Nỗi lòng người Sài Gòn khi đóng cửa các nhà hàng vì dịch Covid-19: "Chúng ta cố lên! Chúng ta còn đây sinh mệnh!"

Quyết định tạm ngừng hoạt động các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng... của TP HCM đã khiến cho nhiều người mất đi miếng cơm, chốn ở và thậm chí cả gia tài. Nhưng chúng ta hãy cùng cố gắng để chờ đợi ngày trở lại, tất cả sẽ mạnh mẽ hơn!

Theo quyết định của UBND TP HCM, các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ 30 người trở lên); CLB bi-da, phòng tập thể hình, cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn sẽ phải tạm dừng hoạt động kể từ 18h ngày 24/3 đến hết ngày 31/3 nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng chống dịch.

Sau quyết định này, các nhà hàng vốn đã hoạt động cầm chừng, "thoi thóp" vì vắng khách, nay không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tạm đóng cửa. Đối với nhiều doanh nhân, gia tài tích góp cả đời nay có nguy cơ bị mất trắng. Còn với nhiều người lao động, đó là nỗi lo miếng cơm, nơi ở qua từng ngày.

Mới đây, chị chị Huỳnh Tịnh Hoài Nhân, một nhà báo đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn, đã chia sẻ lại một bài viết với hy vọng đưa đến góc nhìn chân thực tới độc giả. Em gái của chị Hoài Nhân nằm trong ban quản lý một nhà hàng ở quận 1. "Tụi em kiệt sức rồi, giờ ở nhà hàng không còn ai cười với khách nữa, trừ em.", đó là câu mà em gái chị Nhân đã nói trước khi bật khóc nức nở.

Khách giảm còn 20 - 30% mùa dịch, mỗi tháng qua chuỗi nhà hàng này "bay" sạch ít nhất hơn mười mấy tỷ. Mỗi ngày, em gái chị Nhân phải làm một công việc mà cô bảo là nặng nề hơn tất thảy mọi nhiệm vụ mình từng phải làm, đó là ra quyết định nghỉ việc cho các nhân viên và báo tin đó với từng người. 

“Mỗi ngày đi làm với nó là một cuộc chiến với những con số từng đồng ra vô. Có những cái ngày đến nhân viên lau dọn vệ sinh cũng nghỉ, không khí như tê liệt. Nó và trưởng ban quản lý của nó, một người bước lên đi dọn hồ cá, một người bước vào dọn nhà vệ sinh, khi không còn đủ sức mở miệng kêu gọi tinh thần của nhân viên phục vụ nữa.”, chị Hoài Nhân viết.

Vấn đề không phải là chỉ chuyện của riêng em gái chị thất nghiệp hay tiền của chủ đầu tư. Cả chuỗi nhà hàng hơn 400 người, đa phần là dân lao động, nếu đóng cửa là bao nhiêu gia đình đằng sau, tiền ăn, tiền trọ của họ mỗi ngày... Rồi người ta đi đâu? 

“Có thể là cơ hội để mọi người cảm nhận sự bình yên, tập trung vào những điều quan trọng hơn của đời mình: đọc sách, học đàn, ngồi thiền, nấu ăn, chăm sóc gia đình, đọc các bài luận tuyệt vời của Yuval Noah Harari... Nhưng xin đừng đánh giá thấp những lớp người hoảng loạn lo buồn 'thiếu an yên' ngoài kia.”, chị Hoài Nhân viết.

Đôi khi những điều quan trọng với những người lao động đó chỉ là có đủ tiền thuê trọ tháng này, có đủ tiền lo ăn uống cho gia đình vài ngày tới, kịp hạn trả nợ tiền lãi chợ đen... Chúng ta có thể tranh thủ thời gian để chăm sóc những thứ nhu cầu thượng tầng, là chúng ta đang may mắn hơn rất nhiều.

“Ngày trước là Vũ Hán cố lên, Hà Nội cố lên, Bình Thuận cố lên, giờ sẽ là Sài Gòn cố lên - Các y bác sĩ, các tình nguyện viên đang chiến đấu, các nhà quản lý chính quyền nơm nớp với những con số, các chủ doanh nghiệp đang mất ngủ và những người lao động mất việc, những kẻ không nhà, hay đơn giản là những thanh niên nhập cư như chúng ta.

Em chị cố lên! Chúng ta cố lên! Chúng ta còn đây sinh mệnh!”, chị Nhân kết thúc bài viết của mình bằng lời cổ vũ tinh thần cho tất cả.

Theo Cafebiz.vn


* Nội dung liên quan: