Các phát minh chính là động cơ thúc đẩy sự phát triển của xã hội hiện đại. Điều thú vị là không phải lúc nào các sáng kiến tốt nhất cũng là mục đích ban đầu của giới khoa học. Trong rất nhiều trường hợp, các khoảnh khắc định hình thời đại lại ra đời dưới bàn tay của số phận.
1. Coca-Cola
Thứ thức uống tuyệt vời của thế kỷ (cả XX và XXI) này ra đời vào năm 1886. Một năm trước đó, dược sĩ đến từ Atlanta John Pemberton đã tạo ra một phiên bản Coca-Cola có cồn. Có nhiều nguồn tin khá mâu thuẫn xoay quanh lý do Pemberton đi đến quyết định này.
Nhà phát minh của loại thức uống nổi tiếng John Pemberton.
Trong một bài viết vào năm 2013 cho trang Business Insider, bà Wendy Clark đã mô tả về nguồn gốc của Coca là “thần dược mang đến cho mọi người những giây phút sảng khoái, thăng hoa và hạnh phúc”.
Coca-Cola là một trong những hãng giải khát được ưa chuộng nhất thế giới.
Bài viết tiếp tục bằng việc đề cập chứng nghiện morphine của Pemberton. Ban đầu, ông sử dụng loại thuốc này để làm giảm cơn đau do các chấn thương từ cuộc Nội chiến gây ra. Để phá vỡ sự phụ thuộc đó, ông cố gắng pha trộn một hỗn hợp bao gồm “rượu, cocaine và hạt cô-la có chứa caffeine” và gọi nó là “Rượu Cola kiểu Pháp”.
Rượu Cola là thức uống có cồn, tiền thân của Coca-Cola sau này.
Do lệnh cấm mua bán chất có cồn của chính quyền bang Atlanta vào năm 1885, Pemberton buộc phải loại bỏ rượu và cocaine khỏi phát minh mới của mình.
Mẫu quảng cáo Coca-Cola những năm 1890.
Khi rượu Cola kiểu Pháp của dược sĩ người Mỹ chỉ còn là chai si rô không hơn không kém, bàn tay của số phận (hay đúng hơn là của một nam thanh niên bất cẩn) đã chen ngang để cho ra đời hương vị yêu thích của nhiều người như ngày hôm nay.
Phiếu giảm giá đầu tiên trên thế giới được ra đời vào năm 1888 nhằm mục đích quảng bá sản phẩm. Với tấm vé này, bạn có thể đổi lấy một ly Coca-Cola hoàn toàn miễn phí. Đến năm 1913, công ty đã đổi được 8,5 triệu vé.
Theo một bài đăng trên tạp chí History Extra hồi tháng 7, một nam nhân viên quán rượu đã vô tình đổ soda lạnh từ một đài phun soda gần đó vào ly si rô của Pemberton thay vì nước máy như được yêu cầu. Vậy là từ đó, thứ thức uống bị loại bỏ các chất cấm lại đạt được hương vị gây nghiện và thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ.
2. Tia X
Nếu ai đó tiêu thụ quá nhiều Coca-Cola, họ có thể sẽ cần chụp X-quang để kiểm tra thiệt hại.
Nhà vật lý học người Đức Wilhelm Röntgen đã tìm ra tia X vào năm 1895. Trong khi bận rộn thực hiện thí nghiệm trên các ống tia cực âm, Röntgen không hề biết rằng “tác dụng phụ” của nó là ghi tên ông vào sử sách của ngành công nghệ y học.
Wilhelm Conrad Röntgen.
History.com cho biết ông “để ý thấy một luồng sáng phát ra từ màn hình phủ hóa chất gần đó khi đang thử nghiệm xem tia cực âm có thể đi qua thủy tinh hay không”.
