Cận cảnh quá trình đi dỡ chà bắt chuột của người dân miền Tây,

Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 5 âm lịch, người dân huyện An Phú (An Giang) vào mùa dỡ chà bắt chuột. Đây là một nghề tuy đơn giản nhưng cũng lắm công phu và đặc biệt góp phần tăng thu nhập cho người dân vùng lũ đầu nguồn sông Cửu Long.

Anh Nguyễn Văn Phước, ngụ ấp Phú Quới, xã Phú Hữu, huyện An Phú, cho biết anh làm nghề chất chà bắt chuột hơn 4 năm nay.

Để có được đống chà, anh thường tìm xin cây ớt cuối vụ của người dân trong vùng nhổ về phơi khô, chọn nơi cao ráo để chất thành đống dụ chuột vào trú ngụ.

Theo anh Phước, để có chuột, người chất chà thường dùng bắp, lúa rải quanh đống chà để chuột đến ăn sau đó vào đống chà trú ngụ. Mùa dỡ chà kéo dài đến khi nước lũ lên ngập đồng.

Việc chất chà bắt chuột không chỉ cải thiện kinh tế gia đình mà còn góp phần tiêu diệt sinh vật phá hoại mùa màng.


Đống chà chuột thường có diện tích khoảng 20 - 30 m2 và đặc biệt phải chất bằng cây ớt khô thì chuột mới vào trú ngụ nhiều. Sau khi chất, cứ khoảng 10 ngày thì dỡ bắt chuột một lần. Trong khoảng thời gian này, chủ đống chà thường dùng bắp, lúa để rải quanh đống chà để dụ chuột.


Dụng dụ dỡ chà bắt chuột đơn giản chỉ gồm lưới, gọng, lọp, được anh Phước và con trai chuẩn bị kỹ trước khi ra đồng dỡ chà.


Sau khi đến địa điểm, người tham gia sẽ đặt lọp, dùng lưới quây quanh đống chà và bắt đầu dỡ chà di chuyển qua chỗ trống kế bên.


Cứ thế, đống chà vơi dần và chỉ còn lại một cụm nhỏ khoảng vài mét vuông, thì người tham gia sẽ kéo lưới chính thức quây tròn đống chà lại rồi đưa phần chà cuối cùng ra ngoài.


Lúc này, chuột một phần chạy vô rọng, một phần chạy lung tung xung quanh lưới.


Cứ thế, người tham gia sẽ bắt chuột cho vô rọng, phun nước để làm mát chuột rồi mang về nhà.


Chuột khi mang về nhà sẽ có thương lái đến tận nơi thu mua. Cứ mỗi mùa như vậy, người chất chà bắt chuột có thu nhập hàng chục triệu đồng

Theo: Báo Vĩnh Long