Đó chính là hệ thống làm mát ở dưới Paris. Hệ thống đặc biệt này giúp cho thủ đô của Pháp có thể chịu được mùa hè khắc nghiệt.
Theo đó, hệ thống làm mát bí ẩn này ít được biết đến khi nằm bên dưới Paris với độ sâu là 30 m.
Hệ thống đặc biệt này hoạt động liên tục hằng ngày khi nước lạnh được bơm qua hàng loạt các đường ống để làm mát không khí cho hơn 700 địa điểm khắp thành phố, trong đó có Bảo tàng Louvre, nơi lưu giữ bức họa Mona Lisa nổi tiếng thế giới.
Hệ thống bí mật bên dưới Paris có gì đặc biệt?
Hoạt động suốt ngày đêm, nên hệ thống làm mát đặc biệt này sử dụng nguồn năng lượng tái tạo có quy mô lớn nhất ở châu Âu. Tuy nhiên, người ta không thể nghe thấy tiếng ồn của hệ thống từ mặt đất.
Chính quyền của Paris cũng vừa thực hiện ký hợp đồng đầy tham vọng để tăng gấp 3 quy mô của mạng lưới làm mát này. Cụ thể, đến năm 2042, hệ thống làm mát của Paris sẽ có chiều dài lên tới 252 km. Điều này có nghĩa là nó sẽ trở thành hệ thống làm mát đô thị lớn nhất trên thế giới.
Trên thực tế, nhiều khu vực của châu Âu đã chạm ngưỡng 40 độ C vào tháng 7/2022. Do đó, hệ thống làm mát được mở rộng quy mô sẽ giúp thủ đô của Pháp ứng phó được với nguy cơ từ hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Trong hai thập niên tới, thành phố Paris sẽ mở rộng mạng lưới làm mát tới các bệnh viện, trường học và cả bến tàu điện ngầm.
Không rõ hệ thống sẽ hoạt động với quy mô ra sao vào thời điểm tổ chức Olympic Paris 2024. Nhưng hệ thống làm mát này có thể sẽ được sử dụng tại một số địa điểm tổ chức Olympic.
Thực tế hệ thống làm mát ở bên dưới thành phố Paris được liên doanh Fraicheur de Paris vận hành. Cụ thể, 85% cổ phần thuộc sở hữu của công ty năng lượng nhà nước EDF và 15% cổ phần còn lại thuộc về công ty vận hành giao thông công cộng RATP.
Theo bà Maggie Schelfhaut, lãnh đạo của Fraicheur de Paris: "Nếu tất cả các tòa nhà ở Paris được trang bị hệ thống lắp đặt tự động, nó sẽ dần tạo ra hiệu ứng "đảo nhiệt" đô thị rất đáng kể". Hệ thống làm mát này sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ thành phố. Điều này có hiệu quả đáng kể so với việc mỗi nhà lắp một chiếc điều hòa nhiệt độ.
Bà Maggie Schelfhaut cho biết thêm, hệ thống làm mát ngầm có thể khiến cho nhiệt độ của toàn bộ Paris giảm hơn 1 độ C so với việc sử dụng điều hòa nhiệt độ. Giảm 1 độ C ở trung tâm thành phố là rất nhiều.
Hiện tại, hệ thống làm mát được xây dựng và lắp đặt ở ba trong số 10 địa điểm nằm bên sông Seine. Theo đó, khi nước sông đủ lạnh, một máy bơm sẽ được sử dụng để hút nước nhằm làm lạnh nước trong hệ thống. Sau đó, nước lạnh sẽ được bơm qua các đường ống tới hơn 700 địa điểm tại Paris.
Đặc biệt, các địa điểm làm mát trong hệ thống ngầm tại Paris đều sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió. Ngoài ra, có 4 địa điểm sử dụng năng lượng mặt trời mới cũng sắp được khởi công và góp phần cung cấp năng lượng cho hệ thống làm mát.
Bức họa Mona Lisa sẽ được hỗ trợ gì?
Theo các chuyên gia, những lợi ích của việc sử dụng hệ thống làm mát có sử dụng năng lượng tái tạo có thể thấy rõ tại các địa điểm trên thành phố Paris. Trong số đó, Louvre, bảo tàng nổi tiếng trên thế giới, đã được hưởng lợi rất nhiều từ hệ thống làm mát ngầm này, kể từ những năm 1990.
