Hà Lỗ, huyện Hải Lăng, Quảng Trị), còn chú rể vắng mặt là Thượng úy Nguyễn Văn Đức (SN 1993, trú xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị).
Đám cưới không có sự xuất hiện của chú rể.
Trước đó một ngày, lễ cưới tại nhà gái cũng được tổ chức. Cả 2 lễ thành hôn và vu quy đều diễn ra theo cách đặc biệt chưa từng có. Trên sân khấu của đám cưới, cô dâu Na đứng ôm hoa một mình, cạnh bên là cha mẹ 2 bên và không có chú rể. Lễ cưới không có phần cắt bánh, không rót rượu, không chén giao bôi và cũng chẳng có tiết mục trao nhẫn cưới. Thực khách đến chung vui cũng không ai nhìn thấy tấm hình cưới nào...
Chú rể là lính Hải quân đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Để kịp về cưới vợ, Thượng úy Đức đã xin phép đơn vị cho về phép 10 ngày. Theo kế hoạch, anh sẽ về đến nhà trước khi diễn ra đám cưới 3 ngày. Thế nhưng, khi chuyến tàu chở chú rể từ Trường Sa trở về đất liền xây hạnh phúc ấy vừa rời đảo 2 ngày thì không may gặp thời tiết xấu, anh Đức buộc phải quay về lại đảo.
Bạn bè đến chúc phúc cho cô dâu, nhưng trong lòng Ly Na không lúc nào thôi lo lắng cho chồng.
Sự cố quá bất ngờ, khiến cô dâu và 2 bên gia đình không kịp trở tay. Tuy nhiên, do đám cưới thì đã chuẩn bị xong xuôi, bàn tiệc cũng đã đặt và thiệp mời cũng đã phát hết nên không thể hoãn được, 2 bên sui gia đành phải động viên nhau tổ chức lễ cưới không... chú rể.
"Tình yêu cổ tích" gần 7 năm qua điện thoại của cô giáo mầm non và anh lính biển
Trao đổi với PV, bà Lê Thị Nở, mẹ của cô dâu chia sẻ, con gái và con rể của mình yêu nhau cũng đã gần 7 năm qua sự "mai mối" của một người bạn. Lúc đó, chàng trai Đức vào Huế luyện thi và tình cờ gặp được cô sinh viên năm nhất trường Đại học Sư phạm Huế.
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, Đức đã thầm yêu cô sinh viên vừa đẹp người, lại đẹp nết. Không lâu sau đó, anh Đức thi đậu vào Học viện Hậu Cần và phải ra Hà Nội học. Kể từ đó, đôi uyên ương này cũng đã quen với việc yêu xa. Rồi đến ngày ra trường, họ lại tiếp tục chịu cảnh nghìn trùng xa cách khi anh Đức ra đầu sóng ngọn gió, nhận nhiệm vụ giữ từng tấc đất hải đảo của Tổ quốc, còn Ly Na về với tiếng ê a của lớp học mầm non trong làng.
Cha mẹ cô dâu nói về chuyện tình đầy cảm động của cô con gái út.
Suốt 6 năm yêu xa, họ chủ yếu nói chuyện, quan tâm nhau qua điện thoại, máy tính. Thế rồi, sau gần 6 năm yêu nhau, Ly Na - Văn Đức quyết định "về chung một nhà" bằng lễ tổ chức lễ ăn hỏi từ cách đây hơn một năm.
Cũng kể từ đó đến nay, do đặc thù công việc ngoài hải đảo của anh Đức, nên 2 người chưa được gặp lại nhau. Dù biền biệt xa cách, nhưng cô giáo mầm non xinh đẹp vẫn một lòng chung thủy với chàng lính biển.
Nói về tình yêu của mình, Ly Na chỉ nói rất ngắn gọn, giữa 2 người chỉ có tình yêu thôi. "Mình đã xác định làm vợ lính đảo rồi thì phải luôn mạnh mẽ để chồng không phải bận tâm lo lắng điều gì ngoài việc canh giữ vùng biển đảo thiêng liêng cho Tổ quốc. Mình nhớ khi làm lễ trên sân khấu, nhìn xuống thấy nhiều người lau nước mắt, họ thương mình trống trải trong ngày lấy chồng, thương cả anh đang phải vật lộn với sóng gió ngoài khơi xa".
