Thí sinh chỉ ra sai lầm của cố vấn trong Olympia 5
Trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia cuộc thi quý 3 - năm thứ 5 (phát sóng ngày 16/5/2004), một thí sinh đến từ Nam Định đã đưa ra câu trả lời cho một câu hỏi thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên ở phần thi Về đích.
Cố vấn của chương trình (một tiến sĩ Toán học) đã không công nhận câu trả lời này, nhưng thí sinh vẫn kiên quyết bảo vệ đáp án, thậm chí còn chỉ ra được sai sót trong lời giải thích của cố vấn. Cuối cùng, thí sinh này đã giành được 30 điểm trong sự ngưỡng mộ của tất cả những người có mặt ở trường quay cũng như khán giả truyền hình.
Phát âm sai vẫn vô địch Olympia 10
Ở trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 10, trước câu hỏi cuối cùng của thí sinh Giang Thanh Tùng (Thanh Hóa), người dẫn đầu là Phan Minh Đức (Hà Nội) đang hơn Đỗ Đức Hiếu (Thanh Hóa) 15 điểm.
Câu hỏi của Thanh Tùng là câu hỏi tiếng Anh về thợ sửa ống nước ("plumber") nhưng Thanh Tùng trả lời sai (river) và Đức giành quyền trả lời rất tự tin "Câu trả lời của em là "pờ-lăm-bờ".
Sau đó, MC Tùng Chi yêu cầu thí sinh đánh vần lại. Đức đánh vần "p-l-u-m-b-e-r". Nếu trả lời đúng, Đức sẽ đạt 295 điểm và có vòng nguyệt quế nhưng nếu sai, thí sinh này sẽ bằng điểm với Đỗ Đức Hiếu (250 điểm) và 2 thí sinh sẽ phải bước sang phần thi câu hỏi phụ để phân định nhà vô địch. Người dẫn Tùng Chi chấp nhận đáp án của Đức.
Theo đó, Đức trở thành nhà vô địch và giành suất học bổng 35.000 USD. Tuy nhiên, cách phát âm của Đức có vấn đề (âm /b/ trong từ "plumber" là âm câm), cũng như thí sinh này đánh vần sai, khiến nhiều khán giả không đồng ý với kết quả chung cuộc và cảm thấy thiệt thòi cho Đức Hiếu.
Tranh cãi về đáp án trong trận chung kết Olympia 14
Trong trận chung kết Olympia năm thứ 14, trước câu hỏi "vì sao dung dịch muối có tính sát trùng", thí sinh Nguyễn Hoàng Bách đã trả lời: dung dịch nước muối tạo môi trường ưu trương nên vi khuẩn ở trong dung dịch nước muối sẽ bị mất nước mà chết.
Do không giống với câu trả lời của chương trình, MC Tùng Chi mời Ban cố vấn nhận xét. PGS.TS Vũ Quốc Trung, cố vấn chương trình, đã không chấp nhận câu trả lời này.
Đáp án chính thức của câu hỏi là: "Dung dịch nước muối có nồng độ muối lớn hơn nồng độ muối trong tế bào của vi khuẩn. Cho nên do hiện tượng thẩm thấu thì muối đi vào tế bào làm nồng độ muối trong tế bào tăng lên đẩy nước từ trong tế bào ngược trở lại trong vi khuẩn làm cho quá trình nước trở lại tế bào từ vi khuẩn được đầy ra ngoài. Vi khuẩn vì vậy mất nước và bị tiêu diệt".
Dư luận có nhiều ý kiến không đồng tình với quyết định trên của Ban cố vấn. Tiến sĩ Phạm Văn Lập, chủ biên sách giáo khoa môn Sinh học lớp 10 và 12, cho rằng câu trả lời của Bách hoàn toàn chấp nhận được Ban cố vấn chương trình sau đó đã đưa ra lời giải thích chính thức vì sao Bách mất điểm, và bảo lưu kết quả cuộc thi.
Tranh cãi câu hỏi tiếng Anh ở chung kết năm thứ 22
Ở trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22, một sự cố hy hữu đã xảy ra trong phần thi Vượt chướng ngại vật khi bảng điện tử hiển thị thông tin của phần thi này cho thấy có 12 chữ cái cho một chướng ngại vật gồm 16 chữ cái. MC Ngọc Huy đã phải nhắc nhở các thí sinh rằng chướng ngại vật cần tìm có 16 chữ cái, không phải 12 chữ cái như trên đồ họa.
Tuy nhiên, đây chưa phải là sự việc gây tranh cãi lớn nhất trong cuộc thi này. Ở câu hỏi tiếng Anh trong phần thi Về đích của thí sinh Vũ Nguyên Sơn (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội), chương trình đã phát một đoạn của MV "See You Again" với yêu cầu tìm một từ đồng nghĩa với từ "friendship" (tình bạn) đã sử dụng trong đoạn trích.
Bùi Anh Đức (THPT chuyên Sơn La) đã nhấn chuông giành quyền trả lời và đưa ra đáp án là "bond". Dựa vào đáp án của chương trình là "brotherhood", chương trình không chấp nhận câu trả lời của Đức và trừ của thí sinh này 15 điểm.
Vài tiếng sau khi cuộc thi kết thúc, BTC Đường lên đỉnh Olympia đã đăng tải bài viết đính chính trên fanpage chính thức, theo đó cố vấn tiếng Anh đã chấp nhận câu trả lời của Anh Đức sau khi đã làm việc với BTC.
Như vậy, có hai đáp án đúng ở câu hỏi này là "bond" và "brotherhood", và Đức được cộng thêm 45 điểm (30 điểm vì trả lời đúng và 15 điểm đã bị trừ), nâng tổng số điểm từ 75 lên 120.
Dù BTC khẳng định thứ hạng của các thí sinh không thay đổi (Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn là chủ nhân vòng nguyệt quế với 205 điểm, Bùi Anh Đức vẫn đoạt giải 3), rất nhiều khán giả đã để lại ý kiến bày tỏ sự không hài lòng với quyết định này từ phía chương trình.
Họ cho rằng đây là sai sót không đáng có, nhất là trong bối cảnh Anh Đức lúc này vẫn chưa thi Về đích, dễ gây ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh. Một số ý kiến khác cho rằng sự việc này là khó chấp nhận bởi một chương trình truyền hình trực tiếp hẳn phải được tập dượt, chuẩn bị kỹ càng từ trước.
Ngoài hai sai sót kể trên, hai câu hỏi lịch sử khác thuộc phần thi Về đích cũng bị đặt trong diện nghi vấn về tính chính xác của các đáp án, như câu hỏi về "Ba vương tập đế" hay câu về bản đồ ghi hai tên Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Những sự cố hy hữu Nghi vấn dàn xếp kết quả và gian lận
Trước khi phát sóng cuộc thi Tháng 3 - Quý 3 - Năm thứ 9, trên mạng Internet xuất hiện một bài blog mang tên "Sự thật về Đường lên đỉnh Olympia" của thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn - giáo viên dạy toán trường THPT Chuyên Bắc Giang - về việc chương trình Đường lên đỉnh Olympia dàn xếp kết quả, xử ép các thí sinh tỉnh lẻ để thí sinh Hà Nội đạt giải nhất.
Cụ thể, cuộc thi Tháng 3 - Quý 3 diễn ra giữa các thí sinh Lưu Hoàng Hải (Hà Nội), Nguyễn Hoàng Hiệp (Bắc Giang), Chí Thiện (Bình Thuận) và Phạm Minh Ngọc Hảo (Phú Yên).
Thầy giáo Tuấn khẳng định chương trình gian lận từ khâu trang trí (thời điểm ghi hình là trước dịp Tết và thời điểm phát sóng là đã qua dịp Tết nhưng vẫn xếp hoa đào và hoa mai ở xung quanh trường quay để chương trình phát vào thời điểm đó) tới câu hỏi (thí sinh Hoàng Hải trả lời sai nhưng MC Việt Khuê nói rằng đó là câu đã hỏi từ tuần trước nên đổi câu hỏi khác), và việc bấm chuông trả lời chướng ngại vật (màn hình hiện tên Chí Thiện nhưng MC lại mời Hoàng Hải trả lời). Rất nhiều thí sinh đã từng dự thi Olympia lần lượt đứng lên thanh minh cho chương trình.
Ngay sau khi nhận được phản hồi, VTV và ê-kíp Olympia đã tiến hành làm rõ, mời thầy giáo Tuấn đến trường quay và cho xem quy trình thực hiện một chương trình Olympia hoàn chỉnh và đạo diễn chương trình - BTV Tùng Chi, cùng các kĩ thuật viên, MC giải thích cặn kẽ những nghi vấn xung quanh cuộc thi. Sau đó, thầy giáo Tuấn đã tiến hành xin lỗi VTV và gỡ bỏ bài blog xuống. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó đã khiến uy tín chương trình bị sụt giảm.
Trận chung kết hy hữu có 5 thí sinh
Theo luật của chương trình, mỗi cuộc thi chỉ có 4 thí sinh được tham dự. Nhưng trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9 đã có 5 thí sinh. Sự việc chưa có tiền lệ này xuất phát từ khiếu nại của thí sinh Bạch Đình Thắng (THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội) và sau nhiều cuộc tranh luận của các thầy giáo, chuyên gia về một câu hỏi sinh học ở trận thi quý 3.
Ở trận thi đó, Thắng đứng trước câu hỏi 30 điểm cuối cùng và đang kém thí sinh dẫn đầu (Hồ Ngọc Hân) 60 điểm và quyết định chọn Ngôi sao hi vọng. Câu hỏi dành cho Thắng là nêu 6 hệ cơ quan trong cơ thể người. Thí sinh này trả lời đúng 5 hệ (hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết, hệ thần kinh, hệ hô hấp) còn hệ thứ 6 là nội tiết không được ban cố vấn chấp nhận (phải là hệ vận động). Do đó, Thắng bị trừ 30 điểm và không được vào trận chung kết.
Một thời gian sau, Đình Thắng gửi cho chương trình quyển sách giáo khoa Sinh học lớp 8 do GD&ĐT phát hành có viết "Hệ nội tiết là một trong những hệ quan trọng trong cơ thể người".
Trước bằng chứng này, VTV đã mời ban cố vấn sinh học cũng như người biên soạn sách giáo khoa để tranh luận, phản bác. Cả hai bên đều đưa ra lập luận khoa học riêng để phản biện nhau, không ai chấp nhận mình sai.
Cuối cùng, VTV quyết định "thí sinh học thế nào thì trả lời thế ấy" và chấp nhận câu trả lời này, dẫn đến Thắng không những không bị trừ điểm mà còn được cộng thêm 60 điểm, bằng số điểm của Hồ Ngọc Hân, và cả hai đã cùng được vào trận chung kết, tức là BTC đã quyết định trao đồng giải nhất quý 3 cho cả 2 thí sinh Hồ Ngọc Hân và Bạch Đình Thắng.