Ông Yuan Dibao (SN 1928) và bà Danny Li (SN 1927) gặp nhau lần đầu vào năm 1953. Khi đó bà Li là một nữ giáo viên dạy tiếng Nga còn ông Yuan mới chỉ là chàng sinh viên năm nhất của trường Cao đẳng Y tế Chiết Giang (Hàng Châu). Bà Li sinh ra ở Bắc Kinh có bố là giáo sư người Trung Quốc, mẹ là người Pháp. Bởi vậy bà có thể sử dụng thành thạo 4 thứ tiếng: Trung, Pháp, Anh, Nga. Khi ấy, ông Yuan là người giám sát lớp học và là sinh viên xuất sắc nhất trong lớp tiếng Nga do cô giáo Li phụ trách.
Trong mắt ông Yuan, bà Li giống như một "thiên thần đang bước đi trong gió ", còn trong mắt bà Li, ông Yuan là một sinh viên ưu tú, điển trai và tốt bụng. “Ông ấy là người tốt, rất tử tế với người khác. Tất cả sinh viên và giảng viên đều yêu quý ông ấy”, bà Li nhớ lại.
Càng có cơ hội tiếp xúc họ càng phát hiện ra mình và đối phương có nhiều điểm chung. Sự cảm mến ban đầu nhanh chóng nảy nở thành tình yêu. Bất chấp những định kiến về chuyện tình yêu giữa cô và trò, hai người ngày càng quấn quýt bên nhau. Thành phố Hàng Châu xinh đẹp là nơi chứng kiến câu chuyện tình yêu khắc cốt ghi tâm của đôi tình nhân trẻ.
Sau giờ học, ông Yuan thường đưa bà về và sẽ ghé qua nhà một chút. Bố mẹ bà Li đã biết chuyện của hai người và rất có thiện cảm với chàng trai trẻ lễ phép, lịch lãm. Trong khi bà Li đang chìm đắm trong vị ngọt của tình yêu thì ông Yuan lại bị giằng xé giữa hạnh phúc và trách nhiệm.
Năm 25 tuổi, ông đã kết hôn với một cô gái do gia đình sắp xếp. Một năm gắn bó bên nhau nhưng ông Yuan vẫn chưa dám nói ra sự thật này với bà. Cho đến một ngày vào năm 1954, ông đã lấy hết dũng khí thú nhận với bà rằng ông đã có vợ - người mà ông thấy cần có trách nhiệm cho đến cuối đời. Đối với bà Li, sự thật này như một cú sốc.
Dù đau đớn, nhưng cặp đôi quyết định chia tay. “Tôi không có sự lựa chọn. Chúng tôi không thể xây dựng hạnh phúc trên nỗi bất hạnh của một người phụ nữ vô tội khác”, bà Li chia sẻ.
Năm 1956, bà Li sang Lyon (Pháp) để định cư. Trước khi rời đi, bà đã để lại bức thư cho ông Yuan thông báo về sự ra đi của mình. Bất ngờ là vài ngày sau, bà nhận được thư hồi âm của ông Yuan. Họ thường xuyên liên lạc qua thư từ đó.
Cuộc sống ở Pháp của bà Li không hề dễ dàng. Các văn bằng cũ không được chấp nhận, chưa kể là “cú sốc văn hoá”. Nhưng bằng nỗ lực cùng kiến thức sẵn có cuối cùng bà cũng tìm được công việc thư ký trong một công ty thương mại. Trong khi đó, ông Yuan cũng đã ra trường và bắt đầu công việc ở Hạ Môn.
Dù mỗi người đều có những khó khăn riêng nhưng họ hiếm khi đề cập về điều này trong những bức thư mà thường nói về niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống vì không muốn người kia lo lắng. Ông Yuan chia sẻ với bà Li hạnh phúc khi được làm cha, còn bà Li thì chúc mừng ông bằng cách gửi sữa bột và quần áo trẻ em - những thứ khan hiếm ở Trung Quốc khi đó.
Sau này, do cuộc Cách mạng văn hóa (1966-1976), những bức thư của họ bị trả lại địa chỉ người gửi và họ mất liên lạc từ đó. Trong suốt nửa thế kỉ, mỗi người đều có cuộc sống riêng và không biết thông tin gì về người kia. Ông Yuan cùng vợ nuôi nấng 3 người con trai trưởng thành, tuy nhiên đến năm 1994, vợ ông qua đời do bạo bệnh. Còn về phần bà Li, bà vẫn cô đơn lẻ bóng bởi không thể quên hình bóng người cũ. “Tôi không thể bắt đầu một mối quan hệ mới, mặc dù có nhiều người “gõ cửa”. Tôi thấy tình yêu của anh ấy dành cho mình là tha thiết nhất và không ai có thể sánh được”, bà nói.