Bảo tàng Louvre không sử dụng máy lạnh, nhưng hệ thống làm mát bên dưới Paris đã giúp ích rất nhiều trong việc bảo quản nơi trưng bày 550.000 tác phẩm nghệ thuật, trong đó có bức họa Mona Lisa.
Ông Laurent Le Guedart, Giám đốc quỹ Di sản của Bảo tàng Louvre, cho biết: "Bảo tàng cần sử dụng nước lạnh để bảo quản những tác phẩm nghệ thuật và kiểm soát độ ẩm".
Các bảo tàng đồng thời cũng chính là những đơn vị tiêu dùng lớn cần làm mát để bảo quản các tác phẩm nghệ thuật.
Theo ông Laurent Le Guedart, vào năm 2021, hóa đơn tiêu thụ năng lượng của Bảo tàng Louvre là hơn 10 triệu USD. Nhờ hệ thống làm mát được thiết kế đặc biệt cũng giúp cho bảo tàng tiết kiệm được hàng triệu USD trong bối cảnh giá năng lượng trên thế giới đang tăng cao.
Những tác phẩm hội họa trong Bảo tàng Louvre sẽ được bảo quản nhờ vào hệ thống làm mát ở sâu bên dưới Paris. Ảnh: AP
Ngoài ra, việc sử dụng hệ thống làm mát ngầm cũng cho phép các bảo tàng hưởng lợi từ năng lượng có sẵn quanh năm với lượng khí thải carbon thấp hơn. Đặc biệt, hệ thống này cũng giúp tiết kiệm không gian khi các địa điểm như bảo tàng không cần phải lắp đặt các thiết bị lớn, vì chúng được đặt ngầm bên dưới lòng đất.
Bức họa Mona Lisa từng nhiều lần bị tấn công
Cao 77 cm, rộng 53 cm, bức họa Mona Lisa là một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất trên thế giới. Kiệt tác này được danh họa Leonardo da Vinci sáng tác vào khoảng năm 1503.
Bức họa Mona Lisa được biết đến rộng rãi bắt đầu từ vụ trộm táo bạo vào năm 1911. Khi đó, có một nhân viên bảo tàng tên là Vincenzo Peruggia đã ăn cắp bức tranh để định bán cho một doanh nhân người Italy. Chính tin tức về vụ trộm đã khiến bức tranh này trở nên phổ biến rộng rãi.
Sau đó, dù cảnh sát được điều động khắp nơi, nhưng phải hai năm sau đó, Vincenzo Peruggia mới bị bắt và bức tranh được trả về bảo tàng.
Do là một tác phẩm hội họa cực kỳ nổi tiếng nên bức họa Mona Lisa thực tế từng nhiều lần bị tấn công. Chẳng hạn, vào năm 1956, có một người hắt axit sulfuric vào bức tranh và điều này khiến cho phần dưới của tác phẩm này bị tổn hại. Vài tháng sau đó, có một khán giả người Bolivia đã ném đá vào tác phẩm này.
Chính vì vậy, Bảo tàng Louvre đã tăng cường công tác bảo vệ. Điều này khiến cho Mona Lisa trở thành bức họa được canh giữ nghiêm ngặt nhất trên thế giới.
Đến năm 1962, bức họa Mona Lisa đã được mua bảo hiểm trị giá tới 100 triệu USD.
Mới đây nhất, vào ngày 29/5/2022, bức họa Mona Lisa lại phải trải qua một lần tấn công. Cụ thể, có một người đàn ông đội tóc giả và ngồi xe lăn để tiếp cận tác phẩm này ở Bảo tàng Lourve. Khi đến gần bức tranh, người này bất ngờ bứt tóc giả xuống và tạt kem sữa về phía bức họa và nói rằng: "Một số kẻ đang hủy hoại Trái Đất, hãy nghĩ cho Trái Đất của chúng ta".
May mắn là bức họa Mona Lisa được che chắn bởi một lớp kính chống đạn nên không bị ảnh hưởng. Còn người đàn ông này đã bị bảo vệ đưa ra ngoài ngay sau đó.
Có thể thấy rằng, kiệt tác mang tên Mona Lisa đã trải qua không ít thăng trầm. Bức họa hơn 500 năm tuổi này không chỉ là một tuyệt tác mà còn ẩn chứa nhiều bí ẩn theo thời gian.
Nguồn: AP, Euronews, Theweek, Artradarjournal