Chuyên gia về hạnh phúc Meik Wiking cho biết, các sự kiện kết hợp nhiều yếu tố kích thích giác quan sẽ tạo ra những ký ức chi tiết có tác động mạnh khi nhớ lại. Một trong những lời khuyên lớn nhất là hãy tập chung sự chú ý, điều có nghĩa là tránh xa các thiết bị kỹ thuật số.
Những kỷ niệm hạnh phúc như nụ hôn đầu tiên có thể dễ dàng gợi lại trong những thời điểm khó khăn.
Meik Wiking đã tạo dựng được danh tiếng quốc tế như một chuyên gia về hạnh phúc. Trong những thời điểm khó khăn như thế này, anh nói điều tự nhiên là nhìn lại và tìm thấy niềm an ủi khi nhớ lại những khoảnh khắc hạnh phúc.
Với nền kinh tế đang suy yếu và nhiều người vẫn phải tuân theo các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, Wiking muốn tăng cường sức khỏe tâm thần của mọi người bằng cách giúp họ tạo ra những ký ức mới tích cực, lâu dài và đầy cảm hứng. Anh nói: “Có những điều chúng ta có thể làm để tác động đến những gì chúng ta, bạn bè và gia đình của chúng ta sẽ nhớ đến trong tương lai".
Đến từ Đan Mạch, Wiking là Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Hạnh phúc ở Copenhagen và là tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất trên New York Times như "Cuốn sách nhỏ của Hygge" (phát âm là hoo-ga, một từ tiếng Đan Mạch có nghĩa là cảm giác thoải mái, hòa hợp và hạnh phúc) và "Cuốn sách nhỏ của Lykke" (phát âm là luu-kah, nghĩa là hạnh phúc).
Chuyên gia về hạnh phúc người Đan Mạch Meik Wiking.
Hiểu được hạnh phúc là mục tiêu cả đời của Wiking - một diễn giả được săn đón. Anh đã đi khắp thế giới để thảo luận về những điều mọi người có thể làm trong cuộc sống hàng ngày giúp họ hạnh phúc hơn.
Wiking cho biết, những người bị trầm cảm không chỉ cảm thấy không hạnh phúc mà còn khó nhớ những khoảng thời gian hạnh phúc trong đời. Những ký ức hạnh phúc có thể bù đắp cảm giác tiêu cực gây căng thẳng, cô đơn và tất cả các giác quan của chúng ta có thể là tác nhân kích thích trí nhớ.
Đan Mạch liên tục được xếp hạng là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất hành tinh hàng năm theo đo lường chất lượng cuộc sống tại hơn 150 quốc gia của Liên Hợp Quốc. Theo báo cáo mới nhất được công bố vào tháng 3, Phần Lan lên vị trí dẫn đầu, Đan Mạch ở vị trí thứ hai. Không có quốc gia châu Á nào lọt vào top 20!
Trong cuốn sách gần đây nhất của Wiking "Nghệ thuật tạo kỷ niệm", anh đưa ra các kỹ thuật để củng cố ký ức cá nhân và lời khuyên về cách lập kế hoạch cho các sự kiện và trải nghiệm đáng nhớ hơn. Wiking cho biết cách tích cực mà chúng ta có thể lưu trữ những ký ức là kích hoạt những liên tưởng tốt đẹp - một quá trình mà anh gọi là trở thành một “kiến trúc sư của ký ức”.
“Tất cả chúng ta đều có những công cụ và chiến lược khác nhau mà chúng ta có thể sử dụng để tác động đến những gì chúng ta và những người thân yêu của chúng ta nhớ đến trong tương lai. Một chiến lược là sử dụng sức mạnh của lần đầu tiên. Chúng ta có nhiều khả năng nhớ những trải nghiệm lần đầu tiên hơn.”, anh giải thích.
Các cặp đôi thường nhớ về những buổi hẹn hò đầu tiên hoặc nụ hôn đầu tiên; cha mẹ thường nhớ những lời đầu tiên hoặc những bước đi đầu tiên của trẻ sơ sinh..., Wiking dẫn chứng.
Wiking nói những bước đi đầu tiên của một đứa trẻ là một ký ức dễ nhớ.
Wiking cũng gợi ý tạo ra các sự kiện kết hợp nhiều kích thích giác quan để tạo nên một ký ức chi tiết và có tác động. Ví dụ, bạn có thể tổ chức một bữa ăn tối và mời mọi người mang đến một món ăn mới, độc đáo hoặc bao gồm một nguyên liệu đặc biệt. Điều này gợi lên các giác quan về khứu giác và vị giác, những công cụ mạnh mẽ trong việc hồi tưởng trí nhớ.
Bằng cách kết hợp các yếu tố giác quan với nhau - khứu giác, vị giác, xúc giác, thị giác hoặc âm thanh - ký ức sẽ lâu dài hơn, được nhớ lại rõ ràng hơn và giàu cảm xúc hơn, theo Wiking. Âm thanh riêng cũng có thể có tác dụng mạnh mẽ trong việc khơi gợi ký ức.
“Trí nhớ của bạn hoạt động thông qua sự liên tưởng - bạn có thể nghe thấy một bài hát mà bạn đã nghe rất nhiều ở trường trung học và sau đó bạn ngay lập tức du hành ngược thời gian, nhớ lại một trải nghiệm từ những ngày đó.”, Wiking nói.
Thêm nhạc vào các sự kiện đặc biệt hoặc ra mắt một bài hát mới yêu thích trong một buổi chiều trên bãi biển sẽ đảm bảo lần sau khi bạn nghe nó, ký ức của bạn về khoảnh khắc đó sẽ sống lại tươi đẹp.
Gắn kỷ niệm vào một sự kiện đặc biệt có thể giúp chúng ta nhớ lại khi ngày kỷ niệm sự kiện đó đến gần.
Cũng giống như chúng ta đến phòng tập thể dục để tăng cường sức khỏe và đọc để cải thiện trí não của chúng ta, lặp lại hành động nhớ lại có thể giúp chúng ta nhớ lại quá khứ tốt hơn. “Trí nhớ của bạn giống như một cơ bắp, bạn phải luyện tập nó. Nếu bạn thường xuyên nghĩ về những kỷ niệm vui, bạn có nhiều khả năng sẽ nhớ chúng trong tương lai.”, Wiking cho biết.
Những kỷ vật đáng nhớ như album ảnh, sổ lưu niệm hoặc các bộ sưu tập hữu hình khác của quá khứ mà bạn có thể xem lại, đặc biệt là ở xung quanh nhà, là cách giúp bạn củng cố trí nhớ, đồng thời khơi dậy cảm xúc tích cực. Tuy nhiên, Wiking cảnh báo việc lưu giữ những ký ức trực tuyến sẽ không mang lại kết quả tương tự.
“Nếu chúng ta chỉ đặt ký ức của mình trên các thiết bị kỹ thuật số, chúng ta có nguy cơ bị mất trí nhớ do kỹ thuật số. Chúng ta có nhiều khả năng bị mất các bức ảnh kỹ thuật số của mình hoặc trở nên quá tải bởi số lượng lớn chúng ta đã lưu trữ.”, anh phân tích.
Đừng chỉ lưu giữ tất cả những kỷ niệm của bạn trên điện thoại thông minh.
Theo quan điểm của Wiking, lời khuyên tốt nhất để tạo trí nhớ cũng đơn giản nhất: Hãy chú ý! Tối đa hóa hạnh phúc sẽ luôn là mục tiêu của hầu hết mọi người. Để có những ngày tươi sáng hơn ở phía trước, hãy lập kế hoạch cho một sự kiện đáng nhớ trong tương lai!
Theo SCMP