"Giấc mơ trưa" là ca khúc do Giáng Son và Nguyễn Vĩnh Tiến sáng tác. Tuy nhiên, khi đăng tải ca khúc "Giấc mơ trưa" (do Khánh Linh thể hiện) trên kênh YouTube của mình, nhạc sĩ Giáng Son đã nhận được khiếu nại bản quyền.
Tối 14/10 trên trang Faecbook cá nhân, nữ nhạc sĩ bức xúc chia sẻ câu chuyện bị đánh bản quyền trên YouTube một nhạc phẩm do chính mình sáng tác. Theo thông báo từ hệ thống, video của cô đăng lên có chứa một đoạn âm thanh tương tự sản phẩm "Giấc mơ trưa" của nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh (thuộc sở hữu của BH Media). Điều này khiến nữ nhạc sĩ vô cùng bất ngờ, thậm chí sốc. Cô khẳng định không ký độc quyền tác phẩm này cho bất cứ ai hay tổ chức nào. Cũng ngay sau chia sẻ này, nhạc sĩ Giáng Son đã liên hệ với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCMPC) - nơi chị ủy quyền để trao đổi và tìm hướng giải quyết.
BH Media họp báo nói rõ vấn đề khiếu nại bản quyền ca khúc
Sáng ngày 27/10, BH Media – đơn vị bị nhạc sĩ Giáng Son tố "đánh" bản quyền ca khúc của chính mình tổ chức họp báo về "Bản quyền âm nhạc trên môi trường số". Theo đó, phía BH Media cho biết vụ việc của Giáng Son thực ra rất đơn giản và công ty muốn tổ chức họp báo để giải đáp tất cả mọi thắc mắc từ phía dư luận.
Phía BH Media khẳng định, nhạc sĩ Giáng Son nói đơn vị này “đánh gậy bản quyền” tác phẩm của mình là không chính xác. “Đây là cơ chế quét bản quyền tự động của YouTube. Nhạc sĩ Giáng Son nhận thông báo từ YouTube chứ không phải từ BH Media. Thông báo đó nhằm mục đích để chủ sở hữu các bản ghi đối soát bản quyền với nhau và thông báo đó không làm ảnh hưởng đến quyền up bản ghi của nhạc sĩ Giáng Son. Chỉ cần nhạc sĩ Giáng Son làm thao tác phản hồi là chủ sở hữu bản ghi kia sẽ xác minh lại và gỡ xác nhận bản quyền khỏi video", đại diện BH Media cho biết.
Thư thông báo xác nhận bản quyền (tự động) của YouTube gửi cho nhạc sĩ Giáng Son. Thư này không làm ảnh hưởng đến quyền tải video lên YouTube của Giáng Son. Không phải "gậy bản quyền" (cảnh báo dành cho người vi phạm bản quyền) như NS Giáng Son nghĩ.
Trong thư thông báo xác nhận bản quyền có tóm tắt trạng thái bản quyền, ghi rõ "Không ảnh hưởng" đến kênh của Giáng Son. Ngoài ra còn hướng dẫn Giáng Son "Chọn một hành động". Giáng Son chỉ cần phản hồi là chủ sở hữu bản ghi kia sẽ phản hồi cô.
Phía BH Media giải thích, nhạc sĩ Giáng Son đã đưa lên kênh của mình một bản ghi "Giấc mơ trưa" thuộc quyền sở hữu của cô nhưng trên YouTube có nhiều bản ghi "Giấc mơ trưa" của nhiều chủ sở hữu khác. Do đó khi phát hiện bản ghi của nhạc sĩ Giáng Son hơi giống với bản ghi "Giấc mơ trưa" của nghệ sĩ Dương Thuỳ Anh đã up lên trước đó, YouTube tự động gửi thông báo xác nhận bản quyền tới nhạc sĩ Giáng Son.
Sau khi nhạc sĩ Giáng Son phản ánh trên trang cá nhân, BH Media đã kiểm tra và nhả ngay bản quyền. YouTube đã ghi nhận quyền tác giả của nhạc sĩ Giáng Son trong bản ghi âm "Giấc mơ trưa" của nghệ sĩ Dương Thùy Anh do Hồ Gươm Audio cung cấp và YouTube sẽ trả phí tác quyền về cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - đơn vị được nhạc sĩ Giáng Son ủy quyền về quyền tác giả trên YouTube.
