Tập đoàn chaebol Hàn Quốc là một khái niệm đã không còn xa lạ gì với mọi người. Đây là những đế chế kinh doanh mang đậm tính “gia đình trị”, với nhiều quy tắc truyền thống vẫn còn giữ cho đến ngày nay. Chaebol Hàn Quốc khiến người ta hình dung ra những nguyên tắc “bất di bất dịch” như phải được truyền cho con trai, các nàng dâu không được phép tham gia điều hành hay ảnh hưởng của phụ nữ rất nhỏ.
Trong nhiều thập kỷ qua, phần lớn những người vợ của các "thái tử" và sau đó là chủ tịch chaebol thường đảm nhận vai trò nội trợ hoặc nắm giữ các vị trí ít nổi bật hơn như quản lý bảo tàng của gia đình. Điển hình như bà Hong Ra-hee, vợ của cố Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee, và bà Roh Soh-yeong, vợ cũ của Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won. Có rất ít trường hợp được trao quyền thừa kế và quản lý sau khi chồng qua đời.
Thế nhưng gần đây, vị thế của những phu nhân tài phiệt, tức những người phụ nữ kết hôn với chaebol đã đổi khác. Họ không còn bị “đóng khung” vào hình mẫu dâu hào môn ở nhà làm nội trợ, tận hưởng cuộc sống an nhàn, xa hoa của phú bà để làm “phông nền” cho chồng nữa.
Câu chuyện của Kim Min-hyung, con dâu của nhà sáng lập tập đoàn Hoban, Kim Sang-yeol, là một ví dụ điển hình cho xu hướng này. Kim Min-hyung (30 tuổi) là cựu phát thanh viên, kết hôn với con trai cả của nhà sáng lập, ông Kim Dae-heon - chủ tịch kế hoạch của tập đoàn Hoban - vào tháng 12/2020. Trước đó, cô từng là nhân viên tạm thời tại đài truyền hình MBC từ năm 2016 đến 2018 và là nhân viên chính thức tại đài truyền hình SBS từ năm 2018 đến 2020. Sau 4 năm kết hôn, Kim Min-hyung vừa chính thức gia nhập tập đoàn Hoban, giữ chức giám đốc phụ trách các hoạt động đóng góp xã hội thuộc bộ phận truyền thông.
Kim Jung-soo, CEO của Samyang Roundsquare và là con dâu của nhà sáng lập tập đoàn thực phẩm này cũng là một trong những cái tên nổi bật. Bà được biết đến là người đã khiến món mỳ cay Buldak thành công bùng nổ ở thị trường quốc tế. Trước khi gia nhập công ty vào năm 1998, bà Kim Jung-soo (60 tuổi) từng là một người nội trợ. Đến năm 2010, bà mới bắt đầu quản lý công ty cùng chồng là ông Chun In-jang.
Ý tưởng về món mì siêu cay được hình thành sau chuyến đi cùng con gái đến một nhà hàng cơm rang nổi tiếng vào năm 2010. Bà nhận ra nhu cầu về thực phẩm siêu cay và quyết định phát triển sản phẩm này. Mặc dù vướng phải một số rắc rối pháp lý vào năm 2020, bà Kim Jung-soo đã trở lại vị trí lãnh đạo sau một năm và tiếp tục khẳng định năng lực của mình. Sự ghi nhận dành cho bà được thể hiện rõ nét qua việc bà được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) vào ngày 9/9 vừa qua.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai hiện tại, bà Hyun Jeong-eun cũng là con dâu của cố nhà sáng lập tập đoàn Chung Ju-yung. Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Daishin, bà Lee Auh-ryung là con dâu của cố nhà sáng lập công ty tài chính Yang Jae-bon. Dù không được đào tạo bài bản về quản lý doanh nghiệp lớn, cả bà Hyun và Lee đều đã chèo lái thành công công ty vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng thành công. Cựu Chủ tịch Hanjin Shipping, bà Choi Eun-young, đã không thể ngăn chặn sự phá sản của công ty vào năm 2017, mặc dù được thừa kế quyền điều hành vào năm 2006 sau khi chồng bà qua đời.
Việc những "phu nhân tập đoàn" ngày càng tham gia sâu hơn vào hoạt động kinh doanh cho thấy sự thay đổi trong quan niệm về vai trò của phụ nữ trong các chaebol. Họ không chỉ được nhìn nhận là “hậu phương vững chắc” mà giờ đây còn có thể là những người lãnh đạo tài năng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của các tập đoàn gia đình tại Hàn Quốc.
Nguồn: Korea Times