Nguyên nhân là do tác động của đại dịch COVID-19, xung đột và biến đổi khí hậu. Đây là thông tin từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP).
Theo thống kế của Chương trình Lương thực Thế giới, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, có 135 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói trên toàn cầu. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, xung đột đã khiến con số này tăng và đang tiếp tục tăng cao. Trong khi đó, các thách thức môi trường cũng làm gia tăng tình trạng khan hiếm lương thực , xung đột và di cư quy mô lớn. Ước tính, lượng người di cư đã tăng gấp hơn 10 lần do xung đột và biến đổi khí hậu.
Bà Corinne Fleischer, Giám đốc khu vực Trung Đông - Bắc Phi, Chương trình Lương thực Thế giới, cho biết: "Chúng tôi thực sự lo lắng về tác động kép của COVID-19, biến đổi khí hậu và cuộc chiến ở Ukraine. Chúng tôi thấy xung đột xuất hiện, di cư hàng loạt xảy ra và thế giới không thể chịu đựng được điều này. Chương trình Lương thực Thế giới dự kiến hỗ trợ 130 triệu người trong năm nay, tuy nhiên ngân sách của chúng tôi đã cạn kiệt do chi phí tăng".
Đại diện WFP cũng cho biết, tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine tại Trung Đông và Bắc Phi là vô cùng nặng nề khi các nước khu vực này phụ thuộc lớn vào hoạt động nhập khẩu từ Biển Đen. Yemen nhập khẩu 90% lượng lương thực thiết yếu, trong đó 30% lượng lương thực đến từ Biển Đen. Kể cả các quốc gia xuất khẩu dầu như Iraq, vốn được hưởng lợi từ đà tăng của giá dầu, cũng phải đương đầu với rủi ro về mất an ninh lương thực .
Bà Fleischer nói: "Iraq cần khoảng 5,2 triệu tấn lúa mì, họ chỉ sản xuất 2,3 triệu tấn lúa mì và phần còn lại phải nhập khẩu với giá cao hơn. Điều này tác động lớn đến nông dân, khiến họ khó có thể nuôi sống gia đình".
WFP hiện đang trợ giúp 13 triệu trong số 16 triệu người cần hỗ trợ về lương thực. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu hàng ngày của người dân do thiếu nguồn quỹ và chi phí tăng. Theo thống kê, chi phí trung bình đã tăng 45% kể từ khi đại dịch bùng phát kèm theo các tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine.