Từ biển trời xanh trong của vùng miền tây sơn cước cho đến sự lung linh của đô thị phồn hoa, tất cả đều được thể hiện một cách xuất thần qua những bức hình.
Tác phẩm Thác Bản Giốc của tác giả Nguyễn Tấn Tuấn (TP HCM) đạt giải nhất cuộc thi ảnh "Việt Nam nhìn từ trên cao lần 2 năm 2019: Tự hào biên cương". Đây là cuộc thi ảnh với nội dung phản ánh nét đẹp phong cảnh trên mọi miền Việt Nam qua góc nhìn từ trên cao, trong đó khuyến khích những bức ảnh ghi lại những cột mốc biên cương.
Anh Tuấn, tác giả đạt giải nhất cho biết, tấm ảnh trên được chụp vào ngày 1/12/2018, khi anh cùng các đồng nghiệp thực hiện hành trình hơn 2.000 km từ TP HCM đến Cao Bằng: "Trên đường đi trời mưa nhẹ, nhưng khi nhóm tới thác trời dần dần tạnh mưa, rồi nắng hửng lên tuyệt đẹp. Chúng tôi như vỡ òa khi nhìn dòng thác Bản Giốc vào mùa nước đổ đẹp như tranh vẽ, nổi bật giữa bốn bề đại ngàn xanh thẳm. Nhìn từ trên cao, từng dòng thác cuồn cuộn đổ xuống vang vọng cả núi rừng, tung bọt trắng xóa, thật kỳ vĩ và tráng lệ. Bản Giốc xứng đáng là thác nước đẹp nhất Việt Nam".
Bức ảnh đạt giải nhì có tên "Bình minh thành phố" của tác giả Giang Sơn Đông (TP HCM).
"Từ khi TP HCM có tòa nhà chọc trời Landmark 81 với độ cao 461,3m, nó trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho những tay máy đam mê chụp phong cảnh, nhất là với các góc chụp từ trên cao. Tôi cũng không phải ngoại lệ. Sau thời gian làm việc, tôi thường dành thời gian sáng sớm và chiều tối tới khu vực này để săn ảnh. Tôi thường chụp trung tâm Sài Gòn và nhiều nhất là với Landmark 81 nên thuộc hết các góc xung quanh tòa nhà, dù lúc bình minh, hoàng hôn hay sương đêm đều được ghi lại. Bức ảnh đạt giải được tôi chụp vào buổi sáng 19/6/2019, một ngày đẹp trời", tác giả chia sẻ.
Tấm ảnh "Lãng đãng sương giăng" của tác giả Trần Quang Anh (Lâm Đồng) đoạt giải 3. Tác giả kể lại, trong tháng 4 - 6, khoảng thời gian từ 4 đến 6h là lý tưởng để săn ảnh mùa sương mây Đà Lạt.
"Một trong những địa điểm tôi thường chụp là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt mờ ảo trong làn sương trôi ngang qua tựa như khung hình cổ tích. Khi đứng trên tầng 4 tòa tháp của trường, bạn có thể ngắm nhìn mặt hồ Xuân Hương tĩnh lặng, toàn cảnh trung tâm phố núi với những tòa nhà ẩn hiện trong sương và tận hưởng màu xanh trải dài bất tận của đồi Cù, đồi thông vi vút gió", anh Quang Anh nói.
Đồng giải 3 là bức ảnh "Huyền ảo Fansipan" của tác giả Trần Bảo Hòa (Bình Định).
"Tôi đến vùng núi rừng Sa Pa, Lào Cai vào những ngày đầu tháng 1/2019 với cái lạnh buốt và sương mây giăng kín che cả lối đi. Quần thể văn hóa tâm linh với bảo tháp Kim Sơn Bảo Thắng tự huyền ảo trong vạt nắng cuối ngày, cùng với làn mây bồng bềnh khiến tôi thấy như chạm tay vào cõi Phật. Lúc này, tôi mải mê sáng tác ảnh trong cái giá lạnh khoảng âm 2 độ C trong một tiếng đồng hồ. Bức ảnh đoạt giải cũng là lần bấm máy cuối cùng của tôi tại đây, trước khi tay tê cứng vì cái lạnh trên nóc nhà Đông Dương", anh Hòa chia sẻ.
Một tác phẩm khác được trao giải 3 với tên gọi "Trung du thức giấc" của tác giả Nguyễn Thị Hải Yến (Phú Thọ), chụp tại đồi chè Long Cốc. Những đồi chè ở huyện Tân Sơn, Phú Thọ còn được mệnh danh là "Vịnh Hạ Long vùng trung du", với địa hình mềm mại trên một không gian rộng lớn. Long Cốc cũng được đánh giá là một trong những đồi chè đẹp nhất Việt Nam.
Tác phẩm "Thu hoạch cói" của tác giả Nguyễn Sanh Quốc Huy (Đà Nẵng).
Ngoài giải nhất, tác giả Nguyễn Tấn Tuấn còn đoạt giải khuyến khích với tác phẩm "Theo đàn", chụp tại Tây Ninh.
Tác phẩm "Thu hoạch cói" của tác giả Nguyễn Sanh Quốc Huy (Đà Nẵng).
Bức ảnh đạt giải khuyến khích của tác giả Trần Bảo Hòa mang tên "Sắc màu Tà Pạ", chụp tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Tác phẩm "Luồng giao thông" của tác giả Hà Thanh Nga (Hà Nội) chụp ở Khu nhà giàn DK1-14 đạt giải khuyến khích.
Cuộc thi do Hội Nhiếp ảnh TP HCM (HOPA) và công ty Lịch Xuân Phương Nam cùng tổ chức. Cuộc thi thu hút gần 4.000 tác phẩm dự thi của 261 tác giả chuyên và không chuyên, đến từ 53 tỉnh thành trên cả nước. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Thạch Vân, Phó Chủ tịch Thường trực HOPA, trưởng BTC cho biết: "Cuộc thi mở ra một sân chơi mới cho thể loại ảnh này. Những nét đẹp của đất nước, đặc biệt là nét đẹp biên cương qua đó được ghi lại và sáng tác theo cách mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn".
Theo: VnExpress