Đi làm nên chọn công việc bạn yêu thích hay công việc kiếm được nhiều tiền?

Công việc bạn yêu thích là ăn uống, vui chơi?

Khi lựa chọn công việc, bạn sẽ băn khoăn giữa một là lựa chọn công việc bạn yêu thích, hai là chọn công việc có tiền đồ phát triển sau này. Liệu có thể chọn công việc vừa yêu vừa có tiền đồ?

Thực tế cho thấy, đại đa số chúng ta đang làm những công việc vừa không kiếm được nhiều tiền lại vừa không phải là công việc mình thích. Nếu bạn tìm được việc tuy mình không thích nhưng có thể kiếm được nhiều tiền thì cũng như thể bạn đã gặp may mắn.

Tuy nhiên, số lượng công việc như vậy tương đối ít vì hầu hết chúng ta đều... ghét đi làm. Nếu không phải vì cơm áo gạo tiền, có lẽ chẳng ai muốn đi làm cả. Hàng ngày chỉ ăn, ngủ rồi đi du lịch mà vẫn có tiền đếm mỏi tay hẳn là điều đại đa số mọi người mơ ước.

Ảnh 1: Công việc bạn yêu thích

Tại sao không thể chọn một công việc bạn yêu thích mà lại kiếm ra được nhiều tiền? Nói về sở thích, hầu hết điều đầu tiên mà mọi người nghĩ đến ăn uống, vui chơi. Nhưng việc ăn uống, vui chơi của bạn có thể đem lại giá trị gì cho những người khác? Nếu không thì đó đơn thuần chỉ là sở thích của riêng bạn mà thôi.

Bạn muốn làm những công việc bạn yêu thích nhưng bạn phải biến sở thích của mình thành những sản phẩm để có thể đem ra trao đổi, mua bán. Mọi người sẽ trả tiền cho những sản phẩm đó, khi ấy thì bạn mới có thể kiếm được tiền và chi trả cho chi phí sinh hoạt, cho những sở thích của mình.

Sở thích, niềm cảm hứng của mỗi người không giống nhau nhưng công việc tốt vừa đáp ứng yêu cầu về sở thích, vừa cung cấp giá trị cho người khác theo quy tắc tôn trọng thị trường mới là công việc lý tưởng. Nếu bạn thích hát, bạn bè xung quanh nói rằng bạn hát rất hay thì bạn sẽ dự định phát triển con đường ca hát.

Nhưng khi bạn thực sự bước vào con đường ca sĩ, bạn sẽ phát hiện ra trình độ của bạn chỉ ở dưới đáy và ca sĩ không thịnh hành thì chẳng có giá trị nào cả. Vì vậy, để biết được sở trường của bạn có giá trị hay không thì còn phải xem người khác có sẵn lòng trả tiền cho sở trường đó không bởi giá trị được quyết định bởi thị trường, không phải là bạn thích là được. Nếu không ai sẵn sàng trả thù lao cho những gì bạn làm thì đó không thể coi là một công việc tốt.

Nếu bạn muốn mở một quán cà phê và phải đi vay tiền ngân hàng thì nhân viên ngân hàng sẽ hỏi bạn rằng, tại sao bạn muốn mở một quán cà phê? Bạn sẽ nói mình thích uống cà phê và luôn muốn có quán cà phê của riêng mình. Bạn nghĩ đây là một điều rất lãng mạn nhưng những lý do đó có lẽ sẽ khiến bạn không mượn được tiền.

Các ngân hàng đã thống kê và chỉ ra rằng, nếu các khoản vay là dành cho sở thích, đam mê... thì số tiền được vay sẽ bị lãng phí. Nếu bạn làm mọi thứ dựa trên thực tế ngoài thị trường thì sẽ dễ thành công hơn.

Ảnh 2: Công việc bạn yêu thích

Biến sở thích thành một công việc tốt

Vậy thì có thể biến sở thích trở thành công việc tốt hay không? Câu trả lời là có, nhưng bạn phải khổ luyện để biến sở thích này thành một kỹ năng tạo ra giá tr, hoặc một sản phẩm nào đó. Vậy nếu bạn biến sở thích của mình thành sản phẩm thì làm thế nào để đánh giá chất lượng của sản phẩm này?

Một sản phẩm tốt sẽ có một khởi đầu tốt, nghĩa là nó phù hợp với nhu cầu thị trường hay là được thị trường chào đón. Những thất bại có thể làm nên thành công lớn, nhưng thành công nhỏ cũng có thể phát triển thành thành công lớn. Chúng ta nên tin rằng "Thành công là mẹ của thành công".

Khi một chiếc điện thoại di động vừa được sản xuất với các lỗi như tính năng nhận tín hiệu yếu, thường bị rớt, ít chức năng, giá quá đắt, kích thước lớn, bất tiện khi mang và không phù hợp để trong những chiếc túi nhưng điện thoại di động lại thành công ngay từ ngày đầu tiên, hơn thế nhu cầu thị trường rất sôi động ngay từ đầu khiến nó vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ cho đến ngày hôm nay. Máy tính cũng phát triển theo quy luật này. Tốc độ vận hành của chiếc máy tính cá nhân ban đầu rất chậm, đắt tiền mà không thẩm mỹ và dễ gặp sự cố. Nhưng 2 sản phẩm nãy vẫn phát triển thành công cho đến ngày nay.

Ảnh 3: Công việc bạn yêu thích

Làm thế nào để phán đoán một việc nào đó có đáng làm hay không? Thứ nhất, hãy xác định việc đó có được trả tiền hay không. Thứ hai, hãy tự phán đoán xem việc đó có theo xu hướng thị trường hay không.

Trong quá trình khởi nghiệp, người ta thường thử làm một việc nhỏ nhất trước tiên. Sau đó, bạn tự phát hiện ra công việc này rất có tiềm năng và nhiều người muốn hợp tác. Bạn nhanh chóng đẩy mạnh đầu tư và cơ hội ngày một nhiều, bạn thu về một khoản lợi nhuận khổng lồ.

Do đó, để làm tốt một việc, chỉ dựa vào sở thích thôi vẫn chưa đủ mà còn cần phải mang lại giá trị cho người khác. Nếu bạn vẫn không biết sở thích của mình là gì thì hãy thử tìm kiếm xem.

Nếu hơi một chút là phàn nàn công việc hiện tại không tốt thì cũng không giúp cải thiện tình trạng công việc hiện tại mà chỉ làm tăng thêm phiền não cho bạn. Nếu bạn tự mình nhận thấy bản thân tài năng mà không nhận được đánh giá cao của người khác thì có lẽ điều đó chỉ là do cách nghĩ của bạn mà thôi./.

Theo Trí Thức Trẻ

 Cách chọn nghề nghiệp của người trẻ đến bao giờ mới bắt kịp thực tế đời sống?