Đề thi Văn oái oăm khiến học sinh cứ ngỡ nhầm sang đề thi Toán, nhưng bài làm của học sinh mới là thứ "bá đạo"

Đề thi Văn oái ăm khi bắt nêu cảm nghĩ về một định lý trong hình học. Thế nhưng học sinh lại có thể suy ra được cả những giá trị và khía cạnh trong cuộc sống mới thật "bá đạo".

Nếu nói học trò là "vựa muối" thì những người dạy dỗ lũ "nhất quỷ nhì ma" ấy chắc chắn phải là một "biển muối". Sau hàng loạt những pha "tạo nét" cực mạnh như mã đề "lầy lội", lời phê hài hước hay chèn thông điệp bí ẩn trong bài thi thì mới đây, cộng đồng mạng lại được thêm một phen ngã ngửa trước đề thi Văn oái oăm đến từ giáo viên.

Trong một bức ảnh được chia sẻ trên MXH, một câu hỏi đến từ phần tập làm văn có yêu cầu như sau: Hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói: "Trong một tam giác vuông, bình phương của cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông".

Ảnh 1: Đề thi Văn oái oăm - We25.vn

Liệu có phải đây là thiên tài Toán học nhưng cha mẹ bắt làm giáo viên dạy văn? (Ảnh: Trương Phan Minh Thảo‎)

Đối với học sinh từ lớp 7 trở lên, có lẽ ai cũng nhận ra đây là định lý vô cùng quen thuộc về tam giác vuông do nhà Toán học Pitago tìm ra và truyền lại. Thế nhưng rõ ràng là đang làm bài thi Văn lại yêu cầu nêu cảm nhận về định lý Toán thì không hiểu là do thầy giáo nhầm lẫn hay muốn ra tay thử thách học sinh một phen?

Đúng là đề thi Văn này có lạ lùng thật, nhưng nếu bạn cho rằng điều đó sẽ khiến lũ học sinh bó tay thì lầm to rồi! Sau khi được đăng tải lên MXH, hàng loạt các "thánh văn" giỏi Toán đã xuất đầu lộ diện để giải câu hỏi khó này.

Trong đó, một comment từ chính chủ nhân bức ảnh để lại đã khiến dân tình được phen “bái phục”. Điều này khẳng định, một khi giáo viên và học sinh đọ đồ lầy thì kết quả cũng một chín một mười chẳng hề kém cạnh nhau.

Ảnh 2: Đề thi Văn oái oăm - We25.vn

Nếu để đọ độ "lầy" giữa giáo viên và học sinh thì quả thực là một chín một mười. (Ảnh minh hoạ)

Sau đây là một số trích đoạn trong bài văn của cô học trò này: “Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, luôn có những đẳng thức không thay đổi như thế. Đó chính là những giá trị không đổi của cuộc sống mà chúng ta hướng tới. Ví dụ như trong Truyện Kiều, có một đẳng thức mà Nguyễn Du đã khẳng định 'Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài'. Dù ở xã hội nào đi nữa thì cả đức và tài đều cần thiết, nhưng tâm đức phải luôn được đề cao. Và cũng như đẳng thức không đổi được nói đến trong định lý Pitago trong tam giác vuông kia, dù cuộc sống đặt ta vào hoàn cảnh nào đi nữa, chúng ta hãy học cách tự cân bằng cuộc sống để mọi giá trị tốt đẹp không mất đi...”, chủ bài văn lấy cả "Truyện Kiều" ra để bày tỏ cảm nghĩ thì thật "tâm phục, khẩu phục".

“Khi bình phương của cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông thì tam giác ấy mới là tam giác vuông. Mỗi chúng ta sống và làm việc đều tồn tại các mối quan hệ song song, đó là mối quan hệ giữa bản thân mình với mọi người xung quanh và mối quan hệ chung với xã hội...”, cô bạn còn qua đó răn dạy mọi người về cuộc sống.

Dạng đề mở được các thầy cô giáo tích cực áp dụng nhiều ở chương trình Ngữ văn nhằm kích thích khả năng sáng tạo, tư duy độc lập của học sinh. Và với trường hợp đề thi Văn oái ăm như ở trên, chúng ta có thể thấy được sức sáng tạo của học sinh là vô hạn mà thậm chí người chấm còn chẳng bao giờ có thể hình dung được hết.

Theo Helino.vn

 Học trò khoe đề thi Toán ở Mỹ quá "dễ xơi" và cái kết "đừng coi thường học sinh Mỹ"