Việc tiêm thử là một quá trình quan trọng trong việc thử nghiệm độ an toàn, để đánh giá xem vắc-xin có gây ra tác dụng phụ nào đáng kể hay không.
Một người Mỹ tình nguyện đầu tiên sẽ được tiêm vắc-xin Covid-19 thử nghiệm vào khoảng tối nay 16/3 cho đến sáng mai 17/3 theo giờ Việt Nam. Thông tin này được hãng tin AP dẫn nguồn từ một quan chức Mỹ.
Thử nghiệm này được tài trợ bởi Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) và sẽ diễn ra tại Viện Nghiên cứu Y tế Kaiser Permanente Washington ở Seattle. Nguồn tin trên cho biết thêm, mục tiêu của thử nghiệm đầu tiên này chỉ là để đánh giá độ an toàn và tác dụng phụ tiềm năng của vắc-xin nên tình nguyện viên này sẽ không bị cho phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2.
Trước đây, việc phát triển vắc-xin cho một căn bệnh thường mất vài năm tới hàng chục năm. Tuy nhiên, trong tình huống có dịch bệnh diễn biến phức tạp ở cấp độ toàn cầu thì các nhà khoa học đã đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và thử nghiệm của mình.
Loại vắc-xin của NIH từng được lên lịch thử nghiệm vào tháng 4/2020 nhưng giờ đã vượt tiến độ nửa tháng. Họ cũng đã quyết định bỏ qua các thử nghiệm trên động vật để tiến hành ngay thử nghiệm luôn trên người.
Theo AP, thử nghiệm vắc-xin đầu tiên chống lại chủng virus SARS-CoV-2 đang gây ra dịch Covid-19 tại Mỹ sẽ được tiến hành với 45 tình nguyện viên trẻ tuổi, có sức khỏe tốt. Các tình nguyện viên sẽ được tiêm vào người một loại vắc-xin được phát triển dưới sự hợp tác của NIH và công ty công nghệ sinh học Moderna Inc.
Mỗi nhóm tình nguyện viên sẽ nhận được các liều vắc-xin khác nhau để đánh giá tác dụng phụ tiềm năng của từng liều. Và như đã nói trên, đợt này sẽ không có ai được cho phơi nhiễm với virus thật vì thử nghiệm bước đầu này chỉ đánh giá độ an toàn và tạo tiền đề cho các thử nghiệm về độ hiệu quả của vắc-xin sau này.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 169.000 người ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 6.000 người không qua khỏi thì hàng chục nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới đang chạy đua để sản xuất được một loại vắc-xin ngăn chặn nó. Tháng trước, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Queensland, Úc tuyên bố họ đã phát triển một loại vắc-xin tiềm năng cho Covid-19 và đã bắt đầu thử nghiệm nó trên động vật.
Giáo sư Paul Young - Hiệu trưởng trường Hóa học và Sinh học Phân tử thuộc Đại học Queensland cho biết, nhóm nghiên cứu của ông có tổng cộng 20 người, tất cả đã làm việc không ngừng nghỉ để tăng tốc quá trình nghiên cứu, xác định và sao chép một loại protein quan trọng của virus SARS-CoV-2 để sử dụng làm vắc-xin chống lại nó.
Hiện có nhiều loại vắc-xin nhắm tới virus Corona với các chiến lược khác nhau. Một số nhóm nghiên cứu đang hướng tới việc sản xuất loại vắc-xin tạm thời, nghĩa là chỉ giúp người tiêm bảo vệ sức khỏe của mình trong vòng 1 - 2 tháng trước Covid-19. Trong khi đó, những nhóm nghiên cứu khác hướng đến một liều vắc-xin mạnh hơn với hiệu quả lâu dài.
Ngoài vắc-xin của Moderna được thử nghiệm vào hôm nay, Inovio - một công ty dược phẩm của Mỹ cho biết cũng sẽ khởi động thử nghiệm trên người loại vắc-xin chống lại virus SARS-CoV-2 của mình vào tháng 4 tới. Sẽ có khoảng vài chục tình nguyện viên tại Đại học Pennsylvania và một trung tâm thử nghiệm ở TP Kansas, bang Missouri được tiêm vắc-xin này. Sau đó, các thử nghiệm tương tự sẽ được tiến hành ở Trung Quốc và Hàn Quốc.
"Ngay cả khi các thử nghiệm an toàn ban đầu này diễn ra tốt đẹp thì bạn vẫn cần từ 1 - 1,5 năm trước khi bất kỳ loại vắc-xin nào có thể sẵn sàng để sử dụng rộng rãi.", Tiến sĩ Anthony Fauci - Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, một đơn vị trực thuộc NIH, cho biết.
Nhưng đó vẫn sẽ là một tốc độ kỷ lục bởi trước đây, để phát triển các loại vắc-xin, ví dụ cho Ebola, thế giới đã phải mất tới hàng chục năm. Các nhà sản xuất cần đảm bảo 2 yếu tố cho loại vắc-xin của mình là hiệu quả và an toàn.
Các thử nghiệm an toàn là thử nghiệm đầu tiên được thực hiện trong giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng, nhằm theo dõi các tác dụng phụ có thể có của vắc-xin tiềm năng. Sau khi thử nghiệm độ an toàn cho kết quả tốt thì thử nghiệm độ hiệu quả của vắc-xin mới được tiến hành trên các nhóm nhỏ. Thử nghiệm độ hiệu quả giai đoạn tiếp theo thường nhắm đến việc tiêm vắc-xin cho vài trăm cho đến vài ngàn tình nguyện viên khỏe mạnh ở vùng dịch, nơi có mầm bệnh lưu hành cao để xem vắc-xin có thể bảo vệ một lượng người bao nhiêu trong số họ.
Nếu kết quả của thử nghiệm này tốt, nhà sản xuất mới được nộp đơn xin cấp phép để cung cấp vắc-xin của mình ra thị trường. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, trong trường hợp đại dịch khẩn cấp, các thủ tục hành chính cấp phép cho vắc-xin có thể được đẩy nhanh tiến độ, nhưng bản thân vắc-xin vẫn phải trải qua đủ các bước thử nghiệm để đảm bảo độ an toàn.
Vì vậy, khoảng thời gian từ khi các nhà nghiên cứu phát triển ra một vắc-xin tiềm năng cho đến khi nó hoàn thành mọi giai đoạn thử nghiệm sẽ kéo dài ít nhất 1 năm. Không một tổ chức nào có thể bỏ qua các thử nghiệm độ an toàn để mạo hiểm tiêm ngay một loại vắc-xin trên diện rộng.
Theo Cafebiz.vn
* Nội dung liên quan: