Ngày đầu làm chủ nhiệm gặp học trò cá biệt bất trị, tôi đã tìm ra "chìa khóa" khi kiên trì đến nhà cậu nhiều lần

Ngày tôi nhận được phân công làm chủ nhiệm 11A3, mấy đồng nghiệp trẻ khác thì thầm với tôi “Cô đen rồi!”. Lời cảnh báo ấy là do lớp xưa nay được biết tới là lớp học khó trị vì có một học sinh cá biệt.

Mới ra trường chưa được bao lâu, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm đứng lớp và khi làm chủ nhiệm tôi cũng lo lắng lắm. Phải “va chạm” với một lớp có học sinh cá biệt là điều mà không cô giáo nào mong muốn. Làm chủ nhiệm thật sự vất vả, nhất là với lứa tuổi mấy cô cậu học trò cấp 3. Nhưng vì trách nhiệm với học trò, với nghề mà mình đã lựa chọn, tôi không thể trốn tránh.

Ngay giữa học kỳ I, Toàn bị đuổi học do mắc quá nhiều lỗi mà lỗi lớn nhất chính là chạm trán với các anh lớp trên. Là giáo viên chủ nhiệm, tôi phải có trách nhiệm với học sinh của mình. Suy nghĩ mấy đêm tôi quyết định đứng ra xin với nhà trường cho Toàn được quay lại học và cam kết sẽ không tái phạm lỗi nào nữa. Khi ấy, tôi nghĩ chỉ cần em được đi học lại thì dù không nhận được thành tích thi đua gì, tôi vẫn chấp nhận.

(Ảnh minh họa: Tiên Phong)

Vào một buổi chiều, tôi tới nhà Toàn, điều đầu tiên đập vào mắt tôi là mấy chiếc chiếu cũ trải trên mặt đất trong căn phòng chưa đầy hai mươi mét vuông, hơn chục người ngồi chụm đầu dưới làn khói thuốc mù mịt. Những tiếng văng này nọ, tiền trên mặt chiếu..., họ đang chơi bài. Bố Toàn đang ngồi xổm, còn mẹ Toàn một mình hì hục chuẩn bị cơm nước phục vụ. Thấy cô giáo con đến, bố mẹ Toàn chẳng tỏ vẻ bất ngờ, có lẽ đã có nhiều cô giáo khác tới đây. Sau lời chào, tôi hỏi Toàn đâu thì bố em chỉ vào đống chăn trong góc nhà “Nó đang ngủ kia kìa” rồi mải mê chơi tiếp. Cậu học sinh đầu bù tóc rối chui ra khỏi chăn uể oải trước khi bước ra cửa gặp tôi.

Toàn thường xuyên không tới lớp, cả kỳ chỉ có một quyển vở, một cây bút bi trong chiếc cặp đã cũ vắt vẻo trên vai. Mỗi lần gặp em đều là lúc em đang bắt nạt mấy bạn khác, khi thì ở bãi đất đằng sau lớp học cùng những học sinh hư bày trò... Cũng không lạ khi có cả tuần Toàn không đến trường, dùng tiền học được cho để lô đề, chơi điện tử thâu đêm... Trên lớp tôi chẳng có nhiều cơ hội trao đổi trò chuyện với em nên tôi mạnh dạn tới nhà để gặp em và phụ huynh.

Toàn ra chào tôi rồi lấc cấc nói chuyện với tôi bằng thái độ bất cần. Mẹ Toàn cũng vội chạy ra tiếp chuyện tôi, vẻ mặt buồn bã, khổ cực. Hỏi thăm mấy câu, chị lưỡng lự nói: "Cô có tin không, từ năm lớp 1 đến lớp 8, nó là một đứa ngoan ngoãn, chăm học. Mới có hơn một năm nay, nó thay đổi quá...". Vừa nói, chị vừa rớm nước mắt.

Giữa lớp 8, bố Toàn mất do bị tai nạn, nhà còn hai mẹ con ngập trong gánh nặng nợ nần, mẹ Toàn đi bước nữa. Không may cho số phận người phụ nữ gian truân, người chồng này lại chẳng ra gì. Ngay lúc đó, một suy nghĩ đã thoáng lóe lên trong đầu tôi, rằng mình đã đúng khi bảo lãnh cho Toàn được đi học trở lại. Ban đầu Toàn giữ khoảng cách với tôi, luôn tỏ thái độ thách thức. Đâu đó trong ánh mắt cậu bạn 16 tuổi là sự bất lực với cuộc sống, sự xấu hổ về hoàn cảnh gia đình và sự chán chường.

Dần dần tôi tới động viên, trò chuyện với mẹ Toàn nhiều hơn, cũng khó khăn lắm tôi mới dám vượt qua thái độ khó chịu của dượng Toàn. Sau thì Toàn kể với tôi những chuyện cậu gặp phải, khi phải chứng kiến cha mình hấp hối, người ta đến siết nợ hai mẹ con rồi dượng mới tệ bạc ra sao, bắt Toàn nghỉ học...

(Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn)

Tôi chủ động phụ đạo cho Toàn môn Lý vào ngày cuối tuần, cố gắng trò chuyện động viên em chút thời gian ít ỏi mỗi buổi học. Rồi tôi cũng vận động những thầy cô giáo bộ môn khác chú ý tới em hơn. Ba tháng tôi nỗ lực hết sức, ba tháng là sự rèn luyện của Toàn, mọi thứ đã dần thay đổi. Toàn đã không còn trốn học, biết nghe lời thầy cô và không còn đánh các bạn khác. Thật sự tôi mừng lắm, tạm thở phào nhẹ nhõm.

Điều vui nhất chính là kết quả học tập của Toàn được cải thiện rõ, những điểm 7, điểm 8 đến với em nhiều hơn khi mà trước đây chỉ được 5 điểm đã là thành tích lớn với em rồi. Lớp 11 trôi qua, kỳ 2 Toàn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến với sự bất ngờ của nhiều bạn trong lớp.

Lớp 12, tôi may mắn khi tiếp tục được làm chủ nhiệm lớp của Toàn. Cậu học trò cá biệt năm nào khiến tôi rất bất ngờ bởi sau kỳ nghỉ hè, Toàn tự tin, chững chạc hơn hẳn. Lâu lâu tôi vẫn nói chuyện với mẹ Toàn, được biết đợt này nghỉ hè cậu có đi làm thêm ở quán sửa chữa điện lạnh chỗ chú để kiếm ít tiền phụ mẹ, vừa đỡ chơi bời lại học được ít nghề mà nó thích. Năm ấy, Toàn đỗ một trường cao đẳng ở Hà Nội.

Cũng là một người trẻ, tôi hiểu được phần nào tính cách của các cô cậu học trò trong hoàn cảnh sống, tôi tự hào vì mình đã làm đúng. Không phải là thành tích gì lớn lao nhưng Toàn đã khiến tôi thêm tin vào quyết định khi lựa chọn nghề giáo. Với tôi, hạnh phúc của người thầy cô giáo đôi khi chỉ đơn giản như vậy./.


* Nội dung liên quan: