Một cuộc hôn nhân tốt đẹp tất nhiên liên quan đến điều kiện kinh tế nhưng nó không đóng vai trò quyết định. Cách đây vài ngày, tại thành phố Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc đã diễn ra một đám cưới xa xỉ, thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận.
Trong đám cưới, lẽ ra tất cả mọi người đều vui vẻ, bàn tán rôm rả thì nhân vật chính là chú rể lại có vẻ mặt buồn rười rượi. Ngay cả khi chụp ảnh, chú rể cũng không gượng cười nổi, mặc cho cô dâu và gia đình, bạn bè rất hân hoan.
Trong những hình ảnh được lan truyền trên mạng, cô dâu có nhan sắc ưa nhìn, trên cổ và tay đeo nhiều vòng vàng có giá trị cao. Khuôn mặt cô dâu hạnh phúc, rạng rỡ, khác hẳn với chú rể đang chán nản, lạnh lùng bên cạnh. Đáng nói, chiếc váy của cô dâu là dạng váy xoè, rộng eo, cơ thể cũng mập mạp vì vậy nhiều người đồn đoán rằng cô dâu đang mang bầu.
Tiếp đó, thông tin về sính lễ và của hồi môn của đám cưới được tung ra, lại khiến cư dân mạng được thêm phen choáng váng. Của hồi môn của cô dâu có tổng trị giá khoảng hơn 8 triệu nhân dân tệ (khoảng 27,5 tỷ đồng) bao gồm 2 triệu nhân dân tệ tiền mặt, sổ tiết kiệm có 2,6 triệu nhân dân tệ, ô tô hạng sang trị giá 700.000 nhân dân tệ, một ngôi nhà trị giá 2,6 triệu nhân dân tệ, một cửa hàng trị giá 200.000 nhân dân tệ, phong bì hỷ 200.000 nhân dân tệ, nhẫn kim cương 130.000 nhân dân tệ và một số đồ đạc đắt giá khác.
Nhìn thái độ của chú rể không ai nghĩ đây là đám cưới của anh
Ngược lại sính lễ nhà chú rể bao gồm cả quà và trang sức bằng vàng chỉ có khoảng 430.000 nhân dân tệ (khoảng 1,4 tỷ đồng). Nếu so sánh thì sính lễ nhà chú rể và cô dâu chênh nhau một trời một vực. Điều này khiến cư dân mạng bàn tán sôi nổi, họ cho rằng, có lẽ chú rể bị gia đình ép cưới.
- "Nhìn biểu hiện của chú rể trong hôn lễ, anh ấy không hề vui vẻ và hạnh phúc, có lẽ do gia đình bắt ép rồi",
- "Nhìn cô dâu giống như đang mang thai, có lẽ cuộc hôn nhân này là ngoài ý muốn",
- "Nhiều tiền chắc gì đã hạnh phúc, nhiều tiền nhưng chắc gì tiền đã là của mình,
- "Mặt chú rể vừa lạnh lùng vừa hụt hẫng, đến cười cũng không cười nổi một cái",..
Hôn nhân muốn bền vững phải "môn đăng hộ đối"?
Nói đến "môn đăng hộ đối", người ta thường liên tưởng đến thời phong kiến xa xưa, khi mà hôn nhân coi trọng việc gia đình bên nam và bên nữ phải tương xứng nhau về giai cấp, tài sản, địa vị xã hội.
Đến hiện tại, tưởng như không còn quan niệm này, nhưng khi mà nam nữ bình đẳng, được tự do yêu nhau và kết hôn, một số người trong cuộc đã nhận ra rằng một cuộc hôn nhân bền vững, hòa hợp ít ra cũng có yếu tố cấu thành của "môn đăng hộ đối". Có đúng như vậy không?
Trong một cuộc khảo sát lớn mang tên "Khảo sát về các quan hệ và hôn nhân ở Trung Quốc" do các phương tiện truyền thông khắp nước này thực hiện, đã có 21.694 người độc thân Trung Quốc, độ tuổi từ 23-35 được hỏi trong khoảng thời gian 1 tháng khảo sát, trong số đó 2/3 là nữ.
Kết quả cho thấy những người độc thân này đang ngày càng quay về cách tiếp cận truyền thống với hôn nhân, từ chuyện thông qua mai mối cho đến cân đo xem đối tượng có "môn đăng hộ đối" với mình trên phương diện tiêu chuẩn xã hội hay không.
Ảnh minh họa
Các yếu tố kinh tế và xã hội ở Trung Quốc ngày nay (từ giá nhà leo thang chóng mặt, văn hóa thực dụng lên ngôi cho đến tình trạng mất cân bằng giới) đang ngày càng gia tăng sức ép về hôn nhân với nhiều đối tượng.
Chẳng hạn, thế hệ nam giới đầu tiên sinh ra dưới chính sách kế hoạch hóa "một con" giờ đã đến độ tuổi lập gia đình. Họ đang chịu sức ép ngày càng lớn từ các bậc phụ huynh muốn có con dâu, nhưng nữ giới cùng độ tuổi này lại ít ỏi hơn hẳn nam giới.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả mà cuộc khảo sát kết luận là thái độ đối với hôn nhân và hành trình hướng tới việc lập gia đình đang ngày càng hướng về các giá trị kiểu truyền thống.
Hơn 60% người độc thân được hỏi cho biết họ tin rằng "môn đăng hộ đối," tương xứng về kinh tế, xã hội là một yếu tố quan trọng trong việc tìm ý trung nhân. Nhóm này viện dẫn kinh nghiệm xã hội, nền tảng gia đình là có lợi cho một cuộc hôn nhân thành công.
Thái Khang Vĩnh – MC truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc trong chương trình "Khang Hy đến rồi" từng nói: "Môn đăng hộ đối theo quan điểm cá nhân tôi phải là sự cân bằng về trình độ văn hóa cũng như hoàn cảnh sống của hai con người. Hoàn cảnh sống không giống nhau sẽ có thế giới quan khác nhau. Nếu hai người có khoảng cách lớn giữa ba sự tương đồng, dù họ yêu nhau nhiều đến đâu, cuối cùng sẽ gặp rất nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống thực".
"Trong hôn nhân không chỉ có trăng sao, hoa lá trên trời mà còn là dầu, mắm muối của thực tế. Nếu bạn muốn nhìn thấy nhau trong những vấn đề tầm thường này, bạn phải chọn những người có giá trị tương tự như mình", Thái Khang Vĩnh nói.
Có thể nói rằng, môn đăng hộ đối không hẳn là quan niệm xấu. Nó là lăng kính để chọn lựa tình yêu, bỏ qua những tình yêu sét đánh, chớp nhoáng.
Nó hứa hẹn cân bằng không chỉ ở xuất phát điểm, kinh tế, văn hóa, đẳng cấp mà còn ở tính cách, nhu cầu giao tiếp… Sự xuất thân tương thích làm các cặp đôi dễ đồng điệu hơn trong việc nắm bắt được nhau.
Tuy nhiên, sự cân nhắc, tính toán chỉ nên nằm ở một mức độ nhất định, như hình thức bổ trợ, tìm kiếm bạn đời. Điều quan trọng nhất của một cuộc hôn nhân bền vững vẫn phải xuất phát từ tình yêu thương, bao dung và thấu hiểu của mỗi người dành cho nhau.