Ông ngoại cô dâu mất 3 ngày trước đám cưới
Cũng theo mẹ của Ly Na cho biết, tối trước khi diễn ra đám cưới, biết chồng không về kịp, dù đã cố gắng mạnh mẽ, nhưng con gái của cô vẫn trốn vào khóc ngồi khóc thút thít. Rồi đến ngày thành hôn, dù chú rể không đến, nhưng Ly Na vẫn xúng xính váy cưới, theo đoàn rước dâu về nhà chồng.
Vợ chồng ông Khoa cho biết, do 1 năm chưa gặp nhau nên con gái và con rể của mình chưa kịp chụp ảnh cưới.
"Đứng cạnh con gái trên sân khấu trong lúc làm lễ cưới, quay qua thấy đôi mắt con đỏ hoe vì khóc, khiến tôi cũng không thể kiềm được nước mắt. Rồi nhìn xuống hôn trường, thấy nhiều người cũng lau nước mắt. Họ thương cho con gái mình trống trải trong ngày lấy chồng 1, mà thương chú rể đến 10. Vì con gái mình ở đây dù sao vẫn có bố mẹ ruột, bố mẹ chồng, bà con và bạn bè bên cạnh, còn nghĩ đến cảnh con rể thì vẫn đang phải vật lộn với sóng gió ngoài khơi xa. Chắc lúc đó nó cũng 'nóng lòng' lắm...", cô Nở chia sẻ.
Cô Nở cũng tâm sự thêm, Ly Na là con út trong nhà nên được bố mẹ yêu thương nhất. Suốt buổi đám cưới, vì sợ thấy con gái khóc nên cô không dám nhìn thẳng vào con. Khi đoàn nhà gái đi về, cô cũng lặng lẽ ra về vì sợ con gái chạy theo ôm mình khóc.
"Trước ngày cưới 3 ngày thì ông ngoại của Ly Na mất, nhưng vì thương con nên cô đã về nhà cha, xin cho Na miễn đeo tang và xin cho bản thân cô được chậm mang tang lại 3 ngày để lo xong hôn sự cho con gái", cô Nở trải lòng.
Ly Na là con gái út trong gia đình có 6 anh chị em. Các anh chị đầu của Na đều đã lập gia đình. Còn chú rể Đức cũng là con út trong gia đình có 2 anh em. Anh trai của Đức hiện cũng đang công tác tại lực lượng Không quân của đơn vị Hải quân đóng tại Khánh Hòa.
Bây giờ, điều khiến vợ chồng ông Khoa trăn trở nhất là việc 3 năm qua, Ly Na dạy hợp đồng cho Trường mầm non xã Hải Hòa ở gần nhà. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, do hợp đồng này vừa kết thúc, nên sắp đến chắc Ly Na sẽ phải xin đi dạy tạm ở một trường tư thục nào đó ở TP Đông Hà (Quảng Trị).
“Nó là con gái, phải sống xa chồng rồi, mà công việc đi dạy của Na hiện tại chưa ổn định nữa. Con gái mà phải đi dạy xa, tháng này trường này, tháng sau lại phải dạy ở trường khác, phải sống xa gia đình nữa khiến vợ chồng tôi lo lắng quá, nhưng không biết phải làm sao cả.”, cô Nở giãi bày.
Ông Khoa rất tự hào vì chàng rể là lính hải quân.
Nói về chàng rể của mình, ông Dương Công Khoa (bố ruột của cô dâu Ly Na) cho biết, anh Đức là một người hiền lành, dễ thương, lễ phép và rất hiếu thảo. Do anh Đức làm nhiệm vụ ngoài đảo nên suốt hơn 1 năm nay, vợ chồng ông cũng chưa được gặp lại con rể. Thỉnh thoảng chỉ nói chuyện với nhau vài câu hỏi thăm ngắn gọn qua điện thoại.
Khi tôi hỏi "có con rể là lính biển, bác thấy sao?" - Ông Khoa hào hứng nói: "Tự hào lắm!". Nhưng rồi, người cha này vẫn thoáng một chút trầm tư trên khuôn mặt. "Nói thật, thấy con gái sống xa chồng tôi cũng lo lắm, nhưng mà biết sao được, duyên số cả mà. Hơn nữa con rể mình làm nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc, nên người làm cha, làm mẹ như tôi cũng thấy vui và tự hào lắm. Thôi thì động viên các con cùng cố gắng vậy", ông bộc bạch.