Nữ hoàng Elizabeth II chính thức lên ngôi vào ngày 2/6/1953. Tính đến nay, bà đã tại vị hơn 60 năm. Nữ hoàng Elizabeth II không chỉ là người có thời gian trị vì lâu đời nhất ở Vương quốc Anh mà bà còn có khối tài sản vô cùng to lớn, chủ yếu là bất động sản. Ngoài ra, bà còn có khá nhiều đặc quyền rất độc đáo và thậm chí được đánh giá là thú vị bậc nhất thế giới.
Đứng đầu giáo hội Anh giáo
Nữ hoàng Elizabeth II là người đứng đầu giáo hội Anh giáp, quốc giáo đầu tiên được thành lập sau khi Vua Henry VIII tách khỏi Giáo hội La Mã vào thế kỷ thứ 16. Tuy nhiên, nếu bà chọn theo một tôn giáo khác, điều đó đồng nghĩa với việc Nữ hoàng sẽ bị buộc phải thoái vị.
Có quyền phá hoại tài sản
Trong những trường hợp nhất định, ví như ảnh hưởng khẩn cấp tới quốc gia, Nữ hoàng Anh có quyền phá vỡ, xâm nhập và phá hủy bất kỳ tài sản nào. Nghe thì đáng sợ nhưng người dân Anh vẫn luôn đặt niềm tin vào hành động của Nữ hoàng.
Giám hộ trẻ em trên cả nước
Nữ hoàng Elizabeth II cũng là người giám hộ chính thức của tất cả trẻ em ở Anh. Vì vậy, về mặt lý thuyết, bà có quyền lấy đi con của một người dần nào đó. Nhưng tất nhiên, Nữ hoàng chưa bao giờ làm điều này.
Không thể bị kiện
Về mặt pháp lý, không ai có thể thưa kiện Nữ hoàng Anh ra tòa, kể cả Tòa án quốc tế. Bà cũng có quyền không cung cấp bất kỳ bằng chứng gì tại tòa án, và cũng chẳng thể bị truy tố. Tuy nhiên, nếu vi phạm pháp luật, Nữ hoàng sẽ buộc phải thoái vị.
Không cần giấy phép khi lái xe và du lịch khắp nơi trên thế giới mà chẳng cần hộ chiếu
Mặc dù mọi tờ giấy phép lái xe ở Anh đều được phát hành dưới tên Nữ hoàng Elizabeth, nhưng bà là người duy nhất không cần giấy phép lái xe và bằng lái. Thêm nữa, Nữ hoàng Anh cũng không cần có hộ chiếu để đi nước ngoài. Đến tổng thống Mỹ cũng cần hộ chiếu khi muốn ra nước ngoài, còn Nữ hoàng Anh thì không. Bà thậm chí còn chẳng có hộ chiếu trong suốt cuộc đời, mà vẫn di chuyển khắp thế giới.
Không bị ràng buộc bởi Luật Tự do thông tin
Ở Anh cũng như ở hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, có một hệ thống cho phép báo chí và công chúng được quyền hỏi bất kỳ câu hỏi nào. Nhưng hoàng gia Anh sử dụng quyền hạn của họ để ngăn chặn luật này. Mọi thông tin về Hoàng gia cũng như Nữ hoàng Elizabeth II đều được miễn đề cập, ngay cả khi các nhóm hoạt động vì quyền tự do thông tin yêu cầu.
Không bị giới hạn tốc độ trên đường
Là một Nữ hoàng, bà có thể đi chậm trên đường cao tốc hoặc phóng với tốc độ cao trong nội thành mà không hề vi phạm pháp luật. Nhưng tất nhiên là chưa bao giờ Nữ hoàng Elizabeth phóng xe nhanh trên đường.
Sở hữu toàn bộ số thiên nga trên dòng sông Thames
Theo một điều luật có từ thế kỷ 12, Nữ hoàng Anh là chủ nhân của tất cả thiên nga trên dòng sông Thames. Được biết, Nữ hoàng thường sử dụng đặc quyền này của mình để trả tự do cho một số con thiên nga và đeo vòng kiểm tra sức khỏe cho chúng nhằm thống kê và có biện pháp duy trì số lượng thiên nga.
Sở hữu toàn bộ cá voi, cá heo và cá tầm tại các vùng biển thuộc quyền lãnh hải của nước Anh
Theo tờ Times (Anh), Nữ hoàng sở hữu tất cả cá tầm, cá voi và cá heo của vùng biển thuộc quyền lãnh hải của nước Anh. Điều luật này đã tồn tại từ năm 1324, dưới thời Vua Edward đệ nhị đến nay.
Không phải đóng thuế
Tất cả công dân Vương quốc Anh, cũng như ở nhiều nước khác, thậm chí kể cả tổng thống đều phải nộp thuế tùy thuộc vào thu nhập của họ. Nhưng theo hiến pháp của Anh Quốc, Nữ hoàng không cần làm điều đó. Tuy nhiên, bà đã tự nguyện đóng thuế thu nhập cá nhân và thuế lợi nhuận đầu tư kể từ năm 1992.
Phong tước hiệp sĩ
Tất nhiên ngày nay các hiệp sĩ không còn cưỡi ngựa phi nước đại khắp nơi để thể hiện tinh thần trượng nghĩa. Tuy nhiên, tước hiệp sĩ vẫn tồn tại và được đích thân Nữ hoàng Anh chỉ định, phong tặng.
Bất cứ một dự luật nào ở Anh cũng phải được thông qua Nữ hoàng
Ở vương quốc Anh, bất cứ một dự luật nào cũng phải được thông qua Nữ hoàng. Theo đó, sau khi dự luật đã được thông qua bởi hai viện của Quốc hội, nó sẽ được chuyển đến tay Hoàng gia phê duyệt và quy trình này được gọi là “Hoàng gia phê chuẩn”. Điều này có nghĩa là, ý kiến của Nữ hoàng sẽ là bước cuối cùng để biến một dự thảo luật trở thành một điều luật chính thức.
Nữ hoàng Anh còn là nguyên thủ của nhiều quốc gia khác
Hiện Nữ hoàng Elizabeth II đang là đương kim Nữ vương của 16 quốc gia độc lập thuộc Khối Thịnh vượng chung Anh bao gồm: Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Canada, Australia, New Zealand, Jamaica, Barbados, Bahamas, Grenada, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Tuvalu, Saint Lucia, Saint Vincent và Grenadies, Antigua và Barbuda, Belize cùng Saint Kitts và Nevis.
Nữ hoàng Anh có quyền sa thải toàn bộ nội các chính phủ Úc
Là nguyên thủ quốc gia Úc, Nữ hoàng có những quyền hạn nhất định trong chính phủ này. Theo đó, bà có quyền giải tán Chính phủ Úc và kêu gọi một cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, hiện nay quyền lực này đã bị bãi bỏ.