Đám cưới là một trong những ngày trọng đại nhất trong cuộc đời, do đó ai cũng muốn tổ chức thật hoành tráng, long trọng và lộng lẫy để ghi lại dấu ấn cho bản thân, gia đình và bạn bè.
Thông thường, càng những gia đình có điều kiện, đại gia, lại càng muốn tổ chức đám cưới thật "khủng". Thế nhưng tại Trung Quốc, có một gia đình đại gia giàu có nức tiếng nhưng lại tổ chức đám cưới vô cùng đơn sơ, thậm chí không bằng một gia đình bình thường, khiến ai nấy bất ngờ và bàn tán. Khi biết được lý do, tất cả đều vô cùng cảm động và khâm phục.
Đầu tháng 1/2020, đám cưới giữa chú rể Yan Xudong và cô dâu Zhang Qinfei đã diễn ra tại thị trấn Guanhaiwei, thuộc quận Từ Khê, thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Đây là một đám cưới nhận được sự quan tâm lớn của người dân trong vùng bởi cả cô dâu và chú rể đều xuất thân từ gia đình giàu có và quyền lực.
Theo đó, chú rể Yan Xudong là con trai duy nhất của ông Yan Jiguang - Giám đốc điều hành của công ty Cixi Laote Electric Equipment Co., Ltd. Công ty này có giá trị sản lượng hàng năm lên đến hơn 200 triệu nhân dân tệ (gần 684 tỷ đồng). Ông Yan Jiguang được coi là một đại gia tự thân khi tay trắng lập nghiệp, thành lập công ty sản xuất tủ lạnh trưng bày với hơn 30% thị phần ở châu Âu.
Bên cạnh việc có một người bố giàu có và được thừa kế khối tài sản lớn, chú rể Yan Xudong cũng là một đại gia đích thực. Từ năm 2015, anh đã tự thành lập công ty riêng và đến nay đã tạo ra doanh thu hàng năm từ 50 - 60 triệu USD (hơn 1,1 - gần 1,4 nghìn tỷ đồng).
Trong khi đó, cô dâu Zhang Qinfei cũng sinh trưởng trong một gia đình khá giả, bản thân là một cô gái xinh đẹp, ngoan ngoãn và tài năng. Cuộc hôn nhân của cặp đôi được xem là rất xứng đôi vừa lứa, môn đăng hộ đối.
Những tưởng với sự giàu có của 2 bên gia đình như thế, đám cưới của cặp đôi này sẽ cực "khủng" nhưng ngược lại, ai cũng bất ngờ khi 2 gia đình quyết định tổ chức đám cưới theo cách đơn giản và tiết kiệm chi phí nhất có thể.
Đám cưới của chú rể Yan Xudong và cô dâu Zhang Qinfei không hề được tổ chức tại khách sạn, nhà hàng mà được tiến hành ngay tại nhà. Không có sân khấu lộng lẫy, không có dàn phù dâu phù rể, không có bánh gato hay tháp rượu xếp tầng. Cô dâu mặc một chiếc váy cưới đơn giản có giá chưa đến 1.000 nhân dân tệ (chưa đến 3,4 triệu đồng), chú rể mặc một bộ vest cũ, ngay cả xe hoa đưa đón cô dâu cũng chỉ là ô tô thông thường.
Đám cưới được tổ chức trong vỏn vẹn 1h đồng hồ. Sau khi 2 gia đình phát biểu và cô dâu chú rể tiến hành các thủ tục, nghi lễ đám cưới truyền thống, tất cả khách quan ngồi vào bàn ăn. Tổng cộng chỉ có 4 mâm cỗ với khoảng 30 khách mời. Mọi người ngồi quây quần bên nhau, sau đó cô dâu chú rể đến cảm ơn từng người, không hề có thảm đỏ hay buổi lễ long trọng nào. Ngay cả trên mâm cỗ cũng không hề có sơn hào hải vị đắt đỏ, mỗi mâm cỗ chỉ khoảng 800 nhân dân tệ (hơn 2,7 triệu đồng) do đầu bếp nấu ngay tại nhà.
