Hễ cãi nhau chồng lại dọa đuổi vợ thì hẳn bất cứ người phụ nữ nào cũng sẽ thấy lòng tự trọng của mình bị tổn thương.
Mới đây, một người vợ trẻ đã vào nhóm riêng của hội chị em dốc bầu tâm sự: "Tư tưởng của chồng em ấu trĩ lắm, lúc nào cũng nhận đàn ông lo việc lớn, việc nhà cửa nội trợ đùn hết cho vợ.
Em ghét nhất chồng em ở cái tính ham tụ tập bia rượu. Một tháng tính ra không mấy ngày anh ấy không uống. Chán ra quán thì lại kéo bạn về nhà bắt vợ nấu nướng phục vụ. Chồng em coi đó là bổn phận, nghĩa vụ 1 người vợ phải làm. Ăn xong bạn bè anh nhấc mông về, có hôm say còn nôn ọe ra nhà chỉ mình em dọn còn chồng cơm no rượu say rồi thì lăn ra ngủ. Cũng vì việc này mà hai đứa cãi vã không biết bao nhiêu lần. Tuy nhiên dù nói thế nào chồng em cũng không bao giờ nhận sai. Thậm chí anh còn tuyên bố rằng làm vợ anh ấy em buộc phải chấp nhận còn không cứ việc giải tán".
Người vợ này kể, từ ngày kết hôn, chưa bao giờ cô có cảm giác được chồng chia sẻ những lo toan trong cuộc sống. Điều này khiến cô mệt mỏi, cuộc hôn nhân giống như 1 gánh nặng. Chồng cô lúc nào cũng bàng quan vô trách nhiệm. Anh chỉ cần biết đi làm về là vợ phải có cơm dẻo canh ngọt cho chồng. Anh ốm, cô phải cơm bưng nước rót phục vụ, thể hiện đúng vai trò trách nhiệm vợ hiền nhưng khi cô ốm anh lại để mặc vợ.
"Hôm cuối tuần vừa rồi em bị mệt, đầu óc choáng váng mà chồng vẫn bắt phải đi chợ làm mâm nhậu cho anh gọi bạn về. Mặc dù em đã nói ốm nhưng anh không hỏi han, một mực bắt vợ làm theo ý. Em ức chế bảo anh thích thì tự nấu nướng, không thì kéo nhau ra quán. Vậy là anh đỏ mặt thách thức: '1 là cô dậy đi chợ nấu nướng, 2 là cút ra khỏi nhà. Thằng này không chấp nhận loại vợ chồng nói cãi lời'.
Không nhịn như mọi khi nữa, em bật đầu dậy bế con, bắt xe về ngoại luôn. Anh thấy thế gọi sang cho bố mẹ em, mách luôn tội vợ còn cảnh báo rằng nếu ông bà không dạy nghiêm con gái thì anh cấm cửa không cho về.
Bố em nghe con rể nói, ông im lặng một lát rồi bảo em theo ông quay về nhà. Nhà ngoại cách chỗ vợ chồng em ở chỉ 4km, ngồi taxi 1 lúc là tới nơi.
Chồng em thấy bố vợ dẫn con gái về, mặt vênh lên đắc ý nghĩ chắc ông sợ con gái bị chồng bỏ mới vội vàng như thế. Ngờ đâu tới cửa, bố em lớn giọng bảo: 'Ngày trước bố gả con gái bố cho con là có cưới xin ăn hỏi đàng hoàng. Bố mẹ con sang nhà xin cưới, bố mới để nó về làm vợ anh. Vậy nên giờ muốn đuổi con gái bố, anh phải gọi bố mẹ anh sang đây nói chuyện lại với bố, khi đó bố sẽ đón nó về.
Nói rồi, ông quay sang bảo em: 'Còn con, lấy chồng không hạnh phúc, không được chồng yêu thương tôn trọng thì cứ mạnh dạn ly hôn về với bố mẹ. Lúc nào bố mẹ cũng rộng cửa chào đón con trở về. Có điều khi đã xác định ra đi thì cũng phải bước đi trong tư thế ngẩng cao đầu, không việc gì phải sụt sùi, khóc lóc như thế. Vào gấp sẵn đồ đi, đợi ông bà thông gia sang, bố nói chuyện rồi chúng ta về'.
Chồng em nghe bố vợ nói, mặt tái mét không đáp được câu nào. Ông giục anh gọi bố mẹ sang nói chuyện với ông mà anh không dám, đành lắp bắp nhận sai với bố vợ. Lúc đó bố em mới ngồi xuống nhẹ nhàng khuyên nhủ thêm 2 đứa. Từ ấy, chồng em không còn kiểu động tí đuổi vợ, càng tuyệt đối không dám gọi sang dọa nhà ngoại như trước".
Hôn nhân không tránh khỏi những lúc vợ chồng to tiếng xích mích. Tuy nhiên động mâu thuẫn hay không hài lòng mà lại quát mắng, xúc phạm đối phương thì lại là điều cấm kỵ. Bởi khi lòng tự trọng bị tổn thương thì dù có yêu tới mấy, tổ ấm của 2 người cũng khó có thể giữ vững được.