Có một thế hệ đã nghĩ khác

Mấy hôm nay mạng xã hội lại ồn ào sau vòng chung kết đường lên đỉnh Olympia, ý kiến về việc học ở đâu, học gì và sẽ cống hiến cho đất nước thế nào được tranh luận thêm một lần nữa, sau nhiều lần mạng đã tranh luận. Vậy thật ra nên nhìn thế nào về việc này cho gần với tâm lý các bạn trẻ?

Tôi gặp Hồng Hải, một sinh viên Việt Nam vừa từ bỏ giảng đường đại học để đứng bếp trong một nhà hàng, Hải không tiếp tục theo học ngành Cơ khí vì thấy không phù hợp dù đã theo đuổi ba năm. Ẩm thực mới là niềm yêu thích của cậu. Hải vừa đứng bếp vừa đi học ngành Nhà hàng khách sạn, mơ ước của cậu là tạo ra những món ăn mới, trên nền tảng của phong vị Việt Nam.

Hải hiện đang đứng bếp tại một nhà hàng nổi tiếng ở Pháp

Nhìn cậu trong bộ quần áo đầu bếp đứng giữa xoong nồi của một nhà hàng nổi tiếng ở Paris, không phải ai cũng thấy xứng đáng với số tiền mà cha mẹ cậu đã đầu tư cho ăn học. Từ nhỏ Hải đã được gia đình cho theo học trường Pháp tại Hà Nội và hy vọng rằng, cậu sẽ theo đuổi một công việc được xếp vào danh xưng của tầng lớp trí thức. Tuy nhiên, khi nhìn thấy ánh mắt lấp lánh vui sướng của cậu thì mới hiểu: Ước mơ cá nhân là điều đôi khi chỉ người trong cuộc mới thực sự thấu hiểu. Người ngoài chỉ nhìn thấy kết quả, còn họ thì mới biết rõ quá trình để dẫn đến niềm vui, có thể cả thành công.

Khác với Hồng Hải, San Yvin một thanh niên có dòng máu Pháp - Việt thì lại chọn theo đuổi nghề Đạo diễn điện ảnh trong khi gia đình đã trải thảm cho cậu ở ngành Nhà hàng. Bố mẹ San sở hữu hai nhà hàng Pháp nổi tiếng ở Hà nội, gia đình cậu đã có nhiều đời làm ngành dịch vụ và đều thành công. Từ bé, San đã cùng bố mẹ chăm chút cho nhà hàng của gia đình, cậu thích sáng tạo và nhiều hình ảnh của nhà hàng đều do cậu chụp và thiết kế. Ít ai nghĩ, việc mà San hỗ trợ bố mẹ lại trở thành niềm đam mê của cậu và khiến cậu rẽ sang một con đường khác.

Có một mẫu số chung của những bạn trẻ Việt Nam như Hải và San là khi quyết định rời xa con đường gia đình đã trải thảm để dấn thân vào một khúc ngoặt mới chông gai hơn là họ chấp nhận rủi ro. Rủi ro của Hải là có thể sẽ khó tìm được thành công trong một ngành nghề mà người thực hành thì nhiều, người thực sự thành công thì không dễ. Rủi ro của San là dù đến Mỹ - nơi được coi là kinh đô của điện ảnh thế giới để theo học tại một trong những trường nổi tiếng là NYU thì thành công – thậm chí là kiếm được một việc làm như ý cũng không hề dễ dàng.

Đại học New York nơi San theo học, hiện chỉ có hai sinh viên Việt Nam duy nhất theo đuổi ngành Làm phim. Từ nhiều năm nay người Việt chọn công việc này không nhiều, tất nhiên vì ai cũng biết tính rủi ro của nó thế nào. Để chọn theo học những ngành nghề sáng tạo, tính bản sắc văn hoá lại cao, chắc chắn phải có một độ đam mê và quyết tâm nhất định.

Tai sao Hải lại chọn làm đầu bếp sau một quãng nhầm lẫn ngành nghề? Ngoài niềm yêu thích thì một trong những ước mơ của cậu là tạo ra được một bản sắc mới cho những món ăn Việt. Nem hay phở, cuốn hay bún bò, thịt kho hay rau xào, nhưng món ăn Việt Nam dù đã được bán và phổ cập khắp nơi trên thế giới, thậm chí trở thành một trong những món ăn bị xoá nhoà biên giới, được gắn mác Trung Quốc, được sáng tạo thêm bởi người Nhật nhưng chưa bao giờ thực sự trở thành những món ăn được bày trên những bàn tiệc cao cấp, và ước mơ của Hải là làm cho sự giàu có về bản sắc ấy trở nên tinh tuý hơn, đậm chất Việt của ngày hôm nay, nghĩa là không chỉ ngon mà cho thấy bàn tay sáng tạo mới.

San Yvin thì khác, ngay từ nhỏ cậu đã xác định sẽ theo đuổi ngành Điện ảnh. Xin một máy ảnh, nhờ bố làm trợ lý, cậu lang thang các ngóc ngách của thành phố để ghi lại một Hà Nội khác với Hà Nội xa hoa mà cậu quen sống. Chọn Mỹ chứ không phải Pháp để theo học Điện ảnh, việc này đồng nghĩa với chấp nhận chi phí cao hơn nhưng cậu lý giải: “không phải tự nhiên mà Mỹ trở thành cường quốc về phim ảnh, nên phải biết và học để hiểu điều gì đã tạo nên việc ấy “.

Có một thế hệ đã nghĩ khác - 2

Ngay từ nhỏ,San Yvin đã xác định theo đuổi ngành Điện Ảnh

Những phim ngắn đầu tay của San được những người trong giới làm phim đánh giá cao, tác phẩm “Flystruck“ của cậu được chọn để giới thiệu trong hạng mục phim ngắn tại Liên hoan phim Cannes năm 2019. Để gọi là thành công thì còn quá sớm nhưng không thể không nhận thấy những quyết tâm của San đã bắt đầu cho thành quả.

Ra trường trong thời gian khó khăn bởi Covid 19,  San tiếp tục cặm cụi với công việc tìm kiếm những thông tin, hoàn tất cho một bộ hồ sơ để bắt tay vào dự án mà cậu coi là ước mơ: làm một tác phẩm kể về những gia đình người Hà Nội qua nhiều thế hệ với những thăng trầm lịch sử và gắn liền với cuộc đấu tranh nội tại để giữ lại bản sắc và truyền thống.

Việt Nam có cần những bạn trẻ này không? Có lẽ nên mừng vì bắt đầu có một thế hệ dám bước ra khỏi vùng an toàn, ra khỏi những công việc đã được gia đình chuẩn bị sẵn và xã hội coi là thước đo của sự thành đạt. Nghĩa của sự thành đạt đã được mở rộng bởi những bạn trẻ như thế. Sự chín chắn trong suy nghĩ, dám chấp nhận những thử thách phải chăng cũng là một sự trưởng thành, những viên gạch đầu tiên dẫn tới con đường để tiệm cận hạnh phúc.

Cũng ở thời điểm này, Paris xuất hiện một tiệm trà mang tên Nghệ thuật trà. Những cây trà Việt Nam đã được những bạn sinh viên trẻ mới ra trường mang đến để giới thiệu với người Pháp. Con đường chắc chắn còn chông gai nhưng làm gì những con đường bền vững được xây không bởi những giọt mồ hôi ?

Tôi hỏi San, hỏi Hải, hỏi nhiều bạn sinh viên đang mơ ước thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau tại nhiều phương trời thế giới rằng, họ có muốn mang sức trẻ ấy về quê nhà? Câu trả lời thường là một khoảng im lặng khá lâu. San bảo tôi: "Tác phẩm mà cháu mong ước được làm không thể không có quê mẹ trong ấy, cháu nghĩ ở đâu không quan trọng bằng sẽ làm gì, giống như cái cây, hoa không thể trổ nếu không có bộ rễ tốt. Rễ của cháu vẫn là những ký ức đã có".

Bước ra khỏi khái niệm an toàn của sự thành đạt được sắp đặt sẵn, hoặc sự bình yên ít khát vọng đồng nghĩa với ít rủi ro là một cách mà các bạn trẻ ngày hôm nay bắt đầu chọn. Điều này phải chăng là điều mà chúng ta trông đợi ở một thế hệ đã dám nghĩ khác, sống khác.