Sau hơn nửa thế kỷ, họ mới gặp lại nhau.
Mãi cho đến năm 2010, khi tâm sự với con dâu, ông Yuan đã bày tỏ sự tiếc nuối về chuyện tình yêu với bà Li. Người con dâu đã động viên ông viết thêm 1 bức thư cho bà. Dù vẫn thường ghé thăm những địa điểm là nơi ghi dấu chuyện tình với bà Li, nhưng ông Yuan chưa bao giờ nghĩ đến ngày sẽ được gặp lại người thương.
Ông đã thức nhiều đêm để viết 5 bức thư. Ngoài bức thư bằng tiếng Trung gửi cho bà Li, ông còn viết thêm bằng tiếng Anh để gửi cho họ hàng của bà phòng trường hợp bà đã mất. Trong thư ông cho biết mình là học trò cũ, một người bạn và muốn biết tình hình hiện tại của bà. Đều đặn mỗi ngày ông lại gửi đi một bức. Ông quyết định, nếu không nhận được hồi âm thì đây sẽ là cái kết cho câu chuyện tình.
Nhưng may mắn cuối cùng ông Yuan đã nhận được hồi đáp. Tay run run, ông mở thư. Nhận ra nét chữ quen thuộc, ông đã thầm cảm ơn chúa vì có còn cơ hội được gặp lại bà. Trong bức thư dài 3 trang, bà Li đã kể hết cho ông nghe về cuộc sống trong từng ấy năm của mình.
Năm 1974, bà nhận được bằng thạc sĩ và trở thành giáo viên tiếng Trung ở một trường đại học. Đến năm 1979, bà nhận bằng tiến sĩ. Năm 1992 bà về hưu sau đó trở thành phó chủ tịch một tổ chức phi lợi nhuận. Bà vẫn độc thân và sống tại căn nhà mà ông bà để lại sau khi bố mẹ qua đời.
Nhớ lại cảm xúc khi nhận được bức thư vào ngày 1/5/2010, bà nghẹn ngào: “Tôi đã không trả lời ngay, bởi vì tôi không thể tin điều đó là sự thật”. Từ đó, hai người bắt đầu trao đổi thư từ như trước. Đôi khi họ sẽ trao đổi qua điện thoại nhưng vì ông Yuan bị mất thính lực nhẹ nên họ thích viết thư tay hơn.
Sau thời gian xa cách hai người đã được sống bên nhau.
Một tháng sau, ông Yuan mời bà Li đến Hạ Môn. Việc bà Li chỉ ghé thăm hay ở lại đều do bà quyết định, ông sẽ không ý kiến nửa lời. Khi bà Li tới, ông Yuan cùng gia đình chào đón bà ở sân bay, trên tay ông khi đó cầm 55 bông hồng. Và sau hơn 50 năm xa cách, ông Yuan khi đó 82 tuổi đã ngỏ lời cầu hôn với bà Li (83 tuổi) và nhận được cái gật đầu của bà.
Họ đăng ký kết hôn vào ngày 21/9/2010 – đúng thời điểm trước Tết Trung thu, hay còn gọi là tết đoàn viên theo truyền thống của người Trung Quốc. Họ chính thức về chung một nhà vào ngày 26/9. Hai ông bà sống cùng nhau trong nhà của con trai út. Mỗi sáng, họ dắt tay nhau đi dạo bãi biển. Hạnh phúc khi được gặp lại người mình yêu, bà Li xúc động: "Điều gì qua cũng đã qua, chúng tôi muốn ở bên nhau trong quãng đời còn lại. Thị lực tôi không được tốt, còn ông ấy có vấn đề về thính giác. Tôi là đôi tai của ông ấy, còn ông ấy là đôi mắt của tôi".
Sau 7 năm tái hợp với người thương, ông Yuan đã qua đời ở tuổi 90 vào năm 2017. Mối tình chân thành, bền chặt của ông Yuan và bà Li đã được mọi người ca ngợi là "tình yêu thuần khiết nhất trên thế giới".