Ông Trần Văn Tràng và bà Phạm Thị Liên ở Kim Tân, Kim Thành, Hải Dương lấy nhau và sinh được 5 người con thì ông mắc bệnh đau dạ dày cấp tính, tưởng không qua khỏi. Năm 1977, bà Liên đã phải bán nhà, lấy tiền chữa bệnh cho chồng.
Không thể sống nổi ở quê hương, cả gia đình phải rời Kim Thành đi về hướng Lạng Sơn. Dọc đường, họ vừa đi vừa xin ăn. Đến ga Bắc Ninh, thấy gia đình khổ sở, nhiều người gợi ý bà Liên cho bớt con đi làm con nuôi nhà khác. Bà Liên đã quyết định cho đi hai cậu con trai sinh đôi mà ông bà đặt tên là Thanh - Cảnh để lấy tiền chữa bệnh cho chồng.
Thanh được cho về một gia đình ở Bắc Giang, còn Cảnh ở Bắc Ninh. Người mẹ cẩn thận ghi lại địa chỉ để sau này còn tìm lại. Ngoài cho đi cặp sinh đôi, hai người con thứ hai và thứ năm cũng được gửi đi chăn trâu, làm thuê cho người ta kiếm cái ăn.
Cả nhà còn lại đi dần lên Lạng Sơn. Do không có giấy tờ, họ lang thang khắp nơi, làm thuê kiếm sống.
Trong ký ức của mình, anh Trần Văn Cảnh chỉ còn nhớ một buổi sáng mùa đông, khi tỉnh dậy cậu bé 5 tuổi òa khóc vì không thấy mẹ cha, anh em, mà là một người phụ nữ xa lạ. Khóc chán, cậu được cho ăn, tắm nước nóng và thay một bộ đồ mới. Từ đó Cảnh ở với bố mẹ nuôi tại Tiên Du, cách ga Bắc Ninh 12 km với cái tên mới là Đức.
Bố mẹ nuôi của Cảnh lấy nhau 11 năm không có con. Bố làm trong quân đội nên điều kiện kinh tế tốt, Cảnh được ăn no, mặc ấm và đi học. Điều bất ngờ là sau khi nhận con nuôi, bà mẹ bỗng nhiên sinh được một đứa con và liên tục 3 năm sinh liền ba em. Từ đó, cậu bé "nhỏ như con chim chích" phải thay mẹ chăm các em.
Năm Cảnh học lớp 11, một người phụ nữ đến nhận cậu là con đẻ. Cha mẹ nuôi đinh ninh đây là gia đình thật sự nên cho Cảnh đi theo người đó về sống tại Kim Môn, Kim Thành, Hải Dương.
"Tôi chỉ còn nhớ có anh trai, em gái, nhà có cây dừa và cái ao. Trùng hợp là nhà đến đón tôi có tất cả những điều này", anh Cảnh, nay 48 tuổi, kể.
Song về một thời gian, anh nghi ngờ mình không phải con họ. Người con của họ bị thất lạc trong rạp chiếu bóng, khác với Cảnh được cho làm con nuôi. Sống với gia đình này, ngày ngày Cảnh mò cua, bắt ốc trên con sông cạnh nhà. Nhà đông người mà họ đối xử với anh như người dưng.
Năm 26 tuổi, bố mẹ nuôi Cảnh nói: "Mày không phải con tao". Đến lúc này, chàng trai chẳng còn lý do nào để níu giữ nữa. Anh bỏ vào Nam.
"Đến nơi trong túi chỉ còn 20 nghìn, 10 tờ một nghìn và hai tờ năm nghìn. Nửa đêm tôi khóc nấc lên vì buồn tủi. Nếu có mẹ cha, anh em, tôi đã không phải bơ vơ đến vậy", giọng nghẹn ngào, anh kể.
Có một điều trớ trêu mà sau này Cảnh mới biết, gia đình thật sự của anh khi đó đang ở Kim Tân, Kim Thành, cách nhà bố mẹ "hờ" chỉ 8 cây số.
Chàng thanh niên mưu sinh bằng các nghề làm mộc và sơn. Ngày đi làm, đêm về thui thủi một mình suốt 8 năm. Tới năm 37 tuổi, anh nên duyên với một người phụ nữ quê Thái Bình. Từ lúc này cuộc đời anh mới bớt phần hiu quạnh.
Anh Cảnh và vợ trong chuyến đi Sapa giữa tháng 6/2020, sau cuộc đoàn tụ. Họ thăm 2 người em đang lập nghiệp tại đây.
Hiểu tâm sự của chồng, chị Nguyễn Thị Luyến, vợ anh đã động viên chồng tìm về nguồn cội. Song nỗi đau nhận nhầm một lần khiến Cảnh ngần ngại. Mãi đến năm 2007, anh mới viết thư lên chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) để nhờ giúp đỡ.
Sau khoảng chục năm ở Lạng Sơn, gia đình ông Tràng trở về quê cũ. Trong thời gian này họ vẫn giữ liên lạc với những gia đình nhận nuôi. Khi các con trưởng thành thì lần lượt tìm về với gia đình.
"Chỉ riêng Cảnh, ngày cho con đi tôi yên tâm vì có giấy tờ cam kết, địa chỉ đầy đủ. Nhưng năm sau quay lại thăm mới biết họ cho địa chỉ không đúng", bà Liên, 74 tuổi, chia sẻ.
