Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng vừa ký và ban hành Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL về tăng cường quản lý Nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch.
Trước thực trạng các cuộc thi người đẹp, người mẫu được tổ chức với số lượng lớn, có dấu hiệu lệch chuẩn, Chỉ thị đề cập đến việc tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Theo đó, Bộ chú trọng việc tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ được phân cấp theo quy định của pháp luật trong chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi người đẹp, người mẫu.
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL yêu cầu, thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ về hoạt động nghệ thuật biểu diễn và các quy định pháp luật có liên quan. Đồng thời chú trọng việc tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ được phân cấp theo quy định của pháp luật trong chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi người đẹp, người mẫu;
Bên cạnh đó là kiểm tra, theo dõi việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu diễn ra nhiều vòng ở nhiều địa phương và ở những địa phương có nhiều cuộc thi; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị, địa phương trong quá trình tổ chức hoạt động chuyên môn; thiết lập cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời (triển khai giải pháp nghiệp vụ, kỹ thuật để gỡ bỏ, ngăn chặn...) đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi người đẹp, người mẫu trên không gian mạng có vi phạm.
Song song với rà soát, ngăn chặn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Tổ chức thực thi nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý chuyên ngành tại địa phương. Từ đó bố trí nguồn lực để tham mưu thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước theo quy định, trong đó chú trọng các nhiệm vụ mới được phân cấp, ủy quyền cho địa phương như chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn, cuộc thi người đẹp, người mẫu, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, cấp phép phân loại phim.
Về quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu sẽ tiến hành quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu trên địa bàn. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp trong quản lý đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu có quy mô lớn, có yếu tố nước ngoài, liên quan đến công tác dân tộc, bình đẳng giới, trẻ em, được tổ chức nhiều vòng ở nhiều địa phương; thẩm định chặt chẽ hồ sơ (trong đó rà soát kỹ Đề án bảo đảm tính thống nhất, phù hợp thuần phong, mỹ tục của dân tộc, văn hóa truyền thống, phù hợp với lứa tuổi, giới tính và điều kiện thực tiễn của địa phương).
Trước khi tham mưu chấp thuận hoặc không chấp thuận tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu; tăng cường kiểm tra, theo dõi sau khi cấp văn bản chấp thuận, kiên quyết dừng cuộc thi người đẹp, người mẫu, chỉ đạo việc thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi trong trường hợp có vi phạm pháp luật.
Trong 9 tháng đầu năm, dư luận xôn xao vì giới giải trí Việt đã tổ chức gần 20 cuộc thi nhan sắc, chưa kể hàng loạt sân chơi nhan sắc tiếp tục diễn ra. Các cuộc thi Hoa hậu nở rộ không những cho thấy những bất cập nảy sinh, đơn cử như việc trùng tên gọi mà còn để lại hệ lụy cùng những vấn đề liên quan khiến dư luận nảy sinh nhiều bức xúc.
Từ việc không hạn chế các cuộc thi nhan sắc dẫn tới lạm phát các cuộc thi nhan sắc tổ chức thì Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL ban hành ngày 23/9/2022 nêu rõ vai trò người “gác cổng” - là đơn vị cấp giấy chứng nhận bản quyền cần phải kỹ lưỡng, rà soát chặt chẽ và cẩn trọng nhằm ngăn chặn những tồn đọng không đáng có.
Trước đó, Đại Đoàn Kết Online đã có bài phản ánh về việc “Loạn cuộc thi sắc đẹp", "Bội thực hoa hậu", "Thi hoa hậu ồ ạt"… Không dừng lại ở tranh cãi vì số lượng quá nhiều, câu chuyện thi hoa hậu tại Việt Nam còn lùm xùm bởi vấn đề bản quyền giữa các đơn vị tổ chức.