Checkin-Holic: Trở về thời "dân quốc" ở Phim trường Thượng Hải - Lê Hữu Chính

Một chuyến đi đầy thú vị, thăm quan phim trường Thượng Hài, bối cảnh chính của những bộ phim về thời Dân quốc…

Một chuyến đi không hề có kế hoạch trước, hoàn toàn ngẫu hứng của những kẻ vốn thích những cổ trấn và những cảnh đẹp mang đầy tính cổ tích, bồng bềnh của Trung Quốc…

Lạc bước giữa không gian hoài cổ của những chàng trai, cô gái trong trang phục thời xưa, xen lẫn tiếng tàu điện leng keng ở phim trường nổi tiếng tại Thượng Hải sẽ khiến bạn có cảm giác như quay ngược thời gian, trở về những năm tháng đầu thế kỷ trước vậy!

Từ xưa đến nay, nhắc đến những bộ phim cổ trang người ta lại nhớ đến ngay Trung Quốc. Những tác phẩm kinh điển như Tam Quốc Diễn Nghĩa, Vương Triều Khang Hy, Hán Vũ Đế, Bộ Bộ Kinh Tâm, Lang Nha Bảng hay Chân Hoàn Truyện…đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng khán giả một thời.

Không chỉ thu hút bằng diễn xuất đỉnh cao của dàn diễn viên đình đám, những tác phẩm kể trên còn gây ấn tượng mạnh nhờ vào những thước phim đẹp như tranh. Chính những địa điểm quay phim có 1-0-2 đã giúp các nhà làm phim Trung Quốc luôn giữ được vị thế độc tôn trong dòng phim cổ trang, mà khó nước nào có thể vượt qua được, và một trong số đó phải kể đến phim trường Chedun nổi tiếng ở Thượng Hải.

Mở cửa lần đầu vào năm 1998, phim trường Chedun (thuộc huyện Songjiang, phía Tây Nam Thượng Hải, Trung Quốc) đã trở thành phim trường của hầu hết các bộ phim thời dân quốc của điện ảnh Trung Hoa. Không chỉ là nơi diễn ra các cảnh quay, phim trường còn là một địa điểm tham quan được nhiều du khách lựa chọn khi đặt chân đến Thượng Hải.

Phim trường này như một Thượng Hải thu nhỏ với phố đi bộ Nam Kinh xưa, cầu Bạch Độ và một số địa danh khác. Một số bộ phim đã được quay tại đây như: Khuynh Thành Chi Luyến, Hoa Anh Hùng, Mộc Lan Truyện…Ngoài ra, phim trường Thượng Hải còn là nơi bối cảnh của nhiều bộ phim thời Dân quốc như Tân Bến Thượng Hải, Tân Dòng Sông Ly Biệt, hay Cẩm Tú Duyên Hoa Lệ Mạo Hiểm…

Bạn sẽ phải thốt lên ngạc nhiên nhiều lần khi phát hiện ra con ngõ nổi tiếng nhà của nhân vật Y Bình trong Tân Dòng Sông Ly Biệt, cây cầu nơi cô tự tử sau khi bị Thư Hoàn phụ tình, hay con đường Nam Kinh nổi tiếng với tuyến tàu điện ngang dọc, nơi các cô nữ sinh trong bộ đồng phục xanh trắng thường hay rủ nhau đi học, hoặc bạn cũng sẽ nhận ra căn nhà kho rộng lớn - địa điểm quay nhiều cảnh ẩu đả, tranh hùng đoạt bá nơi bến Thượng Hải cách đây gần một thế kỷ.