Mỗi năm một lần, bà Liên quay về ga Bắc Ninh, đi hết từ xã này sang xã khác tìm Cảnh. Khi người con cả trưởng thành, anh thay cha mẹ đi tìm.
"Từ năm 17 tuổi đến khoảng năm 30 tuổi tôi tìm em rất nhiều. Nghĩ không biết em ở đâu, ốm đau ra sao, sống chết thế nào là lòng quặn thắt", anh Trần Văn Trường, 52 tuổi, bộc bạch.
Anh Trần Văn Thanh, người chia đôi giọt máu với Cảnh, chia sẻ thêm, từ năm 25 tuổi được bố mẹ nhận về, anh đã tham gia vào cuộc tìm kiếm.
"Cùng được cho làm con nuôi, tôi trải qua buồn tủi, chắc em cũng vậy. Nhiều lúc ốm đau, tôi nghĩ chắc đứa em của mình cũng ốm. Nhưng sao tôi được về với gia đình, mà em thì không được?".
Ngoài tự tìm, gia đình cũng gửi thư tới chương trình NCHCCCL, từ tháng 8/2007. Sau nhiều năm không có tin tức, gần đây chương trình liên tục gọi cho gia đình bà Liên xác minh thông tin. Riêng phía anh Cảnh, do bị mất điện thoại và chuyển về Thái Bình sinh sống nên những người làm chương trình không thể liên lạc được. Mãi gần đây họ mới kết nối được với anh.
Nhận được tin báo đã tìm được gia đình, anh Cảnh vui không thể ngủ. Nhưng vì đã một lần nhận nhầm nên lần này anh nhất quyết không tham gia ghi hình nếu không được xét nghiệm huyết thống. Thông lệ của chương trình, khi tất cả các dữ liệu đều khớp sẽ không làm ADN, nhưng vì thương anh Cảnh nên họ đã chiều theo nguyện vọng của anh. Kết quả, người con lưu lạc đã tìm được cha mẹ, anh chị em ruột của mình sau 43 năm.
Đầu tháng 6 vừa qua, vợ chồng anh Cảnh xuất phát từ Thái Bình, đại gia đình bà Liên lên đường từ Hải Dương, cùng bay vào Sài Gòn chuẩn bị cho ngày đoàn tụ. 43 năm bao điều để nói, nhưng lúc nhìn thấy nhau chỉ còn lại là những giọt nước mắt, nụ cười và cái ôm thật chặt.
Cuộc đoàn tụ đầy xúc động sau 43 năm xa cách.
Nhớ lại giây phút nhìn thấy một người giống hệt mình ở trường quay, anh Cảnh kể: "Tôi giật mình. Cảm xúc lúc đấy lâng lâng, sung sướng, tim đập loạn xạ. Nếu biết là có anh sinh đôi, tôi đã chẳng đòi làm ADN nữa".
Hơn một tháng sau ngày đoàn tụ anh Cảnh cười nhiều hơn cả 48 năm cuộc đời. Hầu hết thời gian qua, anh ở tại nhà bố mẹ ở Hải Dương và đi thăm các anh em đang sống ở Bắc Giang, Sapa.
Với người anh sinh đôi, Cảnh cũng thấy mối liên hệ mật thiết hơn những người thân khác. Họ ăn ý trong lối nói chuyện hài hước, chung sở thích ăn uống, thích được cùng tắm sông, ngủ chung và có trải nghiệm bị đau đầu, sổ mũi giống hệt nhau.
Hai anh em sinh đôi Trần Văn Thanh và Trần Văn Cảnh.
Trong suốt 13 năm phát sóng, chương trình NCHCCCL đã giúp nhiều gia đình đoàn tụ được với người thân bị thất lạc. Ngay tại tỉnh Hải Dương, năm 2019, chương trình đã giúp gia đình ông Trần Văn Duyên ở thị trấn Minh Tân (Kinh Môn) tìm được người con trai là Trần Văn Xuyên (SN 1977) bị thất lạc từ 30 năm trước.
Anh Xuyên bị lưu lạc vào ga Sài Gòn khi mới 12 tuổi. Sau khi bị lạc, anh Xuyên đành sống chui lủi nơi gầm cầu, vỉa hè, nhiều lần vào Trung tâm Bảo trợ xã hội ở huyện Hướng Quảng (Bình Phước). Sau đó, anh lại lang thang về quận 3 TP Hồ Chí Minh. 12 tuổi, không giấy tờ tùy thân, chật vật tìm kiếm việc làm, một số người dân thương tình chỉ cho anh làm thuê nhiều nghề. Cuối cùng, anh gắn bó với nghề nhặt ve chai hơn chục năm. Nhờ đức tính hiền lành, chịu khó, anh được một số người trong khu phố ở Sài Gòn liên hệ với chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của Đài Truyền hình Việt Nam tìm kiếm giúp.
Hai cha con ông Duyên và anh Xuyên hạnh phúc trong ngày đoàn tụ.
Chỉ sau 1 tháng, những thông tin anh Xuyên cung cấp đã được những người thực hiện chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” tìm hiểu và có kết quả. Khi nhận được thông tin của chương trình, anh Xuyên vui mừng đến bật khóc. Gia đình ông Duyên cũng vậy, mọi người trong nhà đều tập trung đông đủ, mong mỏi được gặp mặt, chung vui. Ngày 5/6 vừa qua, anh Xuyên trở về, hai cha con ôm chầm lấy nhau trong niềm hạnh phúc và những giọt nước mắt mừng tủi sau hơn 30 năm xa cách khiến những người chứng kiến không khỏi cầm lòng.