Đang nằm hồi phục ngày thứ 5 sau ca mổ ruột thừa, bệnh nhân bất ngờ đau bụng, chuyển dạ sinh non. Trớ trêu là bệnh viện không có khoa Sản nên bác sĩ trưởng khoa Ngoại tổng hợp đã ‘bất đắc dĩ’ vào vai ‘ông mụ’.
BS.CK2 La Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ (bên trái) cùng các điều dưỡng vào vai “ông mụ” bất đắc dĩ – Ảnh: Đình Tuyển
Sáng 2.8, BS.CK2 La Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ, cho biết sáng sớm nay, khi đang chợp mắt sau một đêm trực mổ gần tới sáng thì ông nhận được cú điện thoại của điều dưỡng trực có bệnh nhân chuyển dạ sinh trên khoa.
Bệnh nhân mổ ruột thừa bất ngờ chuyển dạ
Sản phụ là Ph.T.N.L (ngụ Trà Ôn, Vĩnh Long) đang mang thai 27 tuần con so, bệnh nhân đã nằm hậu phẫu ngày thứ 5 cắt ruột thừa qua nội soi do viêm ruột thừa biến chứng viêm phúc mạc khu trú. Dự kiến bệnh nhân sẽ xuất viện vào chiều nay thì bất ngờ xảy ra tình huống hy hữu trên.
“Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ không có khoa Sản nên các điều dưỡng chưa biết xử lý thế nào. Tôi khoác vội áo blouse, tức tốc chạy ra phòng bệnh nơi có tiếng la thét của một phụ nữ. Lúc ấy, sản phụ nằm trên giường bệnh đau quằn quại, gồng mình, la hét. Tôi hướng dẫn sản phụ nằm ngay ngắn, hít thở đều và ráng chịu đau để tôi kiểm tra xem sao”, BS Phú cho biết.
Theo lời người nhà bệnh nhân, sáng sớm, sản phụ đau bụng vào nhà vệ sinh ngồi hơn một tiếng đồng hồ. Đến
khoảng 6 giờ nghe tiếng bệnh nhân la thét trong nhà vệ sinh, người nhà và một số người nuôi bệnh mở cửa xông vào kè lên giường bệnh rồi báo điều dưỡng trực.
Bác sĩ trưởng khoa Ngoại tổng hợp đỡ đẻ
“Khi thấy đầu em bé thập thò ở âm hộ tôi hơi bị giật mình. Tình huống quá bất ngờ này buộc tôi phải xử lý cấp tốc, không có nhiều thời gian suy nghĩ hay hỏi ý kiến ai. Trước hết làm sao cho thai ra mà an toàn cho người mẹ, tôi cũng không biết thai 27 tuần tuổi đẻ ra có thể sống được không, và bằng cách nào?”, BS Phú kể.
Ngay sau đó, BS Phú đã nhờ người gọi điện sang Bệnh viện phụ sản TP.Cần Thơ qua hỗ trợ. Kế đến, bảo các điều dưỡng lập đường truyền dịch, chuẩn bị bộ tiểu phẫu và thuốc tê.
Sau ca cấp cứu hy hữu, cả khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ thở phào nhẹ nhõm – Ảnh: Đình Tuyển
“Thú thật lúc sinh viên năm thứ 5 và thứ 6 tôi đi chuyên về ngoại sản nên đã đỡ đẻ khá nhiều. Nhưng từ khi tốt nghiệp bác sĩ đi làm đến nay đã hơn 25 năm chỉ biết mổ xẻ chứ không đỡ đẻ lần nào. Tôi cố gắng nhớ lại hết tất cả những kiến thức, các bước đỡ đẻ sanh thường mà tôi học được thời sinh viên. Tôi tự hỏi, thai nhỏ như vậy có cần cắt tầng sinh môn hay không? Chờ khoảng 10 phút không thấy tiến triển thêm. Vì con so nên âm hộ hơi nhỏ, tôi tiến hành cắt tầng sinh môn, cùng ê kíp hướng dẫn thai phụ hít thở đều, rặn mạnh… sổ đầu, sổ vai và khoảng 5 phút em bé chào đời. Kẹp cắt dây rốn và hồi sức, 2 phút sau em bé cất tiếng khóc chào đời”, BS Phú cho biết.
Tiếng khóc ré của em bé hòa cùng tiếng vỗ tay và tiếng thở phào của bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ. Ngay sau đó, em bé đã được cho quấn khăn quấn ủ ấm rồi tức tốc chuyển qua Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ.
Vài phút sau đó, ê kíp bác sĩ và nữ hộ sinh của Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ qua tới đã kịp thời ứng cứu và xử trí công đoạn tiếp theo như sổ nhau, kiểm tra buồng tử cung, khâu tầng sinh môn.
Hiện theo thông tin từ Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ, sức khỏe sản phụ đã ổn, tỉnh táo; bé trai, nặng 1,3 kg, đang được cho thở NCPAP và theo dõi sát sao.
Theo: Thanhnien