"Hãy là chính mình" - Lời khuyên sai lầm trong công việc và sự nghiệp

Con người thật của bạn là người mà có lẽ 4 - 5 người trên thế giới đã học cách yêu thương hoặc ít nhất là bao dung và chắc chắn không bao gồm sếp của bạn.

“Hãy là chính mình” là một trong số các lời khuyên phổ biến để thúc đẩy sự hạnh phúc và thành công của chúng ta. Những lời khuyên tương tự như “Hãy giải phóng con người thật trong bạn” và “Đừng lo lắng về những gì người khác nghĩ về bạn”, “Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể thành công, bạn sẽ làm được”...

Chỉ cần nhìn Elon Musk và Donald Trump, những người phát ngôn rất thẳng thắn trên Twitter, hãy xem họ đã thành công như thế nào! Tương tự, Steve Jobs và Rupert Murdoch không bao giờ quan tâm quá nhiều đến những gì người khác nghĩ về họ. Và Kanye West, Kim Kardashian, Madonna, Jordan Peterson và Eva Peron đều đạt được danh hiệu to lớn - là biểu tượng văn hóa - nhờ việc không ngần ngại đưa tên tuổi và phong cách độc đáo của họ trở nên rộng rãi. Ngoài họ ra còn có Mohammed Ali, Serena Williams, Pablo Picasso, Ernest Hemingway, Friedrich Nietzsche, Miles Davis, Diego Maradona hoặc Nina Simone hoặc có lẽ là Nelson Mandela...

Không thể chối cãi khi danh sách những người thành đạt phi thường ở trên chính là nền tảng cho câu nói “hãy cứ là chính mình”. Xét cho cùng, họ nổi bật không chỉ vì tài năng mà còn vì tính cách tuyệt vời và khác biệt. Và một phần lớn trong số đó là danh tiếng của họ về sự chân thành, bất chấp và tự do, ngay cả khi điều đó khiến họ gặp rắc rối. Chúng ta cũng hãy đồng ý rằng, một đặc điểm chung khác của tất cả họ là khả năng kết hợp tài năng với hiệu suất làm việc liên tục hơn cả việc chỉ là chính bản thân họ.

Hãy dừng lại và tự hỏi, khi ai đó nói “Hãy cứ là chính mình”, ý của điều đó là gì? Cố gắng trở thành một người khác trong một thời gian, nhưng bằng cách nào đó luôn thức dậy và đi ngủ với tư cách là bản thân mình. Bạn có thể cực kỳ giỏi trong việc sống là chính mình, nhưng cảm thấy mình không thực sự một mình ở đây. Có điều gì một người có thể làm mà được cho là do người khác thay vì chính họ? Ngay cả những người tin vào thuyết định mệnh và phủ nhận sự tồn tại của ý chí tự do cũng sẽ đấu tranh để tìm ra tác nhân khác cho hành vi của ai đó hơn chính mình.

Tuy nhiên, có một cách giải thích ít mang tính triết học và siêu hình hơn về câu thần chú “Hãy cứ là chính mình”, ám chỉ đến việc giảm bớt những ức chế xã hội của một người để hành xử theo cách không bị tiết chế, tự nhiên và tự phát.

Khi đó, bạn có thể nói bất cứ điều gì bạn nghĩ, thể hiện bất cứ điều gì bạn cảm thấy hoặc làm bất cứ điều gì thôi thúc bạn. Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn đang tham gia một cuộc họp kinh doanh hoặc khách hàng, sếp yêu cầu bạn phản hồi về ý tưởng của đối tác trước mặt họ. Do bạn nghĩ ý tưởng đó là ngu ngốc - và nhìn chung thì sếp của bạn khá kém cỏi - tại sao bạn phải giả vờ? Chỉ cần nói ra, hãy cứ là chính mình và bày tỏ quan điểm của mình theo cách trung thực nhất có thể mà không cần bận tâm đến người khác.

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều một lần có thể mơ tưởng đến kịch bản này hoặc tương tự, tuy nhiên chúng ta (hy vọng rằng) đều nhận thức khá rõ về những hậu quả có thể xảy ra nếu chúng ta làm điều mình đang nghĩ trong đầu. Có lẽ bạn thấy ví dụ này hơi cực đoan hoặc phi thực tế, nhưng nó hoàn toàn có thể xảy ra khi một ứng viên trẻ thiếu kinh nghiệm đến phỏng vấn xin việc với suy nghĩ rằng, tất cả những gì họ cần làm là “chỉ là chính mình”, do họ ngây thơ nghĩ nhà tuyển dụng thuê họ chỉ vì họ là chính bản thân mình.

Hãy tưởng tượng một vài câu hỏi trong cuộc phỏng vấn, nếu ứng viên trẻ của chúng ta răm rắp nghe theo câu thần chú “Hãy là chính mình”:

Q: Bạn có thích làm việc với người khác không?

A: Còn tùy. Tôi thích làm việc với 5 - 10% số đồng nghiệp. Còn lại, tôi phải nỗ lực và tôi không thích làm việc với khá nhiều người.

Q: Tại sao bạn muốn làm việc cho chúng tôi?

A: Tôi không thực sự “muốn”, nhưng tôi cần một công việc. Nếu tôi có thể chọn, công ty anh/chị sẽ ở cuối danh sách các lựa chọn thay thế hiện tại của tôi và tôi thực sự không có nhiều thời gian để tìm hiểu xem công ty này thực sự đang làm gì. Tuy nhiên, tôi cần tiền và nếu các lựa chọn khác không thành công, tôi sẽ chấp nhận bất kỳ lời đề nghị nào mà phía bạn đưa ra. Tôi sẽ cố gắng làm việc cho đến khi tôi tìm được công việc nào đó tốt hơn.

Q: Bạn thấy mình ở đâu trong 5 năm nữa?

A: Tôi không nghĩ sâu xa đến vậy đâu. Tôi muốn làm việc ít mà vẫn kiếm được nhiều tiền và thậm chí có thể tìm cách kiếm tiền trong khi ngủ, tốt nhất là theo cách hợp pháp và an toàn, dĩ nhiên tôi không cần phải làm việc quá nhiều. Tôi muốn trở thành một ông chủ và có một công việc với mức lương hậu hĩnh, có danh tiếng và mang lại cho tôi sự ổn định, ngay cả khi thực tế tôi không làm được nhiều việc cho lắm.

Q: Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?

A: Tôi ghét những câu hỏi ngu ngốc, như câu bạn vừa hỏi.

Nhìn chung, ứng viên này chắc chắn sẽ không được nhận mặc dù người này đã trả lời khá đúng, hơn tất cả các ứng viên khác về sự trung thực và chân thành. Giống như cuộc phỏng vấn này, cuộc sống không phải là nơi để ta có thể nói hết suy nghĩ của mình, mà là cơ hội để cân bằng giữa những gì ta muốn thể hiện và những gì người khác muốn được nhìn thấy.

Bạn càng có nhiều kỹ năng giao tiếp, dễ mến, lôi cuốn và hấp dẫn một cách tự nhiên thì bạn càng dễ dàng tránh xa những hành vi và lời nói tùy tiện, bộc phát. Nguyên nhân chủ yếu do địa vị. Nếu bạn thuộc nhóm có địa vị cao, quyền lực, bạn sẽ có thể “là chính mình”. Đó là lý do những hành vi thô lỗ, chống đối xã hội, thành kiến... thường tồn tại ở những cá nhân có địa vị cao.

Nền văn minh của con người là kết quả của việc cải thiện khả năng chế ngự “con người đích thực” của chúng ta và không cần phải sống một cuộc sống gian dối hoặc vô nghĩa, hoặc coi thường các nguyên tắc đạo đức của chúng ta để có được phiên bản văn minh và đáng quý nhất của chính chúng ta. Tại sao lại “phải là chính mình” khi chúng ta có quyền lựa chọn cố gắng trở thành “phiên bản tốt nhất của chính mình”?

Con người thật của bạn là người mà có lẽ 4 - 5 người trên thế giới đã học cách yêu thương hoặc ít nhất là bao dung và chắc chắn không bao gồm sếp của bạn.

Theo Forbes