Những quan khách đến dự đám cưới này đều là người thân, bạn bè gần gũi nhất. Tuy nhiên có một điều đặc biệt là cô dâu chú rể không nhận bất cứ phong bì hay món quà nào từ khách mời. Tất cả chỉ là những lời chúc phúc và cảm ơn lẫn nhau. Mặc dù đơn giản nhưng mọi thứ cần thiết cho một đám cưới đều đầy đủ.
Có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy khó hiểu khi tại sao cô dâu chú rể giàu có mà lại tổ chức đám cưới giản dị đến vậy? Câu trả lời nằm ở bài phát biểu của 2 bên gia đình ở gần cuối đám cưới.
Thì ra, việc làm đám cưới đơn giản và tiết kiệm chi phí đều có lý do cả. Bố chú rể vốn xuất thân từ gia đình nghèo nên ông vô cùng trân trọng đồng tiền và sức lực của những người kiếm ra đồng tiền đó. Vì vậy, ông luôn dạy con trai không được sống lãng phí, xa hoa, dù giàu có vẫn phải biết trân trọng và luôn biết giúp đỡ những người xung quanh. Nghe lời bố, chú rể Yao Xudong đã dùng toàn bộ chi phí tổ chức đám cưới để quyên góp cho người dân nghèo trong vùng.
Ông Yan Jiguang, bố chú rể, phát biểu trong đám cưới: "Tôi và con trai đã có một thỏa thuận. Trong vòng 5 năm tới, công ty sẽ chuyển giao cho con trai, bao gồm cả trách nhiệm xã hội. 1,1 triệu nhân dân tệ (hơn 3,7 nghìn tỷ đồng) trong 5 năm tiếp theo sẽ cho phép con trai tôi tiếp tục làm từ thiện dưới danh nghĩa công ty". Ông luôn dặn con trai không được quên mục đích ban đầu.
Anh Yan Xudong cũng tiếp lời bố: "Con sẽ không quên trách nhiệm của mình. Sau này, con sẽ chăm sóc bố mẹ của cả 2 bên".
Sau đó, ông Yan Jiguang được phóng viên phỏng vấn, hỏi về việc có sợ con dâu và nhà gái tủi thân hay không, ông trả lời: "Ý tưởng này không phải ngày một ngày hai mà đã có từ hơn chục năm trước. Tôi thường nói đùa rằng ngày cưới của con trai không có gì quan trọng nhưng thực ra mọi người đều đồng tình với chuyện này".
Anh Yan Xudong cũng chia sẻ: "Tôi tôn trọng ý kiến của bố mẹ. Tôi đã làm công tác tư tưởng cho vợ trong hơn 2 năm yêu nhau và cô ấy hoàn toàn đồng ý".
Cuối đám cưới, chú rể và bố của mình đã cùng nhau ký vào bảng quyên góp, quyết định đem toàn bộ số tiền chi phí tổ chức đám cưới cho mục đích từ thiện ở 5 ngôi làng thuộc thị trấn Guanhaiwei. Mỗi ngôi làng sẽ nhận được số tiền khoảng 100.000 - 300.000 nhân dân tệ (hơn 340 triệu - hơn 1 tỷ đồng). Số tiền này chủ yếu dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong làng, mỗi người sẽ được trợ cấp 2-3 trăm nhân dân tệ mỗi tháng.
Cô dâu Zhang Qinfei cũng chia sẻ: "Mỗi mâm cỗ của chúng tôi có thể là khẩu phần ăn cả tháng của những gia đình nghèo. Tiết kiệm số tiền này sẽ giúp đỡ được nhiều người hơn và chúng trở nên ý nghĩa hơn".
Cho đến nay, ông Yan Jiguang đã quyên góp tổng cộng 2,6 triệu nhân dân tệ (hơn 8,8 nghìn tỷ đồng) dưới danh nghĩa công ty. Ngoài việc quyên góp tiền bạc và vật chất, trong những năm qua, ông còn tổ chức các đội tình nguyện trong công ty, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và thiện nguyện, được người dân trong vùng biết đến và vô cùng quý trọng.