Sơ yếu lý lịch học sinh, sinh viên là gì?
Sơ yếu lý lịch học sinh, sinh viên là bản kê khai chi tiết các thông tin của học sinh, sinh viên khi tiến hành làm thủ tục nhập học vào trường THCS, THPT hoặc các trường đại học, cao đẳng.
Sơ yếu lý lịch học sinh, sinh viên là một trong những giấy tờ quan trọng, không thể thiếu trong khi thí sinh trúng tuyển làm hồ sơ nhập học để chuẩn bị thủ tục nhập học vào các trường đại học, cao đẳng.
Thí sinh có thể mua túi hồ sơ học sinh, sinh viên bên trong có bản sơ yếu lý lịch học sinh, sinh viên tại các cửa hàng văn phòng phẩm với giá khoảng 3.000 đồng/túi hồ sơ.
Hướng dẫn chi tiết viết sơ yếu lý lịch học sinh, sinh viên
Trong bản sơ yếu lý lịch học sinh, sinh viên có rất nhiều thông tin thí sinh cần bổ sung đầy đủ và chính xác. Tuy nhiên có nhiều thí sinh vẫn viết nhầm các thông tin.
Các thông tin trong sơ yếu lý lịch cần phải viết rõ ràng, chính xác, đầy đủ và không được tẩy xóa. Do đó, thí sinh nên viết trước các thông tin ra giấy nháp, khi đúng thì mới ghi vào sơ yếu lý lịch.
Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách viết sơ yếu lý lịch học sinh, sinh viên cho các thí sinh trúng tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp năm 2019:
Trang 1: Lý lịch học sinh, sinh viên
Trong trang 1 của sơ yếu lý lịch học sinh, sinh viên thí sinh điền khái quát các thông tin của bản thân.
- “HỌ VÀ TÊN”: Thí sinh viết in hoa có dấu.
- “Ngày tháng năm sinh”: Viết ngày tháng năm sinh của mình.
VD: 01/01/2001 hoặc 01-01-2001.
- “Hộ khẩu thường trú”: Ghi theo địa chỉ trên sổ hộ khẩu của gia đình.
- “Khi cần báo tin cho ai? ở đâu?”: Ghi tên bố (hoặc mẹ, người thân) kèm theo địa chỉ và số điện thoại.
- “Điện thoại liên hệ”: Ghi số điện thoại của bản thân hoặc của gia đình.
Trang 2: Phần bản thân học sinh, sinh viên
Ở trang 2 của sơ yếu lý lịch học sinh sinh viên, thí sinh sẽ trình bày chi tiết hơn các thông tin cá nhân của mình. Đây cũng là phần dễ viết nhầm, viết sai nhất nên thí sinh cần cẩn thận.
- “Ảnh 4x6”: Thí sinh dán ảnh thẻ của mình có kích thước 4x6. Trong ảnh, thí sinh phải mặc áo trắng trên nền phông xanh. Điều này giúp khi đóng dấu ráp lai lên ảnh sẽ rõ nét, không bị nhòe.
Ảnh chân dung này phải được chụp mới trong vòng 3 tháng.
Sau khi hoàn thiện, thí sinh xin xác nhận dấu ráp lai tại UBND xã, phường nơi có hộ khẩu thường trú.
- “Họ và tên”: Thí sinh viết in hoa có dấu (giống trang 1).
- “Ngày tháng và năm sinh”: Thí sinh chỉ ghi 2 số cuối của ngày tháng và năm sinh lần lượt vào 6 ô.
- “Dân tộc”: Dân tộc Kinh thì điền 1 vào ô trống, dân tộc khác điền 0.
- “Tôn giáo”: Thí sinh thuộc tôn giáo nào thì ghi tôn giáo đó, không thuộc tôn giáo nào thì ghi “Không”. Thí sinh không được phép để trống thông tin này.
- “Thành phần xuất thân”: Nếu là công nhân viên chức ghi 1, nông dân ghi 2, Khác ghi 3 vào ô trống bên cạnh.
- “Đối tượng dự thi”: Thí sinh ghi giống trong giấy báo dự thi, thuộc đối tượng nào thì điền đối tượng đó. Nếu không thuộc đối tượng ưu tiên thì để trống.
- “Ký hiệu trường”: Thí sinh viết mã trường đại học, cao đẳng chuẩn bị nhập học vào 3 ô trống bên cạnh.
VD: Đại học Ngoại thương thì điền vào ô trống "NTH".
- “Số báo danh”: Là số báo danh của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc 2019.
- “Kết quả học lớp cuối cấp ở THPT, THBT, THN, TCCN”:
Thí sinh trình bày thông tin kết quả học tập lớp 12 của mình. Trong đó, bạn phải ghi rõ xếp loại học tập và xếp loại hạnh kiểm của mình. Đối với phần yêu cầu ghi xếp loại tốt nghiệp thì bạn bỏ trống.
- “Ngày vào Đoàn TNCSHCM”: Ghi theo sổ đoàn của mình.
- “Ngày vào Đảng CSVN”: Thí sinh đã kết nạp Đảng thì ghi theo sổ Đảng viên của mình, nếu chưa thì để trống.
- “Khen thưởng, kỷ luật”: Ghi thông tin được khen thưởng của mình, nếu không có ghi “Không”.
- “Giới tính”: Thí sinh nam điền 0, nữ điền 1.
- “Hộ khẩu thường trú”: Ghi chính xác địa chỉ như ở sổ hộ khẩu gia đình của mình. Trong đó ghi rõ số nhà, thôn, xóm, xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố (chi tiết hơn ở trang 1).
- “Thuộc khu vực tuyển sinh nào”: Thí sinh thuộc khu vực nào điền khu vực đó, giống giấy báo dự thi: 1; 2; 2NT, 3.
- “Ngành học”: Ngành mà thí sinh đỗ vào trường, trong đó bạn cần phải viết rõ tên ngành ra và điền mã ngành vào 3 ô trống ở bên cạnh.
- “Điểm thi tuyển sinh”:
Trong đó “Tổng điểm” là điểm 3 môn thuộc tổ hợp trúng tuyển, không nhân hệ số.
- “Điểm thưởng”: Là tổng tất cả các điểm cộng của thí sinh bao gồm: Điểm ưu tiên theo Khu vực/Đối tượng + Điểm ưu tiên xét tuyển (diện HSG, KHKT QG và Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế).
Thí sinh có thể bỏ qua nếu không có điểm thưởng.
- “Lý do để được tuyển thẳng và được thưởng điểm”: Nếu có thì ghi rõ lý do, không thi bỏ qua
- “Năm tốt nghiệp”: Thí sinh ghi 2 số cuối của năm tốt nghiệp THPT vào 2 ô.
VD: Tốt nghiệp THPT năm 2019 thì điền 19.
- “Số chứng minh thư nhân dân”: Điền đúng số thẻ CMND.
- “Số thẻ HS, SV”: Nếu thí sinh không có số thẻ học sinh ở THPT thì có thể bỏ trống.
- “Tóm tắt quá trình học tập, công tác và lao động”: Ghi rõ thời gian học tiểu học, trung học cơ sở, THPT.
Trang 3 và 4: Thành phần gia đình
Trang 3 và trang 4 của sơ yếu lý lịch học sinh sinh viên là phần kê khai thông tin về gia đình của thí sinh. Phần cuối của trang 4 là cam đoan của gia đình, thí sinh và xác nhận của chính quyền địa phương.
- “Cha”:
“Họ và tên”: viết in hoa có dấu hoặc in thường có dấu đều được.
VD: NGUYỄN VĂN A hoặc Nguyễn Văn A.
“Quốc tịch”, “Dân tộc”, “Tôn giáo”, “Hộ khẩu thường trú”: ghi theo thông tin chính xác của cha.
“Hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội”: Ghi rõ thời gian, địa điểm, nếu không có bỏ qua.
- “Mẹ”:
Thí sinh ghi tương tự những thông tin như của cha.
- “Vợ hoặc chồng”: Thí sinh nếu có thì ghi vào, không có thì bỏ trống.
- “Họ và tên anh chị em ruột”: Ghi rõ thông tin họ và tên anh trai, chị gái, em trai, em gái (nếu có) đang làm gì và ở đâu.
- “Cam đoan của gia đình về lời khai của học sinh, sinh viên”: Thí sinh xin chữ ký của phụ huynh bố hoặc mẹ để xác nhận.
- “Học sinh, sinh viên ký tên”: Thí sinh kí và ghi rõ họ và tên của mình vào góc bên phải. Phía trên thí sinh ghi ngày-tháng-năm kê khai sơ yếu lý lịch học sinh, sinh viên.
- “Xác nhận thông tin của chính quyền xã, phường nơi học sinh, sinh viên cư trú”: Sau khi điền đầy đủ các thông tin, thí sinh cần đến chính quyền địa phương xã, phường đang cư trú để xác nhận thông tin bằng cách ghi rõ họ tên, ký và đóng dấu.
Sau khi hoàn thiện đầy đủ và đúng các thông tin này, bản sơ yếu lý lịch học sinh, sinh viên của thí sinh mới đúng chuẩn để bổ sung vào hồ sơ nhập học vào các trường đại học, cao đẳng.