Giữa một xã hội cạnh tranh khốc liệt, rối loạn lo âu, trầm cảm trở thành từ khóa gắn liền với gen Z.
Trong nghiên cứu của GlobeScan thực hiện năm ngoái, thế hệ Z trên 31 quốc gia và vùng lãnh thổ nói rằng họ thường xuyên bị căng thẳng và lo lắng cao gấp đôi so với những người thuộc thế hệ trước.
Nhảy việc liên tục
Dù sở hữu bằng giỏi của trường đại học thuộc top đầu, một số người trẻ vẫn thất nghiệp. Một số khác thì dù có việc nhưng làm chưa được bao lâu thì chọn nhảy việc.
Chỉ trong sáu tháng, chị T.T.T.N (22 tuổi, TP.HCM) đã nhảy việc hai lần. Chị T.N luôn tự hỏi liệu rằng bản thân chưa đủ giỏi để có một công việc tốt, hay do kỳ vọng bản thân quá cao.
“Có thời gian mình suy sụp, đêm nào mình cũng trằn trọc, không ngủ được” - T.N nói.
Cũng trong tình trạng thất nghiệp, nhiều bạn trẻ thậm chí không trụ được ở TP.HCM, phải tạm gác lại ước mơ để về quê.
Chị T.T.T.A (22 tuổi, TP.HCM) tâm sự: “Hai tháng qua, mình đã gửi hơn 20 hồ sơ đến các doanh nghiệp nhưng chưa nhận được phản hồi.
Chị T.A căng thẳng trước áp lực tìm một công việc tốt.
Với những ràng buộc về kinh tế, gia đình, thất nghiệp là một nỗi sợ rất lớn. Áp lực đồng trang lứa, mình trở nên tự ti và mất niềm tin vào bản thân. Hy vọng mình sẽ tìm được một công việc phù hợp, đúng sở thích chứ không phải do túng quá”.
Hay bạn D.Q, một người trẻ hiện đang lao động tự do bày tỏ: "Ban đầu công việc livestream bán hàng trên Tiktok cũng mang lại cho mình kinh tế ổn định, nhưng sau đó vì áp lực đơn hàng, mình phải cày suốt, sức khỏe mình yếu hẳn đi. Suốt một thời gian mình trằn trọc, cảm thấy bất an kinh khủng vì thu nhập giảm thậm chí có tháng còn âm nữa. Mình muốn quay lại làm nhân viên văn phòng nhưng lần nào vào công ty làm được nửa chừng thấy bức bối mình lại xin nghỉ".
Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người trẻ cũng có lo lắng tương tự, dẫn đến hoang mang, mất định hướng.
“Vừa mới ra trường, sau gần một tháng tìm việc nhưng vẫn thất nghiệp, em hoang mang quá. Điều hoang mang hơn là em không biết mình phải làm gì, nên làm gì và định hướng gì cho mình ngay chính lúc này” - chia sẻ của tài khoản có tên là My Trần trong nhóm “Tâm sự gen Z” trên Facebook.
Năng lực tốt nhưng dễ chán nản
Ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, chuyên gia kinh tế và chia sẻ về khởi nghiệp, nhà sáng lập Học viện Kỹ năng VTALK, nhận định: "Gen Z là thế hệ sinh ra và lớn lên cùng internet. Nhờ đặc tính đó mà gen Z có hiểu biết về công nghệ rất tốt, giỏi nhiều kỹ năng, cập nhật xu hướng mau chóng khi chưa cần qua đào tạo. Đây là những lợi thế rất lớn trong kỷ nguyên số, AI và thị trường công nghệ toàn cầu như hiện nay.
Tuy nhiên, tại các quốc gia phát triển, tôi cho rằng gen Z sẽ là lực lượng chịu nhiều áp lực và cạnh tranh gay gắt với AI trong tương lai. Do gen Z mặc dù sở hữu khả năng đa nhiệm, cá tính mạnh nhưng cũng đang dần bộ lộ nhiều yếu điểm như sự tập trung thấp hơn, dễ bất ổn về mặt tâm lý, nhu cầu đãi ngộ mong muốn cao hơn năng lực thực tế, dễ bị tác động và dẫn dắt bởi nội dung độc hại…”.
Cũng theo ông Nam, tại Việt Nam, gen Z đa phần xuất thân ở các thành phố lớn, hoặc trong các gia đình có thói quen cho con sử dụng các thiết bị có kết nối internet từ nhỏ. Lực lượng này đang ngày càng gia tăng và sẽ dần trở thành lực lượng lao động quan trọng tại Việt Nam trong 10 năm tới, trở thành động lực khiến các doanh nghiệp phải thay đổi để trở nên phù hợp hơn với thực tế.
Đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì khả năng làm việc từ xa, sở hữu những ưu thế về sáng tạo nội dung, giải trí, hiểu công nghệ của gen Z sẽ còn nhiều tiềm năng phát triển.
Mặt khác, việc không ngại bộc lộ cá tính bản thân của gen Z sẽ góp phần giúp thị trường lao động Việt Nam tạo ra nhiều thay đổi tích cực trong việc xây dựng văn hóa làm việc văn minh, bình đẳng, năng động, đa dạng và phá cách tại nơi làm việc.
Ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, chuyên gia kinh tế và chia sẻ về khởi nghiệp chia sẻ trong một sự kiện. Ảnh: NVCC
Cũng theo ông Nam, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp trong quá trình làm việc với gen Z là các bạn dễ chán nản, mất động lực và chưa có cách bộc lộ cá tính riêng một cách hiệu quả.
Vì vậy, các doanh nghiệp nên học cách thích nghi dần với phong cách làm việc của thế hệ gen Z. Ngược lại, các bạn gen Z cũng nên rèn luyện nội lực bản thân nhiều hơn sao cho cân bằng với những đòi hỏi và nhu cầu nội lực cá nhân, tránh lối sống vị kỷ.
Trong Báo cáo “Xu hướng nhân tài Việt Nam - 10 năm nhìn lại” (thực hiện trong giai đoạn 2014-2023) của Anphabe - đơn vị tư vấn tiên phong về các giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng và môi trường làm việc hạnh phúc, đối tác chiến lược của hàng trăm doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và khu vực, thời gian gắn bó công việc của gen Z chỉ từ 1 - 2 năm, thấp hơn nhiều so với gen X (2.8 - 8.8 năm) và gen Y (1.8 - 4.4 năm).
Lý giải nguyên nhân gen Z trầm cảm vì công việc, Thạc sĩ tâm lý Võ Minh Thành, giảng viên Khoa Tâm lý học trường Đại học Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Thị trường đòi hỏi người lao động không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải có nhiều kỹ năng mềm, trong khi đó nhiều bạn trẻ chưa xác định được bản thân thật sự phù hợp với nghề nào, chưa tự đánh giá được bản thân, không biết điểm mạnh, điểm yếu của mình.
Từ đó, nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng lo âu, không có kế hoạch cụ thể. Càng lo âu thì lại càng hoang mang và mất phương hướng".
Thạc sĩ tâm lý Võ Minh Thành Ảnh: NVCC
Để bình ổn tâm lý cũng như chuẩn bị đầy đủ hành trang tìm việc, theo Thạc sĩ Võ Minh Thành, khi còn là sinh viên, các bạn nên tích cực trải nghiệm các hoạt động để khám phá bản thân, hiểu rõ đam mê, sở thích của mình là gì. Ước mơ mãi chỉ là mơ ước nếu các bạn trẻ không có mục tiêu, kế hoạch và hành động cụ thể.
Đồng thời, các bạn cần phải xác định yêu cầu của nghề nghiệp và chuẩn bị tất cả về chuyên môn, kỹ năng trong quá trình học, tăng cường tính kết nối với các thầy cô, sinh viên để được những hỗ trợ khi cần thiết. Sau cùng, các bạn cần giữ mình bình tĩnh, kiên trì để chọn lựa được công việc phù hợp với bản thân”.
Thuật ngữ gen Z xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2000 trên tờ Adage, sau này được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực marketing. Bằng việc phân chia khách hàng theo những nhóm nhân khẩu học khác nhau (gen Z, millennials, baby boomer), người nghiên cứu thị trường có thể nắm bắt tâm lý khách tốt hơn, từ đó giúp tạo ra sản phẩm mang tính cá nhân hóa.
Phần lớn các nội dung và kiến thức trên internet đến từ những marketer (người đem đến cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp) làm SEO, họ dùng quen thuật ngữ và nhân bản bài viết ra số lượng lớn, người dùng đọc nhiều lâu dần trở thành từ đại chúng dùng trong các ngành khác.