Nhận thấy rằng luồng sáng xuyên qua bìa các tông để tới được màn hình, nhà vật lí học đã thực hiện một việc mà bất kỳ nhà khoa học nào cũng hào hứng: đặt tay vợ mình lên lên các tia sáng xa lạ. Công bằng mà nói thì lúc đó người ta vẫn chưa khám phá ra những nguy hiểm từ bức xạ của tia X. Cái tên “X” cũng xuất phát từ sự bí ẩn lúc bấy giờ của nó với nhà khoa học người Đức.
Ảnh chụp X-quang đầu tiên trên thế giới của Wilhelm Röntgen. Bức ảnh chụp bàn tay của vợ ông, bà Anna Bertha Ludwig,
Chỉ vài năm sau đó, tia X lần đầu tiên được sử dụng trên chiến trường (chiến tranh Balkan) để tìm xương gãy và viên đạn trong cơ thể bệnh nhân. Nếu ngày ấy Röntgen không vô tình liếc qua màn hình đó, có lẽ ông sẽ không thể khám phá ra tia sáng đã mở ra một cuộc cách mạng trong việc giám định cơ thể bệnh nhân của các bác sĩ.
Tia X được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như an ninh, y học, quân sự,…
3. Penicillin
Một phát minh quan trọng khác trong lĩnh vực y học cũng diễn ra đầy tình cờ là penicillin.
Thông thường, các nhà khoa học đều làm việc trong môi trường có kỷ luật cao và phải tuyệt đối vệ sinh để chống lại sự lây lan của vi khuẩn. Tuy nhiên, nhà vi trùng học người Scotland Alexander Fleming lại khám phá ra chất kháng sinh nổi tiếng trong điều kiện thiếu cả kỷ luật lẫn vệ sinh vào năm 1928.
Một biển quảng cáo dán bên ngoài thùng thư dành cho các quân nhân với nội dung “Penicillin chữa khỏi bệnh lậu chỉ trong vòng 4 giờ đồng hồ.”
Sau khi tận hưởng kỳ nghỉ và trở về phòng thí nghiệm của mình tại Học viện Y học Thánh Mary thuộc Đại học Luân Đôn, nhà khoa học người Scotland nhận thấy tự nhiên đã làm phần việc của mình trong khi ông đi vắng.
Mẫu vi khuẩn penicillium mà Alexander Fleming giới thiệu đến Douglas Macleod vào năm 1935.
Khi Fleming rời khỏi phòng thí nghiệm, một vài đĩa nuôi cấy vi khuẩn mà ông quên dọn dẹp đã bị mốc và xuất hiện đốm xanh trên đó. Trong lúc chuẩn bị vứt chúng đi, nhà khoa học phát hiện các đốm xanh kia đã phá hủy một số tụ cầu khuẩn trên đĩa và tạo ra vòng tròn sạch khuẩn xung quanh chúng.
Các đốm xanh đó chính là penicillium, chi nấm được dùng để chiết xuất penicillin. Tuy là người đầu tiên tìm ra tính năng của penicillin, Fleming lại chưa sở hữu công nghệ để sản xuất chúng dưới quy mô công nghiệp.
Giáo sư Alexander Fleming.
Sau này, Alexander Fleming cộng tác với Howard Florey và Ernst Chain để tiếp tục công trình nghiên cứu chất kháng sinh thần kỳ của ông. Sự hợp tác đạt được thành công như mong đợi và mang về cho 3 nhà khoa học giải Nobel vào năm 1945. Penicillin cũng trở thành loại kháng sinh không thể thiếu trong sự phát triển của nhân loại.
4. Lò vi sóng
Những ý tưởng đầu tiên về lò vi sóng xuất hiện vào năm 1946. Ý tưởng này cần đến vài thập kỷ và trải qua không ít thay đổi trong thiết kế để có trở thành thiết bị phổ biến ở hầu hết các nhà bếp trên thế giới như hiện nay.
Lò vi sóng hiện nay là một trong số các vật dụng thiết yếu tại hầu hết các nhà bếp trên thế giới.