Bản ghi "Giấc mơ trưa" do nghệ sĩ Dương Thùy Anh trên YouTube đã được YouTube ghi nhận. Dòng chữ Licensed to YouTube tức là: Cấp cho YouTube bởi BH Media (được chủ sở hữu ủy quyền) và ba tổ chức bảo vệ bản quyền (trong đó Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam). Ghi nhận này rất quan trọng, vì YouTube sẽ trả tiền tác quyền cho Giáng Son về Trung tâm bảo vệ tác giả âm nhạc Việt Nam, nơi Giáng Son ủy quyền.
Những hiểu lầm về quyền tác giả, quyền bản ghi rất phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà cả các nghệ sĩ lớn trên thế giới như Justin Bieber, Taylor Swift,... đều có. Theo đó, mỗi bản ghi âm, audio của một bài hát khi được phát hành, sẽ chứa 2 loại quyền tách biệt là: Quyền bản ghi - liên quan đến phần nhạc, hoà âm phối khí và âm thanh giọng hát có trong bản ghi; Quyền tác giả - liên quan đến phần giai điệu, tiết tấu và lời của bài hát được sử dụng trong bản ghi âm.
Theo luật bản quyền, hãng đĩa hoặc nhà sản xuất ra bản ghi âm là người nắm giữ phần quyền bản ghi, còn nhạc sĩ, người sáng tác bài hát nắm giữ quyền tác giả hay còn gọi là tác quyền.
Đây là cơ chế quét bản quyền tự động của YouTube
Với trường hợp của Taylor Swift sáng tác và hát các ca khúc trong các album Red nhưng quyền bản ghi âm của các album này thuộc về hãng đĩa Big Machine Records. Vậy sau khi chấm dứt hợp đồng với hãng, Taylor Swift đã phải thu âm lại toàn bộ các album của mình với phần hòa âm phối khí mới để có thể tiếp tục sử dụng và trình diễn các bài hát đó.
"Tại Việt Nam, có rất nhiều nghệ sĩ chưa hiểu chính xác về hai loại quyền nói trên. Có nhạc sĩ nghĩ mình là người tạo ra tác phẩm đó nên có quyền 100% đối với những bản ghi âm, ghi hình liên quan đến tác phẩm của mình. Ví dụ một nhạc sĩ chuyên sáng tác các ca khúc cho các show truyền hình của VTV, HTV nhưng không có nghĩa nhạc sĩ được quyền đăng tải các chương trình này lên kênh YouTube của nhạc sĩ, bởi VTV, HTV mới là chủ sở hữu thực sự", BH Media giải thích.
Đối với câu hỏi về quy trình rà soát từng tác phẩm của các tác giả có hợp đồng hợp tác với BH Media, đại diện đơn vị này cũng khẳng định đây là việc khó có thể giải quyết ngay lập tức: "Có hàng triệu video được tải lên YouTube mỗi ngày nên việc xử lý những vấn đề liên quan bản quyền là rất nhiều. Chúng tôi có hợp đồng hợp tác với hàng trăm đối tác, do đó việc ra soát từng trường hợp nghệ sĩ, tác giả trong hợp đồng với mỗi đối tác phải cần có thời gian dài. Tuy nhiên, khi có vấn đề phát sinh, chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát nhanh nhất".
Trước đó, nhiều nhạc sĩ cũng từng phản ánh việc bị yêu cầu xác nhận bản quyền khi đăng tải trên mạng xã hội. BH Media cho biết tại Việt Nam, có rất nhiều nghệ sĩ chưa hiểu chính xác về hai loại quyền nói trên. Có nhạc sĩ nghĩ mình là người tạo ra tác phẩm đó nên có quyền 100% đối với những bản ghi âm, ghi hình liên quan đến tác phẩm của mình. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy, khi nhạc sĩ làm video để đăng lên YouTube mà sử dụng bản ghi âm của chủ sở hữu khác không xin phép sẽ nhận được thông báo bản quyền từ mạng xã hội này.
Đối với những trường hợp xảy ra khúc mắc về bản quyền, các tác giả, nghệ sĩ có thể liên hệ làm việc với những đơn vị được ủy quyền. Hiện nay ở Việt Nam có 5 tổ chức bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan như: Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAF), Hiệp hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA), Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả việt Nam (VCCA), Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC).
Hiện tại, nhạc sĩ Giáng Son đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) giải quyết sự việc.