Giáo dục ngày càng phát triển nhưng Gen Z đang bị sa thải hàng loạt vì “không đạt yêu cầu cơ bản”: Vì đâu nên nỗi?

Theo khảo sát, 3 trên 4 nhà tuyển dụng nhận xét không tích cực về nhân viên Gen Z của mình.

Một cuộc khảo sát gần đây của Intelligent.com cho thấy ngày càng nhiều nhà tuyển dụng thất vọng vì Gen Z thiếu sự sẵn sàng trong công việc.

Nghiên cứu khảo sát 966 nhà lãnh đạo doanh nghiệp tham gia vào các quyết định tuyển dụng cho thấy khoảng 75% các công ty nhận thấy một số hoặc tất cả những sinh viên mới tốt nghiệp đại học thuộc Gen Z (độ tuổi 27 trở xuống) là những người lao động "không đạt yêu cầu".

6 trong số 10 công ty báo cáo rằng họ sa thải những người được tuyển dụng thuộc Gen Z do các vấn đề về hiệu suất. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chỉ ra rằng họ thiếu động lực (50%), thiếu chuyên nghiệp (46%) và kỹ năng giao tiếp kém (39%). Hơn nữa, 1 trong 7 công ty cho biết họ có thể sẽ không tuyển dụng những người mới tốt nghiệp đại học vào năm tới.

Nhiều nhà quản lý tuyển dụng thất vọng vì những người mới tốt nghiệp không thể đáp ứng được ngay cả những kỳ vọng cơ bản tại nơi làm việc.

1 trong 5 nhà quản lý tuyển dụng còn báo cáo rằng nhân viên Gen Z thường không quản lý được khối lượng công việc, đi làm muộn hoặc có hành vi thiếu chuyên nghiệp như sử dụng ngôn ngữ không phù hợp và trễ deadline.

Giáo dục ngày càng phát triển nhưng Gen Z đang bị sa thải hàng loạt vì “không đạt yêu cầu cơ bản”: Vì đâu nên nỗi?- Ảnh 1.

"Gen Z đang phải vật lộn để hòa nhập vào lực lượng lao động vì nhiều yếu tố", Michelle Enjoli, diễn giả và huấn luyện viên về sự nghiệp chia sẻ với Newsweek. "Gen Z là những người “du mục kỹ thuật số” với rất nhiều thông tin theo ý họ. Họ mong đợi mức độ minh bạch và kết nối trong giao tiếp mà các nhà lãnh đạo của họ thường không đáp ứng được".

Enjoli cũng tin rằng việc thiếu không gian phát triển nghề nghiệp khiến Gen Z cảm thấy không có động lực làm việc. "Gen Z muốn làm công việc mà họ cảm thấy có mục đích. Họ tìm kiếm một tầm nhìn mà họ tin tưởng, muốn cảm thấy được hòa nhập và truyền cảm hứng", cô nói thêm.

Một cuộc thăm dò khác từ tháng 6 cho thấy Gen Z là "thế hệ tệ nhất" để làm việc cùng. Cuộc khảo sát 1.500 người lớn ở Mỹ cho kết quả như sau: 40% cho biết Gen Z là thế hệ khó làm việc nhất, một quan điểm thậm chí được chính Gen Z chia sẻ.

Bất chấp những thách thức này, các chuyên gia như Huy Nguyen, cố vấn giáo dục và phát triển nghề nghiệp tại Intelligent.com, kêu gọi các doanh nghiệp không nên từ bỏ hoàn toàn Gen Z.

"Mặc dù những người lao động thuộc thế hệ Z có thể có kiến thức lý thuyết từ trường đại học, nhưng họ thường thiếu kinh nghiệm thực tế và các kỹ năng mềm cần thiết trong môi trường làm việc ngày nay", Nguyen cho biết. "Tuy nhiên, với sự hỗ trợ và đào tạo phù hợp, họ có thể trở thành tài sản có giá trị đối với người sử dụng lao động của họ".

Giáo dục ngày càng phát triển nhưng Gen Z đang bị sa thải hàng loạt vì “không đạt yêu cầu cơ bản”: Vì đâu nên nỗi?- Ảnh 2.

Trong khi 84% các công ty vẫn có kế hoạch tuyển dụng những người mới tốt nghiệp, Gen Z đã tạo dựng được danh tiếng không mấy tốt đẹp tại nơi làm việc với các báo cáo cho thấy họ muốn làm việc ít hơn, phá vỡ quy tắc của công ty và có nhiều khả năng nghỉ việc.

Tình trạng thất nghiệp ở thế hệ trẻ đang trở thành một vấn đề lớn và Nguyen đề xuất rằng các công ty có trách nhiệm chuẩn bị và hướng dẫn tốt hơn cho những người mới tốt nghiệp, triển khai các quy trình tuyển dụng rõ ràng và cung cấp hướng dẫn thông qua các chương trình cố vấn.

Mặc dù có tiếng xấu tại nơi làm việc, Gen Z cũng đang thay đổi môi trường làm việc theo hướng tốt hơn. Thế hệ này đang mang đến lập trường mới về sự đa dạng, bình đẳng và hòa nhập; kiến thức về công nghệ và nhu cầu cân bằng hơn giữa công việc và cuộc sống.

Nguồn: Newsweek