Percy Spencer là một kỹ sư đến từ Maine chịu trách nhiệm làm việc với các ống magnetron của hệ thống ra đa. Năm ngoái, trang Livescience cho đăng tải rằng “Spencer vô tình phát hiện thanh sô cô la trong túi của anh ấy tan chảy khi đang làm việc với một ống magnetron”.
Bị hấp dẫn bởi phát kiến mới, chàng kỹ sư tiếp tục thử nghiệm nó trên các loại thực phẩm khác và nhận thấy rằng tất cả chúng đều bị tác động.
Lò vi sóng đã tạo ra sự thay đổi khổng lồ trong lĩnh vực nấu ăn trên toàn thế giới.
Spencer nhanh chóng kết luận rằng bức xạ vi sóng từ các magnetron có thể tác động đáng kể đến nền nghệ thuật ẩm thực. Minh chứng rõ ràng nhất là khi anh cố gắng nấu một quả trứng.
“Sau khi cắt một cái lỗ ở bên hông ấm đun nước, Spencer đặt quả trứng vào bên trong và truyền vi sóng trên đầu ấm. Quả trứng chín nhanh đến nỗi nó đã nổ tung và văng vào mặt của một công nhân khi kỹ sư người Mỹ đang cố nhìn vào bên trong ấm đun nước.” - Tạp chí History Extra khẳng định.
Có vẻ như cả quá trình phát minh lẫn sử dụng lò vi sóng đều đầy những tai nạn bất ngờ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng sáng kiến này đã tạo ra sự thay đổi khổng lồ trong lĩnh vực nấu ăn trên toàn thế giới.
5. Viagra
So với các phát minh khác, Viagra có tuổi đời còn khá trẻ khi chỉ mới được ra mắt vào năm 1988.
Một nhóm các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm Pfizer là tác giả của viên thuốc nhỏ màu xanh khét tiếng này (còn được gọi là UK92480). Mục đích ban đầu của họ là phục vụ các công tác sinh học. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng có vẻ đã đi khá xa so với kỳ vọng của các nhà nghiên cứu.
Viên thuốc Pfizer Viagra màu xanh huyền thoại.
Vào năm 2008, tiến sĩ Brian Klee trả lời Fox News rằng “mục đích ban đầu trong việc bào chế sildenafil (thành phần chính của Viagra) là hạ huyết áp và trị các bệnh về tim mạch”. Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm trên con người, họ nhận thấy rằng các tình nguyện viên lại hài lòng với tác dụng phụ về mặt sinh lý của thuốc hơn là khả năng chính của nó.
Một nhóm các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm Pfizer là tác giả của viên thuốc nhỏ màu xanh khét tiếng này.
Kết quả bất ngờ này trở thành nhân tố chính trong quá trình quảng bá Viagra tới công chúng. Nhờ có thần dược mới, sự kỳ thị về khả năng giường chiếu yếu kém của các quý ông đã được loại bỏ. Hãng dược phẩm thậm chí còn đưa việc cựu chính trị gia cấp cao Bob Dole đề cao công năng của Viagra vào một quảng cáo.
Trong một bài phỏng vấn với tờ The Telegraph vào năm 2015, tài tử Jack Nicholson đã tạo ra một cơn sốt nho nhỏ khi cho biết “Tôi chỉ dùng Viagra khi qua đêm với nhiều hơn một người phụ nữ”.
Tài tử Jack Nicholson.
Các sự kiện trên cho thấy rằng dù các nhà khoa học có cẩn thận đến đâu khi nghiên cứu và tiến hành thí nghiệm, bất ngờ luôn có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi.
Đó cũng chính là thú vui của những bộ óc ưa tìm tòi và những tâm hồn ham học hỏi. Một thế giới mà những thay đổi bất ngờ luôn tồn tại song song với những suy tính cẩn thận rõ ràng là nơi tuyệt vời để khám phá, phải không nào?